Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mời viết bài tham luận hội thảo khoa học quốc tế "Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng trong bối cảnh mới"

Mời viết bài tham luận hội thảo khoa học quốc tế "Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng trong bối cảnh mới"

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trân trọng kính mời các nhà khoa học gửi bài tham luận tới hội thảo khoa học quốc tế "Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng trong bối cảnh mới". Hội thảo sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong 1 ngày trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm 2023.

06:00 31-10-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lý do tổ chức hội thảo

Trong truyền thống lịch sử cũng như trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ luôn là một người bạn thủy chung, son sắt, ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, luôn tạo điều kiện cho hợp nhằm hướng tới mục tiêu chung về phát triển thịnh vượng bền vững trên các phương diện. Ấn Độ là một quốc gia đa đảng phái chính trị, theo chế độ cộng hòa dân chủ đại nghị. Dù các đảng phái chính trị của Ấn Độ thay nhau cầm quyền, nhưng đảng nào lên cầm quyền cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam - đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam. Hoạt động hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với đảng cầm quyền ở Ấn Độ qua từng thời kỳ, cũng như với các Đảng Cộng sản tại Ấn Độ có ý nghĩa quyết định, đặt nền móng cho các hoạt động trên nhiều lĩnh vực như quân sự, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa và giáo dục. Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ lợi ích duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở luật pháp quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, hai nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn trên các diễn đàn đa phương, sát cánh để cùng bảo vệ các lợi ích chung của hai nước, khu vực, cũng như quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Trong suốt 9 năm thành lập và phát triển (2014-2023), Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã và đang triển khai nhiều hoạt động, nội dung nghiên cứu đa dạng và thiết thực, đã có nhiều công trình nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực chính trị. Gần đây nhất, tại cuộc gặp giữa đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, và ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, việc phân tích dự báo bối cảnh quốc tế trước mắt để dự báo những vấn đề lâu dài là rất quan trọng. Nhìn lại 50 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước, Học viện đề xuất phối hợp với phía Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế lớn để định vị quan hệ hai nước trong thế giới ngày nay, phân tích các xu thế hợp tác, phát triển, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách và chiến lược đang đặt ra từ tình hình quốc tế và khu vực, như vấn đề dịch bệnh toàn cầu, khả năng ứng phó trong hợp tác quốc tế, trách nhiệm giữa các quốc gia. Hoan nghênh các đề xuất hợp tác của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nói riêng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung trong nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, việc tổ chức hội thảo quốc tế lớn tại Việt Nam vào năm 2023 là một kế hoạch lớn và nên tập trung vào các vấn đề vĩ mô liên quan đến phát triển kinh tế, đến vấn đề toàn cầu hóa, đến các hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP, giải pháp cho các cuộc khủng hoảng và xung đột hiện nay.

Thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy biến động và phức tạp, với nhiều yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ song phương. Dịch bệnh đe dọa con người và gây ra nhiều thách thức trong hợp tác quốc tế. Xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, đe dọa nền hòa bình toàn cầu. An ninh mạng là một vấn đề ngày càng trở nên quan trọng, khi sự phụ thuộc vào mạng internet và kỹ thuật số ngày càng cao. Các cuộc tấn công mạng có thể gây nguy hiểm cho quốc gia và doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu đã tạo ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Việc phải đối mặt với các hiểm họa này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hiệu quả. Hội thảo sẽ nêu ra, thảo luận và phân tích những thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới này, đồng thời xem xét tác động của chúng đến quan hệ song phương, tạo diễn đàn đối thoại về tình hình mới để tìm ra giải pháp cho một thế giới ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.

Từ những chỉ đạo sát sao đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng trong bối cảnh mới”. Hội thảo sẽ có sự tham dự của những nhà khoa học hàng đầu, có uy tín, của cả Việt Nam và Ấn Độ. Hội thảo nhằm mục tiêu chung là đánh giá, tổng kết mối quan hệ song phương trong nửa thế kỷ qua, hướng tới kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được; phân tích những rào cản trong hợp tác phát triển; phân tích những bối cảnh mới trong địa chính trị ảnh hưởng đến sự phát triển giữa hai nước trên nhiều phương diện, từ đó đề xuất giải pháp để không ngừng phát triển mối quan hệ hai nước trong tương lai. Các bài tham luận sẽ được biên tập để xuất bản trong cuốn kỷ yếu hội thảo. Tài liệu này sẽ đóng góp bổ sung lý luận về Ấn Độ học, chính trị học, quan hệ quốc tế, thông tin đối ngoại; và sẽ cung cấp hệ thống kinh nghiệm trong hợp tác với các đối tác Ấn Độ, và các quốc gia khác. Kết quả này sẽ được sử dụng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong tổng kết thực tiễn và làm cơ sở cho định hướng hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

 

Mục tiêu 

·       Đánh giá toàn diện mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong suốt 50 năm qua, từ tổng quan đến những mặt cụ thể như chính trị; quốc phòng - an ninh; kinh tế, thương mại, đầu tư; giáo dục - văn hóa; ứng phó với đại dịch Covid-19; và khoa học - công nghệ, làm nổi bật tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, đặc biệt phân tích những bối cảnh mới đang thay đổi rất nhanh, có ảnh hưởng sâu sắc tới hợp tác quốc tế.

·       Làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong một số lĩnh vực mới và cấp thiết hiện nay, trong đó Ấn Độ có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, chính sách mới có thể rút ra những bài học tổng kết thực tiễn: vấn đề toàn cầu hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng, phát triển bền vững, kinh tế xanh, các hiệp định thương mại, chuyển đổi số.

·       Góp phần đề xuất một số biện pháp cụ thể giúp mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đạt được nhiều thành quả thực chất, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

 

Yêu cầu về nội dung tham luận

Hội thảo tập trung vào chủ đề mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến thay đổi nhanh. Hội thảo mong muốn nhận được các bài tham luận phản ánh lý thuyết và thực tiễn với lập trường chính trị và phương pháp luận đúng đắn, tập trung nhưng không hạn chế trong các nội dung sau đây:

·       Hợp tác phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ

·       Công nghệ - động lực cho sự phát triển của Ấn Độ

·       Vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - ASEAN

·       Thúc đẩy du lịch để nâng tầm giao lưu nhân dân

·       Phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

·       Phát triển nền kinh tế số Việt Nam - Ấn Độ

·       Phát triển Kinh tế và Đầu tư tại Việt Nam

·       Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực y tế và dược phẩm

·       Sự tham gia của Việt Nam và Ấn Độ trong các tổ chức quốc tế và quá trình đàm phán thương mại đa phương

·       Vai trò của Ấn Độ trong việc đảm bảo an ninh biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam

·       Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong giáo dục và đào tạo

·       Sự ảnh hưởng của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đối với cân bằng chính trị khu vực châu Á

·       Các chủ đề khác về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới

 

Yêu cầu về hình thức tham luận

·       Bài viết bằng file doc. Hoặc docx., tiếng Việt, font chữ Time New Roman, cỡ chữ: 12, giãn cách 1.15 line, căn lề trái 3 cm, lề phải 2 cm, lề trên 2cm, lề dưới 2 cm; Số trang để phía dưới trang viết và căn giữa; cách đoạn trên/dưới: 6 pt, độ dài từ 10 đến 15 trang A4.

·       Bài gửi đến Hội thảo cần ghi rõ tên tác giả (đồng tác giả), chức danh khoa học, học vị và cơ quan công tác.

·       Bố cục bài viết: Bài viết gửi Hội thảo có bố cục ít nhất gồm 4 phần: i) Tên bài viết; ii) Tóm tắt từ 5 đến 7 dòng (đối với bài viết bằng tiếng Việt và bắt buộc có thêm bản dịch tiếng Anh cho phần tóm tắt đối) nêu bật những nội dung chính, đóng góp mới của bài viết; iii) Nội dung bài viết; iv) Danh mục tài liệu tham khảo.

·       Cách viết đề mục: Tên bài viết, tên các mục, tiểu mục ngắn gọn, không có dấu chấm ở cuối dòng. Nếu bài viết được chia thành các mục và tiểu mục, cần đánh số theo thứ tự: 1.; 1.1.; 1.1.1.;…

-       Mục lớn nhất là 1: In đậm

-       Mục nhỏ hơn là 1.1 : In đậm nghiêng

-         Mục nhỏ hơn là 1.1.1: In nghiêng không đậm

·       Tài liệu tham khảo và cách thức trích dẫn:

-       Tài liệu tham khảo được sử dụng trong bài phải đảm bảo độ tin cậy khoa học, chính xác, minh bạch. Nếu trích dẫn nguyên văn thì phải để trong dấu ngoặc kép; nếu trích dẫn nội dung thì không cần để trong dấu ngoặc kép. Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép “…” để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn hai câu hoặc 4 dòng đánh máy thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, lề trái lùi vào thêm 2 cm.

-       Đối với tài liệu là các bài tạp chí, tác giả cần ghi rõ nguồn tài liệu theo thứ tự sau: Tên của tác giả hoặc cơ quan ban hành, năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên bài báo… (viết in nghiêng, có dấu phẩy cuối tên sách, bài báo…), nhà xuất bản/số (có dấu phẩy cuối tên), trang.

-       Đối với tài liệu là sách, tác giả cần ghi rõ nguồn tài liệu theo thứ tự sau: Tên của tác giả hoặc cơ quan ban hành, năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên sách… (viết in nghiêng, có dấu phẩy cuối tên sách), nhà xuất bản/số (có dấu phẩy cuối tên), nơi xuất bản sách (Tên thành phố), trang.

-       Đối với tài liệu trên website, tác giả cần ghi rõ nguồn tài liệu theo thứ tự sau: Tên tác giả, tên bài viết (in nghiêng), địa chỉ truy cập, truy cập nngày/tháng/năm.

 

Các mốc thời gian quan trọng của hội thảo
Thông báo hội thảo trên website của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện CTQG HCM (cis.org.vn): tháng 10/2023

Gửi toàn văn bài viết về địa chỉ email của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (indiancentrevietnam@gmail.com): trước ngày 12/12/2023.

Phản biện và thông báo nhận bài viết: trước ngày 18/12/2023.

Tổ chức hội thảo: ngày 22 tháng 12 năm 2023

Kỷ yếu hội thảo dưới dạng tập hợp các bài viết được in, phô tô đóng quyển và lưu trên tập tin trên mạng vào ngày tổ chức hội thảo.

Dự kiến Kỷ yếu hội thảo dưới dạng sách sẽ do Nhà xuất bản Lý luận Chính trị xuất bản trong quý 1/2024.

 

Liên hệ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tầng 7, nhà A18, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 135 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội. Email: indiancentrevietnam@gmail.com

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục