Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa (Phần 1)
Từ tháng 7 năm 1991, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức quyết định thực hiện chính sách cải cách theo hướng tự do hóa. Quyết định này có thể nói là bước chuyển cơ bản, một bước ngoặt trong chiến lược công nghiệp hóa nói riêng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Ấn Độ, đã và đang là một trong những yếu tố tạo đà cho kinh tế Ấn Độ cất cánh nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Chính nhờ thực hiện một cuộc cải cách mang tính cách mạng và toàn diện theo hướng tự do hóa, GDP của Ấn Độ đã liên tục tăng từ năm khởi đầu cải cách 1991 đến nay, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo và sức mạnh nền kinh tế.
Kinh tế Ấn Độ: Cải cách - Tự do hóa
PGS, TS Đỗ Đức Định*
1. Sức ép dẫn tới cải cách
Sau khi giành được độc lập dân tộc vào thập kỷ 1950, Ấn Độ đã đề cao đường lối phát triển “tự lực tự cường” với ba trụ cột chính trong hệ thống điều hành kinh tế là đề cao sở hữu nhà nước, tăng cường sự can thiệp của Chính phủ vào các hoạt động kinh doanh và hạn chế kinh tế đối ngoại, đặc biệt là hạn chế tư bản nước ngoài và hoạt động ngoại thương, nhất là hạn chế nhập khẩu để bảo hộ thị trường nội địa cho tư bản trong nước. Chính sách này đã giúp Ấn Độ xây dựng được một số ngành công nghiệp, nhưng hệ lụy của nó thì rất nặng nề, kéo nền công nghiệp Ấn Độ từ vị trí thứ 10 trên thế giới năm 1955 xuống thứ 20 năm 1973, đưa xuất khẩu của Ấn Độ từ chỗ chiếm 1% xuống 0,5% tổng giá trị xuất khẩu của thế giới, đưa mô hình “tự lực tự cường” từ một mô hình rất được các nước “thế giới thứ ba” ngưỡng mộ trong những năm 1950 và 1960 trở thành một mô hình tự cấp tự túc, kìm hãm tăng trưởng, tụt hậu xa so với nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapo và một số nước Đông Nam Á khác.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên đây, từ thập niên 1970, Chính phủ Ấn Độ đã bước đầu triển khai thực hiện một số điều chỉnh chính sách như tháng 2/1973 tuyên bố nới lỏng việc cấp phép công nghiệp, cho các nhà công nghiệp cỡ lớn và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp thuộc nhóm A là nhóm ngành trước đó chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 10/1975, nới lỏng thêm một bước nữa việc cấp phép, huỷ bỏ chế độ cấp phép đối với 21 ngành và cho phép mở rộng công suất nhà máy không hạn chế đối với 30 ngành.
Tuy nhiên, những điều chỉnh nhỏ không đủ để giúp Ấn Độ vượt qua được những lực cản lớn. Đến năm 1985, dưới tác động mạnh mẽ của xu hướng cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu cũ, Thủ tướng Rajiv Gandhi đã tiến hành những cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn, ngoài việc nới lỏng cấp phép, Chính phủ còn điều chỉnh Luật Hạn chế độc quyền và thương mại, nâng mức giới hạn tài khoản của công ty từ 200 triệu Rupi lên 1 tỷ Rupi, điều chỉnh Luật Kiểm soát ngoại hối (FERA); điều chỉnh Chính sách Ngoại thương. Tháng 6/1988, Chính phủ Ấn Độ công bố chính sách tự do hoá cấp phép cho các công trình đầu tư vào các vùng hẻo lánh, lạc hậu, đồng thời có chính sách ưu đãi thuế cho các công trình này. Chính sách công nghiệp 1990 chú trọng hơn tới đầu tư nước ngoài và khuyến khích sản xuất cho xuất khẩu. Những thay đổi mạnh tay này đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, bước đầu giảm bớt tình trạng quan liêu, phiền hà trong các thủ tục cấp phép, nới lỏng chừng mực nhất định sự kiểm soát của Nhà nước đối với doanh nghiệp, bước đầu thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân lên 5,4%/năm thời kỳ 1981-1990 so với 3,5%/năm của những thập kỷ trước đó; công nghiệp tăng bình quân 7% so với 5%, vốn đầu tư tăng 4 lần.
Mặc dù đã khá hơn, nhưng những điều chỉnh và cải cách bộ phận trên vẫn chưa đủ giúp Ấn Độ thoát ra khỏi tình trạng kém hiệu quả, trì trệ và tăng trưởng chậm kéo dài suốt 4 thập kỷ từ những năm 1950 và có xu hướng tụt dốc từ cuối những năm 1980. So sánh cả một thời kỳ dài có thể thấy tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm của Ấn Độ từ 1960-1990 là 4%, trong khi Indonesia 6%, Thái Lan 7%, Đài Loan 8%, Hàn Quốc 9%. Cùng thời kỳ này, tốc độ phát triển công nghiệp theo thứ tự các nước nêu trên là 6%, 9%, 12% và 10%.
Đến cuối thập niên 1980 - đầu 1990, do mất ổn định chính trị, lại bị tác động tiêu cực bởi sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cũ vốn là các bạn hàng lớn lâu năm của Ấn Độ và do những kìm hãm về cơ chế quản lý, nền kinh tế đã rơi vào khủng hoảng, hơn 30 triệu người thất nghiệp, nợ nước ngoài lên tới 70 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến tháng 5/1991 chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, đủ cho nhập khẩu 10 ngày, đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt trung bình khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, sau hai vụ Ấn Độ trục xuất hai công ty CocaCola và IBM, không khí đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Ấn Độ trầm hẳn xuống, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xa lánh Ấn Độ, tìm nơi khác để đầu tư. Trong khi đó, khu vực sở hữu nhà nước phình to, đi đôi với hệ thống bao cấp nặng, dẫn đến hiệu quả thấp, đầu những năm 1990, gần một nửa số các công ty thuộc sở hữu nhà nước bị nợ với tổng mức lên tới 1 tỷ USD. Trái với khu vực nhà nước, các xí nghiệp tư nhân không những không có bao cấp mà còn phải chịu những khoản cống nạp lớn cho tệ quan liêu, giấy tờ, thường phải mất 2 đến 3 năm chờ đợi, chạy vạy để hoàn tất các thủ tục kinh doanh. Jim Rohwer, tác giả cuốn Thời đại châu Á trỗi dậy[1] viết: “ngành hành chính dân sự Ấn Độ của năm 1950 tương đối lành mạnh - Jawahalan Nehru, sau này là Thủ tướng, đã chính thức bị tống giam hai năm về tội nhận một món quà với 6 chai whisky – vậy mà đến năm 1991 Ấn Độ trở thành một đất nước dễ dàng bị mua chuộc, hối lộ như tất cả các nước khác ở châu Á”.
Kết quả, Ấn Độ không những đã không thực hiện được mục tiêu đưa tốc độ tăng GDP bình quân lên 7%/năm, mà đến cuối thập kỷ 1980 - đầu 1990 nền kinh tế đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, mức tăng GDP sụt mạnh xuống còn 1,1% năm 1991, lạm phát dâng cao, nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn, cán cân thanh toán thiếu hụt lớn, tình hình xã hội căng thẳng, đời sống nhân dân giảm sút. Thực trạng đó đã trở thành sức ép đòi hỏi Ấn Độ phải có những chuyển đổi lớn hơn, không chỉ dừng lại ở những điều chỉnh từng phần, mà cần phải có một cuộc cải cách lớn, toàn diện, một bước chuyển mang tính đột phá và chiến lược trong chính sách và cơ chế vận hành nền kinh tế. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc cải cách mang tính chuyển đổi chiến lược từ tập trung quan liêu, bao cấp, nặng “tự lực cánh sinh” theo kiểu đóng cửa, tự cấp tự túc, thực hiện trong hơn 4 thập kỷ từ cuối những năm 50 đến hết những năm 80 của thế kỷ XX, sang tự do hoá, mở cửa, thực hiện từ đầu những năm 1990 nhằm tăng cường sức sống cho nền kinh tế Ấn Độ trong một thế giới đang vận động mạnh mẽ sang thế kỷ XXI theo hướng toàn cầu hoá, tự do hoá và hội nhập quốc tế.
2. Cải cách - tự do hoá
Từ tháng 7 năm 1991, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức quyết định thực hiện chính sách cải cách theo hướng tự do hoá. Quyết định này có thể nói là bước chuyển cơ bản, một bước ngoặt trong chiến lược công nghiệp hoá nói riêng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Ấn Độ. Nếu như trong suốt ba thập kỷ từ những năm 1950 đến những năm 1970, xuất phát từ nguyên tắc tự lực cánh sinh, Ấn Độ phát triển theo chiến lược hướng nội là chính (90% vốn đầu tư dựa vào nguồn trong nước, thực hiện chính sách bảo hộ mạnh mẽ cho công nghiệp trong nước, đề cao khu vực quốc doanh, coi nhẹ vai trò của tư bản nước ngoài và tư nhân trong nước,...); đến những năm 1980, chuyển sang chiến lược hỗn hợp (nửa kế hoạch, nửa thị trường, nửa hướng nội, nửa hướng ngoại); thì từ năm 1991, chuyển mạnh sang chính sách tự do hoá, quyết tâm thực hiện tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước dù rất khó khăn, coi trọng kinh tế thị trường và kinh tế đối ngoại. Đây là một cuộc cải cách toàn diện nhằm điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển từ một nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, đóng cửa, sang một nền kinh tế thị trường, tự do hoá và mở cửa, phát triển năng động, nâng cao khả năng cạnh tranh, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế, vừa nhằm ổn định hoá vừa tự do hoá nền kinh tế, tập trung vào những trọng điểm chính là:
- Lấy lại cân bằng vĩ mô, giảm bớt mức thâm hụt của ngân sách chính phủ, kiểm soát lạm phát.
- Nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách cấu trúc lại khu vực này.
- Từng bước tự do hoá thị trường tài chính, thả nổi một phần đồng Rupi, giảm thuế quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục