Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự chương trình giao lưu với đoàn làm phim "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ"

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự chương trình giao lưu với đoàn làm phim "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ"

Ngày 19/03/2024, ThS. Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tham dự chương trình giao lưu với đoàn làm phim và trình chiếu phim tài liệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ". Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội tổ chức.

01:02 21-03-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự Chương trình, về phía khách mời Ấn Độ có ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ; Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ.

Về phía Việt Nam, có PGS. TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Hoàng Thị Bích Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội; Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và châu Á; ThS. Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cùng nhiều cán bộ, khách mời đến từ Đại sứ quán Ấn Độ và Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội.

Trong phần phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã giới thiệu sơ lược về bộ phim tài liệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ". Bộ phim được quay vào năm 2021, nhằm ghi lại những câu chuyện lịch sử và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước Ấn Độ. Bộ phim sử dụng nhiều tư liệu quý giá xoay quanh ba chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ, lần lượt vào năm 1911, năm 1946 và năm 1958. Một chi tiết ấn tượng của bộ phim là hình ảnh “một giọt nước long lanh từ trên núi cao, chia làm đôi, một nửa đi vào sông Hằng, một nửa đi vào dòng Mê Kông vĩ đại”, ẩn dụ cho sự gắn kết lịch sử giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.

Phát biểu tại chương trình, TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và châu Á chia sẻ về tầm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Theo bà, kết nối con người là một trong ba trụ cột chính của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, thể hiện trong tuyên bố “Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và con người”. Trong đó, giao lưu nhân dân và giao lưu lãnh tụ là hai khía cạnh cơ bản của kết nối con người. Nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ đều đánh giá cao và tôn trọng người lãnh tụ. Vì thế, sự giao lưu, kết nối của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các lãnh tụ của Ấn Độ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước. Tình cảm tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các lãnh tụ của Ấn Độ là hình mẫu, là nguồn cảm hứng trong giao lưu con người giữa Việt Nam - Ấn Độ. Vai trò ấy không chỉ tồn tại trong lịch sử cận hiện đại mà sẽ kéo dài cho cả hôm nay và mai sau.

Chia sẻ về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội bày tỏ, người dân Ấn Độ dành tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn Độ có nhiều con đường được đặt theo tên chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nơi trưng bày tượng Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến Ấn Độ và luôn căn dặn Bộ Ngoại giao phải đặt Ấn Độ ở vị trí nước lớn, cần coi trọng. Chuyến thăm kéo dài 10 ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ vào năm 1958 là minh chứng cho sự quan tâm, tình cảm của Bác dành cho đất nước này.

Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành cũng đánh giá bộ phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ” là bộ phim tài liệu đầu tiên khai thác mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, lãnh tụ, người dân Ấn Độ, giúp gia tăng hiểu biết, tình cảm giữa người dân hai nước. Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm tuyên truyền về chủ đề giao lưu lãnh tụ, kết nối con người giữa Việt Nam - Ấn Độ hơn trong tương lai, góp phần đưa mối quan hệ hai nước phát triển có chiều sâu và bền vững hơn nữa.

Trong phần thảo luận, Ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ đã dành lời cảm ơn chân thành đến đoàn làm phim khi được thưởng thức một bộ phim hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ. Ông Subhash Gupta cũng dành lời ca ngợi cho đạo diễn, biên kịch của bộ phim vì chỉ với thời lượng 30 phút nhưng bộ phim đã thể hiện được nhiều khía cạnh về mối quan hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ, các sự kiện trong bộ phim được sắp xếp hợp lý, lột tả được tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đất nước Ấn Độ từ khi còn là một thanh niên ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành lãnh tụ quốc gia. Tư liệu sử dụng trong phim có cả cũ và mới, được lồng ghép nhuần nhuyễn và thống nhất. Phó Đại sứ Ấn Độ Subhash Gupta đánh giá bộ phim đã thành công trong việc truyền cảm hứng về tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Ấn Độ cho thế hệ trẻ.

Chương trình Giao lưu với đoàn làm phim và trình chiếu phim tài liệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ" góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục