Liên tiếp lập kỷ lục, chứng khoán Ấn Độ đang trở thành “vịnh tránh bão”?
Chứng khoán Ấn Độ có thể là một “vịnh tránh bão” trong lúc các thị trường mới nổi nói chung có nhiều bấp bênh...
Thị trường chứng khoán Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục trong tuần trước, giữa lúc nhiều thị trường khác trong khu vực trượt dốc vì nỗi lo chiến tranh thương mại. Một số nhà đầu tư thậm chí còn cho rằng, cổ phiếu Ấn Độ là "vịnh tránh bão" tiềm năng trong bối cảnh các thị trường mới nổi nói chung có nhiều bấp bênh như hiện nay.
Theo hãng tin CNBC, chỉ số chính của Sở Giao dịch chứng khoán Bombay S&P (BSE) tăng gần 1% trong phiên ngày thứ Sáu, đạt 37.337 điểm. Đây là phiên lập kỷ lục thứ tư liên tiếp của chỉ số này.
Một động lực quan trọng phía sau sự tăng điểm gần đây của chứng khoán Ấn Độ là các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 2 khả quan.
Tâm trạng hứng khởi của giới đầu tư chứng khoán Ấn Độ hiện nay trái ngược với sự bi quan phủ bóng thị trường toàn cầu khi Mỹ mâu thuẫn sâu sắc với Trung Quốc và châu Âu về vấn đề thuế quan và thương mại.
Ông Jon Harrison, phụ trách chiến lược vĩ mô thị trường mới nổi thuộc công ty nghiên cứu TS Lombard, cho rằng nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố mà Ấn Độ trở thành "một vịnh tránh bão tương đối an toàn cho các nhà đầu tư cổ phiếu".
"Ấn Độ là một nền kinh tế tương đối đóng", ông Harrison giải thích, cho rằng nước này "ít liên quan hơn đến các chuỗi cung ứng khu vực so với những nền kinh tế công nghệ cao hơn ở châu Á".
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ năm 2017 tương đương 18,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP), đồng nghĩa với việc nước này có thể chịu tác động ít hơn từ biến động dòng chảy thương mại quốc tế so với một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam - theo ông Harrison.
Ngoài ra, Ấn Độ có thể hưởng lợi khi các nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. "Ấn Độ là một thị trường chứng khoán lớn khác ở khu vực châu Á, nên các nhà đầu tư muốn duy trì nắm giữ cổ phiếu châu Á mà lại lo chiến tranh thương mại, thì có thể mua cổ phiếu Ấn Độ thay vì cổ phiếu ở Trung Quốc".
Chính trị trong nước là một yếu tố ủng hộ khác đối với chứng khoán Ấn Độ. Hành động trước thềm cuộc bầu cử vào năm 2019, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang tăng cường hỗ trợ nhà nước cho nông dân và đẩy mạnh an sinh xã hội - hai chiến lược có thể giúp tăng tiêu dùng.
Ngoài ra, kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm nay, với mức tăng GDP có thể đạt 7,3% - theo WB.
Tuy nhiên, ông Harrison cũng nhấn mạnh rằng chứng khoán Ấn Độ chỉ có thể là "vịnh tránh bão" nếu xảy ra "một môi trường chung rất tiêu cực đối với tài sản của các thị trường mới nổi".
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng ảnh hưởng gián tiếp của chiến tranh thương mại toàn cầu có thể tác động đến Ấn Độ. Giá hàng hóa tăng do chủ nghĩa bảo hộ, nhất là giá dầu tăng, có thể khiến kinh tế Ấn Độ gặp khó vì nước này phải nhập khẩu nhiều dầu.
Chưa kể, đồng USD đã mạnh lên nhiều so với đồng USD trong mấy tháng gần đây. Ấn Độ "không thể trở thành một vịnh tránh bão với một đồng tiền yếu được" - ông Derek Scissors, một chuyên gia về Ấn Độ thuộc tổ chức nghiên cứu American Enterprise Insitute, nhận định.
Nguồn: http://vneconomy.vn/lien-tiep-lap-ky-luc-chung-khoan-an-do-dang-tro-thanh-vinh-tranh-bao-20180730122900249.htm
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024