Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ tốt đẹp Ấn Độ - Úc

Mối quan hệ tốt đẹp Ấn Độ - Úc

Mối quan hệ Ấn Độ-Úc đang trở nên mạnh mẽ hơn trong khi mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc đang xuống mức thấp nhất từ trước tới nay mọi thời đại.

03:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sau cuộc đụng độ ở Ladakh, hai mươi binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định quân nhân Trung Quốc thiệt mạng, quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng. Do đó, Ấn Độ đã tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt là Úc. Mối quan hệ Ấn Độ-Úc vốn có truyền thống tốt đẹp, và càng được cải thiện đáng kể trong vài năm qua, có khả năng còn trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai. Quỹ đạo tăng trưởng này có thể quan sát thấy qua những hỗ trợ mở rộng và những lời tuyên bố của Ấn Độ dành cho Úc, và thực chất hơn nữa ở cấp độ trao đổi quốc phòng và tương tác và hợp tác chiến lược.

Ấn Độ có truyền thống thận trọng, không công khai lập trường chống Trung Quốc, mà lựa chọn cách thể hiện thái độ tinh tế hơn, đặc biệt là trong các tranh chấp song phương của Trung Quốc với các nước khác. Ngay cả trong vấn đề Biển Đông, dù Ấn Độ có thiện cảm với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, và dù ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, nhưng Ấn Độ không công khai chỉ trích Trung Quốc. Đó có thể là cách mà Ấn Độ phản ứng trước tranh chấp của Úc với Trung Quốc, ủng hộ Úc thông qua cải thiện quan hệ song phương mà không nhất thiết chỉ trích Trung Quốc.

Phương pháp sử dụng ngôn từ tinh tế - nét đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ

Ấn Độ luôn miễn cưỡng khi công khai gọi tên Trung Quốc, ngay cả khi phản đối hành vi của Trung Quốc. Điều này xảy ra không chỉ trong các vấn đề quốc tế mà còn ngay cả khi Trung Quốc nhắm trực tiếp vào Ấn Độ. Ví dụ: mặc dù Trung Quốc đã phản đối việc Ấn Độ đề nghị trở thành thành viên của Nhóm các quốc gia cung cấp hạt nhân (NSG) và Ấn Độ đã phản ứng dữ dội, nhưng trong ngôn từ, Ấn Độ tránh gọi thẳng tên Trung Quốc, thay vào đó, Ấn Độ né tránh bằng cách nói đơn giản là “các rào cản thủ tục do một quốc gia liên tục nêu ra”. Tương tự, ngay cả sau cái chết của binh sĩ Ấn Độ ở Ladakh, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã không đề cập đến Trung Quốc trong chuyến thăm nhằm nâng cao tinh thần cho quân đội Ấn Độ ở Ladakh, mặc dù ông vấp phải chỉ trích trong nước vì đã không làm như vậy.

Mặc dù Ấn Độ công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc, nhưng nước này luôn né tránh việc chỉ trích Trung Quốc. Ví dụ, Ấn Độ đã nhiều lần ủng hộ vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông và cũng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, rõ ràng đều nhằm vào Trung Quốc. Thậm chí gần đây, Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này như sau: “Biển Đông là một phần của Trái đất nói chung và Ấn Độ luôn quan tâm đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kiên quyết lập trường ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không, và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các tuyến đường thủy quốc tế qua vùng này, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ấn Độ cũng tin rằng, mọi bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình trên tinh thần tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao và không dùng đến biện pháp răn đe và vũ lực”.

Ấn Độ tham gia mạnh mẽ với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Dù phong cách của Ấn Độ là miễn cưỡng khi đối lập với Trung Quốc nhưng Ấn Độ chứng tỏ rằng, họ vẫn sẽ hành động vì lợi ích quốc gia nếu phải chống lại Trung Quốc. Điều này có thể được nhìn thấy trong cam kết ngày càng sâu rộng của Ấn Độ đối với Nhóm Quad và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã dứt khoát phủ nhận mọi ý định nhằm vào hoặc kiềm chế các quốc gia khác, ở đây rõ ràng là Trung Quốc, khi ông nói về khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La năm 2018. Cách làm này được lặp lại trong các tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đáp lại sự chỉ trích của Nga về sự tham gia của Ấn Độ trong Bộ tứ, vốn được coi là một chiến lược ngăn chặn đối với Trung Quốc. Nhưng cách sử dụng ngôn từ ngoại giao như vậy càng làm sáng tỏ thực tế rằng, Ấn Độ ngày càng gia tăng sự can dự với Nhóm Quad. Từ chỗ là mắt xích yếu nhất trong Bộ tứ, nay New Delhi đang góp phần làm cho Quad mạnh mẽ hơn. Một cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc thậm chí còn gợi ý rằng, mối quan hệ này cần được quân sự hóa.

Mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ và Úc

Mối quan hệ Ấn Độ-Úc có khả năng trở nên bền chặt hơn. Đây là một mô hình Úc có thể mong đợi. Ấn Độ có khả năng sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Úc do Ấn Độ có thể sẽ giúp chống lại sự xâm lược về quân sự và ngoại giao của Trung Quốc, nhưng có thể sẽ vẫn miễn cưỡng nêu tên Trung Quốc một cách rõ ràng.

Có thể rằng, Ấn Độ biết ơn sự hỗ trợ cởi mở của Úc sau cuộc đụng độ ở Ladakh khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne đưa ra tuyên bố tại Quốc hội Úc ủng hộ Ấn Độ và chỉ trích hành động của Trung Quốc. Cho đến nay, Ấn Độ tỏ ra không thoải mái trong việc đưa ra các tuyên bố công khai chống lại Trung Quốc, nên những ưu tiên của nước này có thể được phản ánh nhiều hơn trong các hành động mà nước này thực hiện, hơn là thông qua lời nói. Ví dụ, các tương tác của Ấn Độ với Úc đã trở nên thường xuyên hơn ngay cả trong vài tháng qua, chứng tỏ mức độ quan trọng ngày càng tăng của Delhi đối với mối quan hệ này. Sau khi nâng cấp mối quan hệ của hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng vào năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Úc đã có cuộc gặp trực tiếp bên lề của cuộc họp Bộ tứ tại Tokyo. Hai bên cũng đã liên lạc qua điện thoại chặt chẽ, xem xét các diễn biến an ninh khu vực.

Tương tác trong tương lai giữa Ấn Độ và Úc tất nhiên sẽ được thúc đẩy bởi các hành động của Trung Quốc, giống như trong quá khứ. Ví dụ, Ấn Độ đã từ chối việc mời Úc tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar trong vài năm mặc dù thực tế là Úc rất muốn tham gia và đã ngỏ lời muốn Ấn Độ mời tham gia. Mỹ cũng đã thúc đẩy Ấn Độ mời Úc, nhưng Ấn Độ vẫn miễn cưỡng vì những lời chỉ trích của Úc sau vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 và vì có những câu hỏi về cam kết của Úc đối với quan hệ đối tác. Nhưng sau cuộc đối đầu ở Ladakh, Ấn Độ đã gửi lời mời tới Úc và Úc cử một đội quân tham gia cuộc tập trận Malabar 2020.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ giảm bớt cuộc đối đầu với Ấn Độ trong tương lai gần, bất chấp những thiệt hại mà họ đang gây ra đối với quan hệ Trung-Ấn, và bất chấp những lo ngại của họ về mối quan hệ Ấn-Úc đang phát triển.

Khả năng tái thiết mối quan hệ Trung-Ấn

Cuộc đụng độ ở Ladakh là một điểm đứt gãy khó hàn gắn trong mối quan hệ Trung-Ấn. Sau cuộc đối đầu Doklam năm 2017, Ấn Độ đã nỗ lực thiết lập lại quan hệ. Bất chấp nỗ lực nghiêm túc của Ấn Độ nhằm giải quyết những lo ngại của Trung Quốc trong hai hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ hai nước không có dấu hiệu cải thiện, và sự tức giận của Ấn Độ đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khó có thể nói chắc chắn rằng Ấn Độ sẽ không cố gắng thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc nếu Bắc Kinh có thành ý.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khó có khả năng quan hệ Trung-Ấn sẽ sớm được cải thiện. Trung Quốc dường như không có ý định để đánh giá lại hành vi của mình bất chấp tai tiếng của họ trên toàn thế giới. Mặt khác, cuộc đối đầu ở Ladakh hiện đã thay đổi điều kiện nền tảng do hậu quả của hành vi của Trung Quốc mà sẽ khó khắc phục, ngay cả khi cả hai thủ đô muốn thiết lập lại mối quan hệ. Mặc dù Ấn Độ không yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và những người khác đã nhiều lần chỉ ra mối liên kết giữa hòa bình ở biên giới với sự ổn định chung trong mối quan hệ. Rất khó để thấy hai bên đạt được sự ổn định trong mối quan hệ khi quân đội cả hai bên đều đang đóng trên Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Cuối cùng, những diễn biến này có hậu quả là những hành động bắt nguồn từ nhận thức sai lầm: hành vi của Trung Quốc dẫn đến phản ứng của Ấn Độ, chẳng hạn như, Ấn Độ thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với nước khác, làm cho Bắc Kinh nghi ngờ, dẫn đến các hành động tiếp theo, đây là một vòng luẩn quẩn kéo dài.

Chuỗi hành động này sẽ làm sâu sắc thêm cam kết của Ấn Độ đối với quan hệ đối tác an ninh với Úc. Nhưng cam kết này không có khả năng diễn ra dưới hình thức Ấn Độ tuyên bố công khai ủng hộ Úc trước những khó khăn của chính Canberra với Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ sẽ ủng hộ Úc bằng hành động. Đối thoại và hợp tác sẽ tăng cường. Mối quan hệ quân sự cũng có thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn thông qua các cuộc tập trận chung, cả ở hình thức song phương và đa phương. Ấn Độ cũng có khả năng muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Úc, vừa để hỗ trợ Úc nhưng cũng vừa được hưởng lợi từ xung đột thương mại Trung-Úc.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Ấn Độ-Úc khó có thể phát triển như quan hệ kinh tế Trung-Úc. Cả hai bên cũng có khả năng sẽ khám phá các lựa chọn khác như mối quan hệ tình báo chặt chẽ hơn và trong các lĩnh vực khác như công nghệ cao và nghiên cứu vũ trụ. Lý tưởng nhất, hai nước cũng nên tìm hiểu sự phối hợp ngoại giao chặt chẽ hơn để chống lại các hành động của Trung Quốc trong các cơ quan đa phương mà cả hai nước đều thấy là không thể chấp nhận được. Về trung hạn, ngoại giao phối hợp như vậy không chỉ xuất hiện giữa Ấn Độ và Úc mà còn với các nước cùng chí hướng.

Truyền thống lâu đời của Ấn Độ là không can dự vào các tranh chấp của các nước khác khiến nước này không công khai chọn đứng về phía nào, đặc biệt là chống lại các cường quốc hậu thuộc địa châu Á khác. Nhưng sự miễn cưỡng này chỉ giới hạn trong các tuyên bố của Ấn Độ và không miễn cưỡng trong các hành động của Ấn Độ. Do đó, tiêu chí chính xác để đánh giá cam kết hợp tác an ninh của Ấn Độ với Úc sẽ không phải là những gì Ấn Độ nói mà là những gì Ấn Độ làm. Và điều này, chúng ta có thể mong đợi, sẽ phát triển mạnh hơn trong những năm tới.

Tác giả: TS Rajeswari Pillai Rajagopalan, trưởng nhóm nghiên cứu sáng kiến hạt nhân và vũ trụ, Quỹ những nhà quan sát Ấn Độ (ORF)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: India-Australia relations likely to get stronger | ORF (orfonline.org)

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục