Ngành công nghiệp ô tô, xe máy và linh kiện của Ấn Độ (Phần 1)
Ngành công nghiệp ô tô, xe máy và linh kiện của Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Ấn Độ là nước xếp thứ 6 trên thế giới về sản xuất ô tô và xe máy với sản lượng 25,32 triệu xe năm 2016/17, tăng 5,41% so với mức 24,02 triệu năm 2015/16.
Theo cách phân loại của nước này, ngành sản xuất ô tô được cấu thành bởi các mảng chính: xe con và xe du lịch (passenger vehicle), xe thương mại (commercial vehicle), xe máy 2 bánh (two wheeler), xe lam 3 bánh hoặc 4 bánh (three/four wheeler).
Lịch sử phát triển
Năm 1897, chiếc xe hơi đầu tiên chạy trên đường của Ấn Độ (khi đó còn là Tiểu lục địa Ấn Độ). Trong những năm 1930 của thế kỷ trước, chỉ có xe hơi nhập khẩu với số lượng rất ít. Năm 1928, General Motors India Ltd. lắp ráp xe con và xe tải tại cơ sở sản xuất Mumbai. Ngày 4/12 cùng năm, chiếc xe lắp ráp đầu tiên tại Ấn Độ đã được xuất xưởng. Hai năm sau, Hãng Ford Motor India Ltd. lắp ráp xe tại Chennai, rồi tại Mumbai và Kolkata. Năm 1936, Addison Co Ltd. cũng lắp ráp xe tại Chennai.
Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ được phôi thai khởi đầu vào những năm 1940. Hãng Hindustan Motors Ltd. (khi đó thuộc Tập đoàn công nghiệp Birla) được thành lập năm 1942 tại Kolkata và năm 1948 láp ráp xe con Morris Oxford và xe tải Bedford theo nhượng quyền thương mại của hãng này tại Vương quốc Anh. Năm 1957, hãng này sản xuất xe Hindustan Ambassador, được coi là chiếc xe nội địa đầu tiên của Ấn Độ. Dòng xe này được sản xuất và sử dụng rộng rãi tại Ấn Độ trong nhiều thập kỷ và đến năm 2014 mới ngừng sản xuất.
Hãng Premier Automobiles Ltd (PAL) được thành lập năm 1944 tại Mumbai và năm 1947 lắp ráp và đưa ra thị trường các sản phẩm của Chrysler như xe con Dodge, De Soto và xe tải Fargo. Tiếp sau đó là sự ra đời của nhiều hãng ô tô khác: Tata, Ashok Leyland, Maruti, Mahindra & Mahindra…
Sau khi tuyên bố độc lập năm 1947, Chính phủ Ấn Độ và lĩnh vực tư nhân đã nỗ lực thiết lập ngành công nghiệp phụ trợ ô tô để cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ. Năm 1953, chương trình thay thế hàng nhập khẩu được ban hành và việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bị hạn chế.
Sản xuất
Chương trình thay thế hàng nhập khẩu cũng tạo những tiến bộ vượt bậc trong ngành sản xuất ô tô, xe máy nói riêng và ngành công nghiệp nói chung của Ấn Độ. Có thể thấy lượng xe con xe du lịch, xe tải, xe buýt… mang nhãn hiệu Ấn Độ chiếm tỷ trọng áp đảo tham gia lưu thông tại nước này. Đó là các thương hiệu Tata, Premier, Ashok Leyland, Mahindra & Mahindra, Maruti, Eicher…
Tuy nhiên, mặt hạn chế của chương trình này là chất lượng xe không cao, mẫu mã kém thu hút người sủ dụng vì chậm đổi mới và cập nhật công nghệ tiên tiến. Chỉ từ khi nước này thực hiện cải cách kinh tế toàn diện năm 1991, mở của cho doanh nghiệp nước ngoài thì ngành ô tô có những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Sản xuất ô tô, xe máy tại Ấn Độ
Đơn vị: chiếc
* Xe con và xe du lịch là xe có ít nhất 4 bánh, dùng để chở người, có tối đa 8 chỗ ngồi và 1 ghế lái xe.
** Xe thương mại bao gồm: (1) xe thương mại hạng nhẹ và hạng trung là xe có ít nhất 4 bánh, dùng để chở hàng hóa, tải trọng từ 3,5 – 7 tấn. Minibus chở khách có trên 8 chỗ ngồi và ghế lái xe cũng thuộc dòng xe này. (2)Xe tải hạng nặng là xe chở hàng hóa, tải trọng vượt tải trọng của xe thương mại hạng nhẹ, hạng trung bao gồm cả máy kéo. ( 3)Coach và xe buýt dùng để chở người có trên 8 chỗ ngồi và ghế lái xe
Trong những năm qua, Ấn Độ đã trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô trên của thế giới. Ấn Độ có nhiều hãng ô tô, cả trong nước và quốc tế. Các hãng trong nước có: Tata, Hindustan, Maruti, Mahindra & Mahindra, Ashock Leyland, Baja, Eicher. Các hãng nước ngoài có: BMW, Mercedes Benz, Audi, General Motor, Renault, Fiat, Volvo, Skoda, Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Nissan, Hyundai...
Về thị trường xe con, xe du lịch và xe thương mại, Ấn Độ xếp thứ 3 trên thế giới. Hiện đã hình thành 4 trung tâm lớn sản xuất ô tô trên cả nước: Delhi – Gurgaon – Faridabad tại phía Bắc; Mumbai – Pune – Nashik – Aurangabad phía Tây; Chennai – Bengaluru – Hosur phía Nam và Jamdeshpur – Kolkata phía Đông.
Công nghiệp ô tô đóng góp 7,1% cho GDP năm 2016/17. Về sản xuất trong nước, mức tăng trung bình hàng năm là 5,5% giai đoạn từ 2011/12 đến 2016/17. Thị phần xe máy 2 bánh trung bình là 78% và xe con, xe du lịch là 15%.
Tiêu thụ trong nước
Theo SIAM, tiêu thụ các loại ô tô, xe máy đều tăng qua các năm. Xe con và xe du lịch năm 2016/17 đã đạt mốc 3 triệu chiếc, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 15,9% so với năm 2011/12. Xe thương mại tăng giảm thất thường, ở mức 714 ngàn chiếc năm 2016/17, thấp hơn so với mức trên 800 ngàn chiếc của năm 2011/12. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và lượng xe nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên hàng năm.
Tổng doanh số bán hàng qua các năm: năm 2010/11 là 43 tỷ USD; năm 2012/13 là 68 tỷ US; năm 2013/14 là 55 tỷ USD; năm 2014/15 là 59 tỷ USD; năm 2015/16 là 64 tỷ USD và năm 2016/17 là 69 tỷ USD. Mức tăng trung bình tiêu thụ nội địa là 5,9% giai đoạn 2011/12 đến 2016/17.
Tiêu thụ ô tô, xe máy tại Ấn Độ
Đơn vị: chiếc
Xe con và xe du lịch bán ra tăng 33,93% trong tháng 4/2010 so với tháng 4/2009. Xuất khẩu xe du lịch tiếp tục tăng 87,61% cũng trong tháng 4/2010. Doanh số bán ra tăng 9,23% từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, trong đó, xe con, xe du lịch và xe van tăng 3,85%, 29,91% và 2,37% tương ứng.
Xe thương mại tăng 4,16% năm 2016/17 so với cùng kỳ năm trước. Xe thương mại hạng trung và hạng nặng chỉ tăng 0,04% và xe hạng nhẹ tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước.
Xe lam 3 bánh giảm (-) 4,93% trong năm 2016/17, trong đó, loại 3 bánh chở khách giảm (-) 8,83% và loại chở hàng tăng 12,75% so với năm 2015/16. Xe máy hai bánh bán ra tăng 6,89% trong giai đoạn từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, trong đó, scooter, xe máy và moped tăng 11,39%; 3,68% và 23,02% tương ứng.
Tổng doanh số bán hàng qua các năm như sau: năm 2010/11 là 43 tỷ USD; năm 2012/13 là 68 tỷ US; năm 2013/14 là 55 tỷ USD; năm 2014/15 là 59 tỷ USD; năm 2015/16 là 64 tỷ USD và năm 2016/17 là 69 tỷ USD. Mức tăng trung bình tiêu thụ nội địa là 5,9% giai đoạn 2011/12 đến 2016/17. (Xem tiếp phần 2)
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024