Một số lý luận về văn hóa chính trị
Từ cách tiếp cận thể chế của quốc gia có thể nhận thấy, văn hóa chính trị biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ, sự chi phối, hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa và chính trị, mà cụ thể là giữa thể chế văn hóa và thể chế chính trị.
Văn hóa chính trị chỉ là một khía cạnh, một lĩnh vực của văn hóa. Hoạt động chính trị được coi là văn hóa thì đều phải có một thể chế và niềm tin chính trị. Do vậy, văn hóa chính trị có thể được hiểu là hệ thống các niềm tin về quyền lực, quyền và thẩm quyền - những yếu tố gắn với thiết chế nhà nước. Cũng có thể hiểu rằng, văn hóa chính trị là những định hướng chính trị, thái độ chính trị của chủ thể đối với hệ thống chính trị cũng như đối với vai trò của bản thân chủ thể đó trong hệ thống chính trị.
Từ các phân tích nêu trên cho thấy rằng, trung tâm của văn hóa chính trị là vấn đề định hướng, hay văn hóa chính trị có chức năng chủ yếu là định hướng. Đó là các định hướng về nhận thức, tình cảm và sự đánh giá. Cụ thể như các định hướng về cấu trúc bộ máy nhà nước; định hướng về nhận thức, hiểu biết hệ thống chính trị, những người trong bộ máy cầm quyền, vai trò của truyền thông; định hướng về niềm tin, sự tin tưởng về luật lệ trong hoạt động chính trị; định hướng về hoạt động chính trị của chủ thể như thái độ, ý thức, cách thức hoạt động chính trị... Điều đó cho thấy rằng, mỗi hệ thống chính trị đều gắn liền với một cách thức định hướng đặc thù của văn hóa chính trị.
Trong các quốc gia hiện đại, quyền lực chính trị thể hiện chủ yếu ở quyền lực của đảng chính trị; quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân. Việc thực thi các quyền lực này có văn hóa, tức chúng được định hướng bởi văn hóa là biểu hiện về mặt hình thức của văn hóa chính trị.
Có ba phạm vi biểu hiện chủ yếu của văn hóa chính trị như sau:
Thứ nhất, đó là văn hóa bầu cử để giành địa vị cầm quyền của các lực lượng chính trị trong xã hội. Hình thức này biểu hiện việc giành, giữ địa vị cầm quyền của các lực lượng chính trị phải mang tính cạnh tranh và tuân theo pháp luật. Bởi chính trị, hiểu một cách cô đọng, chính là việc phân bố và thực thi quyền lực giữa các lực lượng chính trị trong xã hội. Quyền lực này phải do dân ủy nhiệm qua các cuộc bầu cử; quyền lực được ủy nhiệm sẽ trở thành “thẩm quyền” - quyền lực chính đáng. Văn hóa chính trị đúng đắn phải tôn trọng sự ủy quyền đó, tức tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử. Do vậy, muốn có văn hóa chính trị trong bầu cử, rất cần bảo đảm tính cạnh tranh, công khai và có luật về bầu cử; hơn nữa, luật đó phải đúng đắn, được thực hiện nghiêm minh, tức hợp với lòng dân.
Thứ hai, văn hóa cầm quyền (lãnh đạo, quản lý) của cá nhân các nhà chính trị, đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý là hai hoạt động chủ yếu, cần thiết của cá nhân các công chức, viên chức có chức trách trong bộ máy nhà nước.
Văn hóa lãnh đạo được hiểu là các hoạt động không sử dụng tới công cụ quyền lực. Đây được hiểu là các hoạt động mang tính định hướng, thuyết phục, tức hoạt động gắn với việc sử dụng quyền lực “mềm” thông qua việc nghe, nhìn, cảm giác để xác định “tầm nhìn” nhằm xây dựng các đường lối, chiến lược, chính sách quốc gia; thông qua việc nói, truyền đạt để thuyết phục thực hiện các đường lối, chiến lược, chính sách đó. Nếu nhìn nhận thể chế (quốc gia) là cơ thể con người, thì văn hóa lãnh đạo phụ thuộc rất lớn vào bộ não (hiến pháp, pháp luật) cùng với các giác quan (thể chế văn hóa) của người đó. Các giác quan đầy đủ, hoàn hảo, bộ não minh mẫn, tức các nhà cầm quyền của quốc gia thực hiện vai trò lãnh đạo có tầm nhìn, sáng suốt, có năng lực xây dựng pháp luật, chính sách là cơ sở quan trọng để hoạt động lãnh đạo có văn hóa.
Văn hóa quản lý được hiểu là các hoạt động sử dụng tới công cụ quyền lực. Đây được hiểu là các hoạt động mang tính ép buộc, tức các hoạt động gắn với việc sử dụng quyền lực “cứng” nhằm chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ việc thực hiện các đường lối, chiến lược, chính sách. Nếu nhìn nhận thể chế (quốc gia) là cơ thể con người, thì văn hóa quản lý phụ thuộc rất lớn vào đôi tay (thể chế chính trị) và trái tim (lực lượng cầm quyền) của người đó. Đôi tay hoàn hảo, khỏe mạnh, trái tim nhân hậu, tức cá nhân các nhà cầm quyền thực hiện vai trò quản lý có phẩm chất đạo đức, có năng lực thực thi pháp luật, chính sách là cơ sở quan trọng để hoạt động quản lý có văn hóa.
Văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý là các hoạt động gắn kết với nhau của cá nhân các nhà cầm quyền. Chúng được sử dụng tùy theo chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Việc kết hợp giữa hai hoạt động này được coi là văn hóa quản trị quốc gia.
Thứ ba, văn hóa giám sát, phản biện (văn hóa tham dự) của nhân dân, các tổ chức xã hội đối với tổ chức, hoạt động của nhà nước, các cá nhân có chức trách trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong các cơ quan hành pháp và chính quyền địa phương. Các hoạt động giám sát, phản biện của nhân dân, các tổ chức xã hội là mang tính độc lập. Nếu nhìn nhận thể chế (quốc gia) là cơ thể con người, thì văn hóa giám sát, phản biện phụ thuộc rất lớn vào cấu trúc hoàn hảo của các chi (thể chế kinh tế, chính trị) và các giác quan (thể chế văn hóa). Điều đó có nghĩa là, việc bảo đảm đầy đủ, hoạt động hoàn hảo của các chi, các giác quan, tức kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, lực lượng đa số và lực lượng thiểu số cầm quyền, tổ chức xã hội thuộc nhà nước và tổ chức xã hội dân sự được hoạt động bình đẳng, tuân theo luật pháp là điều kiện quan trọng để hoạt động giám sát, phản biện của nhân dân, các tổ chức xã hội có văn hóa.
Văn hóa chính trị có vai trò to lớn trong quản trị quốc gia. Quốc gia khó có thể phát triển được, tức “đôi chân” (thể chế kinh tế) khó có thể đi được nếu không có sự giúp đỡ, “định hướng” đường đi bởi các “giác quan” (thể chế văn hóa), không có sự giúp sức để loại bỏ các rào cản, hay “mở đường” đi bởi “đôi tay” (thể chế chính trị).
Để xây dựng, nâng cao văn hóa chính trị, các nhà khoa học đã nghiên cứu, đưa ra các chỉ số nhằm xác định mức độ đạt được của nó. Một số dấu hiệu chủ yếu của chỉ số văn hóa chính trị được các nhà khoa học nêu ra như sau: sự hưởng ứng của công dân trong các cuộc bầu cử; sự tự hào về nhiều phương diện của quốc gia mình; sự tin tưởng và bảo đảm công bằng của các cơ quan công quyền; sự tự do ăn nói về chính trị; sự khoan dung với ý kiến khác biệt; sự tự tin vào năng lực bản thân khi tham gia vào đời sống chính trị, xã hội; sự hợp tác và tin cậy trong xã hội dân sự, tham gia vào các đoàn thể và các tổ chức thiện nguyện; lòng tin vào các ngành nghề trong xã hội và các lĩnh vực trong hệ thống chính trị.
Trong các chỉ số nêu trên, lòng tin trong văn hóa chính trị đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhất. Lòng tin như vậy được dựa trên sự thỏa mãn ngày càng nhiều các giá trị như: sự an toàn kinh tế, thân thể; sự bình đẳng xã hội, việc bảo đảm môi sinh; hay sự đa nguyên văn hóa và sự tự do thể hiện của bản thân. Văn hóa chính trị không có mục đích tự thân trong đời sống chính trị, không tự nhiên hình thành ở mỗi cá nhân cũng như ở các nhà chính trị, ở đảng chính trị, nhưng cần xây dựng, bồi dưỡng để trở thành nhu cầu nội sinh trong từng cá nhân, tổ chức. Từ đó, mới tạo được nền tảng để tập hợp, giáo dục quần chúng, tìm ra được các hình thức tổ chức phù hợp để quy tụ mọi tầng lớp, giai cấp xã hội phấn đấu theo định hướng của đảng chính trị.
Chú thích ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia giao lưu văn hóa tại Trung tâm Văn hóa thuộc Đại sứ quán Ấn Độ (tháng 3/2021)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục