Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Đó là mong muốn chung của các đại biểu tại hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" được tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 5/2015. Gần 50 đại biểu dự hội thảo đã bày tỏ tâm huyết và mong mỏi thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển.

05:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trên nền tảng tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, Việt Nam và Ấn Độ từ lâu đã là những đối tác truyền thống, tin cậy của nhau. Tại hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam P.Xa-ran nhấn mạnh, hai nước đều may mắn có cơ cấu dân số trẻ và lực lượng trẻ năng động chính là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế của hai nước, là những đại sứ tốt nhất cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai. Những điểm chung về văn hóa, tôn giáo cùng truyền thống đấu tranh giành độc lập, tự do ở mỗi nước cũng là sợi dây gắn kết gần gũi giữa hai dân tộc, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương về nhiều mặt.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, sau khi Việt Nam và Ấn Độ nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược vào năm 2007, hợp tác kinh tế giữa hai nước có nhiều bước tiến rõ rệt. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2014 đạt hơn tám tỷ USD, vượt mốc bảy tỷ USD mà hai nước đã đề ra. Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong năm nay. Các lĩnh vực hợp tác mà hai nước đặc biệt ưu tiên bao gồm: dệt may, xuất khẩu gạo và nông sản, công nghệ thông tin...

Mặc dù lạc quan trước tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại to lớn của hai nước, không ít đại biểu vẫn nhận định rằng những gì Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được chưa thật sự tương xứng tiềm năng. Chủ tịch Ủy ban xúc tiến doanh nghiệp Ấn Độ - ASEAN S.Xri-va-xta-va chia sẻ, nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp may mặc của Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều quốc gia, nhưng nguyên liệu thô nhập từ Ấn Độ -một trong những nước sản xuất bông, sợi với chi phí cạnh tranh hàng đầu thế giới, lại không nhiều. Việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước cũng là một rào cản đối với hợp tác du lịch song phương. Bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác kinh tế, bà R.Mun-đra đến từ Công ty Kamma Incorporation nhấn mạnh, các bên cần chú trọng tăng cường mạng lưới thông tin, truyền thông để gia tăng sự kết nối, cập nhật thông tin nhanh nhạy giữa giới doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Theo bà, truyền thông cần phát huy vai trò là cầu nối đưa các nhà đầu tư Ấn Độ đến một thị trường mới mẻ, nhiều triển vọng và gần gũi cả về địa lý lẫn văn hóa như Việt Nam và ngược lại. Trong khi đó, đại biểu M.Pa-rếch thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam gợi ý, hai nước cần đơn giản hóa thủ tục hải quan, tăng cường kết nối đường bộ, đường thủy và đường hàng không, đồng thời cấp thị thực dài hạn cho giới doanh nhân.

Trên chặng đường thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, khó có thể bỏ qua nhịp cầu hữu nghị mà hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ đã cùng nhau xây đắp. Là người có hơn 30 năm gắn bó và tận mắt chứng kiến Việt Nam nỗ lực xây dựng đất nước sau chiến tranh, ông S.Xri-va-xtava xúc động chia sẻ: "Tôi yêu quý đất nước Việt Nam anh hùng, con người Việt Nam chân thành, hiếu khách và vô cùng khâm phục, kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già của dân tộc các bạn. Trong huyết quản tôi dường như đã mang một nửa dòng máu Việt và tôi luôn trăn trở tìm cách vun đắp tình hữu nghị cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước bạn bè Ấn Độ - Việt Nam". Trong hàng chục năm công tác tại Việt Nam, ông S.Xri-va-xta-va đã tài trợ 50.000 USD để xây dựng phòng thí nghiệm nhuộm vải ở TP Hồ Chí Minh, trao nhiều học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng tặng sinh viên, học sinh... Với những đóng góp và tấm lòng nhân ái đáng quý, ông Xri-va-xta-va đã vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương và Huân chương Hữu nghị. Ông cùng các đại biểu hy vọng, lòng trân trọng, tình yêu thương và sự hiểu biết sâu sắc lẫn nhau sẽ là những động lực thôi thúc các nhà đầu tư Ấn Độ tìm đến thị trường Việt Nam và ngược lại.

(Theo http://www.nhandan.com.vn/)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục