Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam (Phần 2)

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam (Phần 2)

Ấn Độ là một nước lớn với dân số trên 1,1 tỷ người, có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng ở châu Á. Là một quốc gia đang phát triển, nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao. Với sự năng động trong phát triển kinh tế và những tiềm lực nội tại đang có, Ấn Độ được đánh giá là một cường quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh ở khu vực châu Á và trên thế giới.

02:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ và tham chiếu ở Việt Nam

 

PGS. TS. Đỗ Thị Thạch*
ThS. Lê Thị Thu Mai**

2. Vài nét về nền dân chủ Ấn Độ hiện nay

Ấn Độ được xem là nước có lịch sử duy nhất về duy trì nền dân chủ tại quốc gia nghèo với nhiều dân tộc và văn hóa đa dạng.

Ấn Độ được coi là quốc gia có nền dân chủ lớn trên thế giới. Một trong những biểu hiện của nó là trong lịch sử Ấn Độ đã liên tục vạch trần các chính khách tham nhũng. Nền tư pháp Ấn Độ hoạt động độc lập, trên 700 triệu người có quyền bầu cử trong 28 tiểu bang thường xuyên được phép bỏ phiếu. Đảng Cộng sản Ấn Độ chiếm ưu thế ở bang Tây Bengal. Ở bang Uttar Pradesh (Bắc Ấn) còn được lãnh đạo bởi một nữ thủ hiến từ đẳng cấp “tiện dân” trong xã hội Ấn Độ. Đây là có thể coi là điểm sáng ở quốc gia được coi là điển hình về sự  phân biệt đẳng cấp và tình trạng bất bình đẳng nam - nữ.

Ấn Độ cũng là quốc gia có nền dân chủ tồn tại bền vững trong sự đa dạng văn hóa. Đất nước này có 15 ngôn ngữ chính và 88 thổ ngữ; trong đó: tiếng Hindi là ngôn ngữ chính làm việc của Nhà nước liên bang với khoảng 45% dân số sử dụng, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp. Các tôn giáo chính tồn tại ở quốc gia này gồm: Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo Sikl.

Hiến pháp Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 26-1-1950, trong đó những giá trị của nền dân chủ như tự do, công bằng tồn tại phổ biến. Tuy thế, các học giả Ấn Độ cho rằng, nền dân chủ Ấn Độ đạt được kết quả về mặt lý thuyết nhưng còn nhiều bất công trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Nạn mù chữ phổ biến và năng lực của người dân thấp được cho là có nguyên nhân từ sự bất công. Tham nhũng và nạn bảo hộ vẫn cực kỳ phổ biến trong xã hội. Chính trị suy thoái trở thành một hoạt động mang tính gia đình. India Gandhi đã là nữ Thủ tướng trong 15 năm. Có nhà phân tích chính trị đã cho rằng, trong thời gian cầm quyền, bà India Ghandi đã nhanh chóng bãi bỏ nền dân chủ từ năm 1975 đến năm 1977, lãnh đạo bằng chỉ thị và cho bắt giam giới đối lập.

Hệ thống đẳng cấp đã tồn tại ở Ấn Độ hàng nghìn năm trước và vẫn có tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của người dân Ấn Độ hiện nay. Mặc dù trong Hiến pháp của Ấn Độ độc lập năm 1950 đã chính thức loại bỏ việc phân biệt đẳng cấp, nhưng hệ thống đẳng cấp hiện nay vẫn tồn tại trong ý thức của rất nhiều người dân Ấn Độ. Nó quyết định cuộc sống, vị trí, hôn nhân, cơ hội của mỗi người trong xã hội. Nó cũng là nguyên nhân của rất nhiều vụ xung đột lợi ích giữa các phe phái dẫn tới đổ máu vì danh dự ở quốc gia này. Tình trạng phân biệt đẳng cấp trước hết thể hiện ở sự khinh miệt những người thuộc đẳng cấp thấp kém. Đẳng cấp "tiện dân" luôn được xem là thân phận thấp kém trong xã hội. Theo ước tính, khoảng 1/6 dân số Ấn Độ đang phải sống cuộc sống xa lạ với đồng loại. Những người dưới đáy xã hội này vẫn bị tẩy chay, bị sỉ nhục, bị cấm đi vào đền thờ và nhà của những người ở tầng lớp cao hơn. Họ bị buộc phải ăn uống trong cốc, bát riêng ở nơi công cộng. Tình trạng phân biệt đẳng cấp đã dẫn đến việc rất nhiều người thuộc đẳng cấp thấp trong Hinđu giáo muốn cải đạo để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc hơn, được đối xử bình đẳng hơn.

Các nhà phân tích còn nhiều tranh cãi về việc song tồn dân chủ cùng nghèo đói trong quốc gia Ấn. Hiện nay, Ấn Độ có tới 1/3 dân số chưa đủ ăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, người dân hạn chế được tiếp cận với các dịch vụ công như giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường. Trong khi đó, mù chữ thực sự là vấn nạn nghiêm trọng. Bởi thế không phải ngẫu nhiên khi nhiều học giả Ấn Độ cho rằng, việc các thể chế chính trị như bầu cử tự do, tham gia chính trị không đủ để bảo đảm chắc chắn có chính quyền hiệu quả, cung ứng dịch vụ công tốt cho đại đa số người dân. Thực tế cho thấy, Ấn Độ đang thực thi nhiều chính sách an ninh xã hội được đánh giá là có nhiều tác động tích cực đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước này. Ấn Độ đã công bố dự thảo an ninh lương thực tài khóa 2011 - 2012, trong đó đề cập việc cung cấp ngũ cốc giá rẻ cho hàng triệu người nghèo của nước này, cùng với đó, chi phí xã hội cho các dự án như chương trình xóa đói, giảm nghèo và y tế sẽ được tăng 17% trong dự thảo ngân sách tài khóa 2011. Một số lĩnh vực an sinh xã hội khác của Ấn Độ cũng có những cải cách đáng kể, tiêu biểu là hệ thống lương hưu, chương trình việc làm công và chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo. Những chính sách này góp phần nhất định để bảo đảm sự công bằng trong xã hội và giảm bớt áp lực cho những người dân có địa vị "thấp kém" trong xã hội.

Chế độ dân chủ và liên bang phản ánh thực trạng có nhiều lực lượng và quyền lợi khác nhau ở Ấn Độ, vì thế nó là cơ chế thích hợp với tình trạng đa nguyên đa đảng, đồng thời đủ linh động để hóa giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt chính trị xã hội. Một cách cụ thể hơn, nếu đảng cầm quyền bất lực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, thì cử tri có thể thay thế lãnh đạo bằng cách bầu đảng đối lập ra cầm quyền để thực hiện chính sách mới. Tuy nhiên, chế độ này khi được áp dụng vào tình hình chính trị ở Ấn Độ cũng cho thấy nhiều bất cập, bởi không nhất thiết cứ thay đổi đảng cầm quyền là có thể giải quyết những vấn đề chính trị đã tồn tại từ lâu trong xã hội Ấn Độ mà nhiều khi phải qua nhiều thách thức và có khoảng thời gian dài mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện các cuộc cải cách cần thiết. Nhu cầu phải tạo ra sự đồng thuận trong các cấp chính quyền từ liên bang đến tiểu bang đã tạo ra bộ máy hành chính nặng nề. Thể chế chính trị và cơ chế công quyền này đã gây ra nhiều khó khăn và chậm trễ trong việc ban hành và áp dụng các chính sách quan trọng. Mặt khác, việc tự do bầu cử ra Chính phủ ở Ấn Độ được đánh giá là gốc rễ của nền dân chủ ở đây. Tuy nhiên, việc liệu bầu cử của Ấn Độ có mang lại nền dân chủ thực tế hay không thì vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời rõ ràng khi mà hàng triệu cử tri Ấn Độ không biết đọc biết viết và không thể tư duy duy lý để tìm được người đại diện cho họ trong chính quyền nhà nước. Điều này làm xuất hiện mâu thuẫn: trong môi trường tự do chính trị dân chủ như Ấn Độ nhưng vẫn tồn tại sự bất công và đói nghèo trên diện rộng mặc dù theo đúng lý thuyết, nếu tồn tại nền dân chủ đích thực thì nghèo đói và bất công sẽ bị đẩy lùi.

Tóm lại, xã hội Ấn Độ còn tồn tại nhiều bất công trong xã hội như sự phân biệt đẳng cấp, bạo lực lan tràn, tình trạng khủng bố, nạn tham nhũng còn diễn ra phổ biến ở một số bang của Ấn Độ... cho thấy thực chất của nền dân chủ Ấn Độ là nền dân chủ tư sản ở đó người giàu mặc sức bóc lột người nghèo. Tuy thế, nhìn tổng thể, Ấn Độ giành được nhiều tiến bộ và thành tựu trong việc xây dựng nền dân chủ. Đó là thành công của cuộc cách mạng xanh đem lại đủ lương thực cho dân chúng. Đó là thành công của việc người dân ngày càng ý thức tuân thủ pháp luật mặc dù trình độ học vấn thấp. Bởi thế, không là quá lạc quan khi nhiều học giả Ấn Độ cho rằng, nếu đông đảo những người mù chữ được giáo dục lại thì họ có thể bầu chọn ra những người lãnh đạo tốt để đưa Ấn Độ phát triển như các nước Anh, Mỹ, Đức - những nước mà nền dân chủ tư sản đạt được nhiều tiến bộ trên mọi lĩnh vực.

3. Một số nét tham chiếu đối với nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay

3.1. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xác lập từ sau năm 1945 với dấu mốc thắng lợi của cách mạng tháng Tám và sự kiện nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập tháng 9/1945. Nét tương đồng về phát triển dân chủ ở Việt Nam và Ấn Độ là đều từ điểm xuất phát về kinh tế xã hội rất thấp. Tỷ lệ nghèo đói cao. Trình độ dân trí thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên, không thực hiện chế độ nhà nước lưỡng viện và cách thức tổ chức nhà nước theo mô hình cộng hòa đại nghị. Xác định mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, do vậy, nguyên tắc tổ chức nhà nước của Việt Nam theo cơ chế phân công, phối hợp và có kiểm soát giữa ba cơ quan nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cơ chế thực hiện dân chủ theo hai hình thức chủ yếu: trực tiếp và đại diện. Người dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua các đại biểu do mình lựa chọn bằng các lá phiếu bầu từ các cấp (xã, huyện, tỉnh, trung ương), hoặc trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước.

Thiết chế thực hiện dân chủ là cả hệ thống chính trị, bao gồm (1) Tổ chức Đảng Cộng sản; (2) Nhà nước/các cấp chính quyền; (3) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh), trong đó nhà nước giữ vai trò trụ cột. Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp, pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, triển khai Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.

Với những cơ chế, thiết chế, mục tiêu xây dựng và thực hiện nền dân chủ cho đa số, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng về dân chủ, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Hệ thống Hiến pháp, pháp luật ngày càng được hoàn thiện; cơ chế thực hiện dân chủ trực tiếp ngày càng được tăng cường, người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc của nhà nước, xã hội; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

3.2. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền làm chủ của nhân dân còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra và mong mỏi của nhân dân, biểu hiện: (1) Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật của nhà nước còn yếu. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm của nhiều cơ quan còn chồng chéo. Cải cách hành chính, Chính phủ quản lý kinh tế không tốt gây tổn hại đến cơ sở kinh tế cơ bản nhất của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. (2) Nạn tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. (3) Trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa thiếu kỷ cương. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, dân chủ và pháp luật còn tồn tại trong một số người. (4) Thực hành dân chủ còn mang tính hình thức, bệnh quan liêu rất nặng; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết. Tình hình đó đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị. (5) Điều kiện cho người dân thực hiện quyền dân chủ còn rất hạn chế…

Đây là những bất cập của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần phải khắc phục trong quá trình phát triển và hội nhập./.

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật

Nguồn:

Cùng chuyên mục