Ngành Điện Ấn Độ (Phần 2)
Ngành Điện Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Tình hình cung cấp điện tại Ấn Độ giai đoạn 2009/2010 đến 2017/2018
Ghi chú: * : Mega Unit; ** : Mega Watt; *** : Số liệu đến tháng 11/2017
Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ
Cung cấp điện cho nông thôn Ấn Độ là câu chuyện khó khăn của nước này trong nhiều thập kỷ kể từ sau năm 1947. Theo báo Washington Post, năm 2012, có 304 triệu người Ấn Độ sống không có điện, tương đương 18% trong tổng số 40% dân số trên thế giới sống không có điện vào thời điểm này. Việc đưa điện về nông thôn tiến hành không đồng bộ. Các bang giàu thì khả năng cung cấp điện cho nông dân khá hơn, trong khi các bang nghèo thì chật vật với công việc này.
Chính phủ Ấn Độ do Đảng BJP cầm quyền từ năm 2014 đã tiến hành Chương trình DDUGJY (Deen Dayal Upadhyaya Gram Jyoti Yojana) với mục tiêu cung cấp điện liên tục tới tất cả các làng. Đây là một trong những chương trình trọng điểm của chính phủ đương nhiệm giai đoạn 2014 - 2019. Việc chống thất thoát điện, cung cấp các thiết bị ngành điện tiên tiến, cải tiến cơ sở hạ tầng và hệ thống truyền dẫn cũng là những trọng điểm cần đạt tới. Chính phủ dự kiến chi 12 tỷ USD cho chương trình này.
Đã có 13.872 làng trong tổng số 18.452 làng được cấp điện đến 30/6/2017. Toàn bộ 26,3 triệu hộ sống dưới mức nghèo đã được cấp điện. Dự kiến, đến tháng 5/2018, toàn bộ nông thôn Ấn Độ sẽ được cấp điện liên tục.
Truyền tải điện
Việc truyền tải điện tại Ấn Độ do POWERGRID (Powergrid Corporation of India Limited) thực hiện từ bang này đến các bang khác trong phạm vi quốc gia. Tương tự, các Tổng công ty truyền tải điện của các bang (State Transmission Utilities - SEB) chịu trách nhiệm truyền tải điện trong từng bang.
Một hệ thống truyền tải điện tăng cường đã được xây dựng và vận hành qua nhiều năm. Tùy theo dung lượng điện và khoảng cách giữa các cơ sở phát điện và khách hàng tiêu thụ, các đường truyền tải phù hợp được xây dựng: đường truyền 800 KV & 765 KV; đường truyền 400 KV; 230/220 KV & 110 KV và 66 KV. Các đường truyền đều do POWERGRID, SEB và các nhà máy phát điện đầu tư xây dựng.
Chỉ tính riêng năm từ tháng 4 - 11/2017, 13.820 km đường truyền đã được hoàn thành, đạt 59,9% mục tiêu 23.086 km của cả năm 2017/2018. Tương tự, 50.805 MVA công suất các trạm phụ tải đã được đưa vào vận hành trong cùng thời gian, chiếm 94,1% mục tiêu kế hoạch 53.987 MVA cho cả năm 2017/2018.
Công suất hệ thống đường truyền 220 KV và mức điện thế cao hơn đến ngày 30/11/2017 là 381.671 km và hệ thống phụ tải là 791.570 MW. Đến ngày 30/11/2017, tổng công suất truyền tải điện kết nối các khu vực là 78.050 MW.
Tính đến 30/9/2017, POWERGRID sở hữu và vận hành 142.989 Km điện áp cực cao (Extra High Voltage - EHV) trong phạm vi toàn quốc và 226 trạm điện áp cực cao và trạm phụ tải với trên 311.185 MVA. Hệ thống rộng khắp của đơn vị này chiếm tỷ trọng trên 45% năng lượng điện của cả nước với các trang bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn quốc tế.
Các hành lang truyền tải điện công suất cao (HCPTCs) cũng đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu truyền tải điện của các công ty sản xuất điện độc lập dọc các vùng duyên hải như Chattisgarh, Odisha, Madhya Pradesh, Sikkim, Jharkhand, Tamil Nadu và Andhra Pradesh.
Tổng công suất truyền tài điện liên vùng (220 KV và trên 220 KV) đã tăng từ 27.150 MW lên 75.050 MW từ Kế hoạch năm năm XI đến Kế hoạch năm năm XII (2012 – 2017). Chỉ riêng POWERGID đã đầu tư 1.126 tỷ Rupee (tương đương 22,5 tỷ USD) so với mức kế hoạch 1,1 tỷ Ruppe cho việc phát triển hệ thống truyền tải điện khu vực trong Kế hoạch năm năm này. Qua đó, bổ sung thêm 45.900 km đường truyền và 164.000 MGW cho năng lực truyền tải điện.
Một số công ty chính sản xuất điện
NTPC là công ty sản xuất điện lớn nhất tại Ấn Độ và lớn thứ sáu trên thế giới về nhiệt điện với công suất lắp đặt là 47,17 GW kể cả các liên doanh. Đến năm 2032, kế hoạch chiến lược của công ty là tăng công suất lên 128 GW. Nhiệt điện than chiếm khoảng 84,7% năng lực phát điện của công ty. Hiện công ty này đang đa dạng các hoạt động sang mảng thủy điện, khai thác than, sản xuất thiết bị điện, khai thác dầu khí, thương mại và phân phối điện.
Tata Power, công ty điện tích hợp lớn nhất, hoạt động về điện mặt trời, thủy điện, điện gió và năng lượng địa nhiệt. Công ty vận hành Dự án thủy điện thứ hai tại Ấn Độ vào năm 1915 tại Kohopoli. Với công suất lắp đặt năm 2016/2017 là 10.463 MW, thị phần của công ty chiếm khoảng 52% tổng khả năng phát điện của khu vực tư nhân. Đến năm 2022, công ty dự kiến nâng năng lực phát điện lên 18 GW. Công ty còn có các dự án điện tại Indonesia, Singapore, Bhutan và Nam Phi. Tata Power cũng là một trong những công ty lớn nhất tại Ấn Độ sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch với công suất 179 MW.
Adani Power, công ty con của hãng khổng lồ Adnani Group có trụ sở chính tại Ahmedabad, bang Gujarat, khởi đầu dự án năm 1996 tại Mundra bằng việc vận hành phát điện 330 MW, dự án nhiệt điện than lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ năm thế giới. Hiện Adnani có nhà máy phát điện thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất nước với công suất 10.440 MW và điện mặt trời lớn nhất nước. Công ty này đứng thứ 334 trong tổng số 500 công ty lớn nhất của Ấn Độ. Mục tiêu của công ty là nâng công suất lên 20.000 MW vào năm 2020.
NHPC Ltd. là công ty thủy điện quốc gia được thành lập năm 1975, thuộc sở hữu của Chính phủ. Công ty cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phát điện khác như địa nhiệt, thủy triều, gió. Công ty đã hoàn thành 21 dự án với công suất 6.627 MW và 5 dự án dưới hình thức chìa khóa trao tay 89,35 MW. Ngoài ra, công ty còn có các dự án tại nước ngoài ở Nepal và Bhutan. NHPC hiện đang vận hành 20 nhà máy thủy điện và có 4 nhà máy đang xây dựng. Tổng công suất là 18.386 MW.
Reliance Power được thành lập năm 2007, thuộc Tập đoàn tư nhân Reliance Anil Dhirubhai Ambani Group, với công suất 6.000 MW. Các nhà máy phát điện chủ yếu tại phía Tây, Đông Bắc và Nam Ấn Độ. Tổng số gồm 6 dự án nhiệt điện than, 2 dự án gas và 4 dự án thủy điện, trong đó có siêu dự án 3.960 MW tại Krishnapatnam, bang Andhra Pradesh. Công ty cũng đảm nhận toàn bộ việc truyền tải và phân phối điện tại vùng Mumbai. Hiện công ty đang phát triển các dự án quy mô vừa và lớn với tổng công suất 33.480 MW. Reliance Power là một trong 10 công ty phát điện lớn nhất năm 2017.
Torrent Power Ltd., công ty có tổng công suất phát điện 3.334 MW, trong các lĩnh vực nhiệt điện than, gas và năng lượng tái tạo. Được thành lập năm 1997, công ty cũng đảm nhận việc phân phối điện đến vùng Agra, Surat, Gandhinagar và Ahmedabad cho khoảng 3 triệu khách hàng.
Kế hoạch phát triển
Nền kinh tế và đời sống của người dân Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng trong những năm vừa qua. Đã xảy ra tình trạng cung ứng điện không đáp ứng được nhu cầu. Chính phủ Ấn Độ đã có chủ trương phát triển ngành điện để phục vụ tăng trưởng của sản xuất, dịch vụ và đời sống trong nước.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2012 - 2017), sẽ bổ sung tổng công suất 100.000 MW, trong đó 20% là thủy điện, 76,5% là nhiệt điện và số còn lại là điện nguyên tử.
Từ năm 1991, Ấn Độ đã mở cửa thị trường điện nhằm khuyến khích và cho phép các công ty tư nhân tham gia vào sản xuất, phát điện. Cơ quan sản xuất điện lực thuộc Chính phủ là Tổng Công ty nhiệt điện quốc gia (NTPC) đang có kế hoạch đưa công suất hiện nay 30.000 MW lên 75.000 MW vào năm 2017.
Ấn Độ cũng có dự kiến đầy tham vọng sẽ đạt được công suất điện mặt trời 20.000 MW vào năm 2022. Có 293 công ty cả Ấn Độ và nước ngoài đã cam kết đầu tư 266 GW cho năng lượng mặt trời, gió và sinh học tại Ấn Độ trong vòng 5 - 10 năm tới với tổng số vốn dự kiến 310 - 350 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp, trong giai đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2017, ngành này đã thu hút 11,59 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Một số dự án phát triển và đầu tư ngành điện Ấn Độ
Công ty Tài chính quốc tế (IFC), cơ quan đầu tư của Ngân hàng thế giới, dự kiến đầu tư 6 tỷ USD đến năm 2022 vào một số chương trình năng lượng tái tạo và bền vững tại Ấn Độ.
Cơ quan dịch vụ tài chính về năng lượng của Tập đoàn GE Mỹ (GEEFS) dự kiến đầu tư 90 triệu USD để phát triển năng lượng mặt trời 500 MW cùng với Tattan India Group.
Greenco Energy Holding đã thống nhất đầu tư bổ sung 155 triệu USD vào các dự án sẵn có cùng các Quỹ đầu tư khác như Abu Dhabi Investment Authority (ADIA) và Singapore’s Sovereign Wealth Fund GIC để mở rộng công suất một số cơ sở năng lượng sạch từ 2 GW hiện tại lên 3 GW.
Quỹ đầu tư tư nhân Actis LLP dự kiến đầu tư dự án thứ hai gồm 500 triệu USD vào Công ty năng lượng mặt trời Solenergi Power Ltd.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Quốc gia Punjab đã đầu tư cho vay 100 triệu USD để trợ giúp các dự án phát triển điện mặt trời tại các trung tâm thương mại và cao ốc toàn Ấn Độ.
Tata Capital Ltd. và IFC đã đầu tư 31 triệu USD trong một liên doanh là Tata Cleantech Capital Ltd. cho các dự án năng lượng mặt trời.
Ngành đường sắt Ấn Độ đang xem xét gọi 6 gói thầu trị giá 1,2 tỷ USD để thiết lập trong toàn quốc hệ thống truyền tải điện thống nhất quốc gia để tiết kiệm năng lượng điện và nâng cao chất lượng phục vụ.
Công ty năng lượng tái tạo ReNew Power đã thông báo dành 390 triệu USD từ khoản vay của ADB để phát triển và nâng công suất lên 709 MW từ các dự án thuộc ADB.
Chính phủ Ấn Độ dự kiến đầu tư 2,51 tỷ USD để cung cấp điện cho trên 40 triệu gia đình vào tháng 12/2018. Đồng thời cũng phấn đấu bảo đảm cung cấp điện 24 x 7 cho toàn Ấn Độ trong Kế hoạch chiến lược “Điện cho tất cả mọi người” (“Power for All”) vào năm 2019.
Với việc lắp đặt 3 triệu đèn LED tại các tuyến phố toàn Ấn Độ thuộc Chương trình chiếu sáng quốc gia, Ấn Độ sẽ tiết kiệm 390 triệu KW hàng năm.
Ủy ban Các vân đề kinh tế của nội các (CCEA) đã phê duyệt dự án nâng công suất của Chương trình phát triển các công viên điện mặt trời và các Đại dự án điện mặt trời từ 20.000 MW lên 40.000 MW với việc thiết lập ít nhất 50 công viên điện mặt trời với công suất riêng biệt từ 500 MW trở lên./.
* Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024