Ngành dược phẩm Ấn Độ (Phần 1)
Ngành dược phẩm Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Lịch sử phát triển
Trước khi Thực dân Anh xâm chiếm Tiểu lục địa Ấn Độ, chỉ có các loại thuốc bản xứ được sử dụng tại đây, đó là Ayurvedic hoặc Unani. Việc thực hành Ayurvedic bao gồm việc sử dụng các loại thuốc thảo dược, bổ sung khoáng chất hoặc kim loại (Rasa Shastra), kỹ thuật phẫu thuật, thuốc phiện, và áp dụng chủ yếu bằng cách massage dầu. Chính phủ thực dân Anh đã lần đầu tiên giới thiệu phương pháp chữa bệnh bằng tây y, nhưng không có cơ sở sản xuất thuốc tại bản xứ. Các công ty nước ngoài xuất khẩu dược liệu từ Ấn Độ, rồi chế biến thuốc thành phẩm tại nước ngoài, rồi nhập khẩu trở lại.
Năm 1930, tại Calcutta (nay là Kolkata), công ty dược đầu tiên có tên Bengal Chemical & Pharmaceutical Works được thành lập và là 1 trong 5 công ty dược thuộc sở hữu của chính phủ còn hoạt động đến ngày nay.
Mặc dù có nhiều nỗ lực của các thương nhân sở tại muốn thành lập các công ty dược bản xứ, việc sản xuất thuốc tại Ấn Độ cũng rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ngành này được thúc đẩy do thiếu nguồn thuốc cung cấp từ các công ty nước ngoài và nhiều công ty Ấn Độ như Unichem, Chemo Pharma, Zandu Pharmaceutical Works, Calcutta Chemicals, Standard Chemicals, Chemical Industrial and Pharmaceutical Laboratories (hiện nay là Cipla), East India Pharmaceutical Works… được thành lập.
Đến những năm 1970, qui mô của ngành dược vẫn không lớn, mặc dù được khích lệ bởi Đạo luật về sáng chế năm 1970 (Patents Act 1970). Chỉ đến đầu những năm 1990, khi Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế toàn diện với việc thành lập thêm nhiều công ty tư nhân trong nước và sự tham gia mạnh mẽ của các công ty ngoại quốc, ngành dược Ấn Độ đã có những bước phát triển bứt phá.
Sản xuất
Dược phẩm hiện là một trong những ngành hàng sản xuất nổi tiếng của Ấn Độ. Năm 2016/17, doanh thu ngành này là 36,7 tỷ USD, tăng 22,3% so với mức 30 tỷ USD của năm 2015/16. Hiện nay, xếp hạng trên thế giới của ngành dược của Ấn Độ như sau: thứ 3 về sản lượng (với tỷ trọng 10%); thứ 14 về trị giá; thứ 4 về sản xuất thuốc gốc (với tỷ trọng 2,4%) và thứ 17 về xuất khẩu.
Ngành dược phẩm được cấu thành bởi 4 mảng: (1) Formulations là mảng sản xuất thành phẩm. Hàng được làm dưới dạng viên nén, hộp, bột, si rô, chai lọ…và người bệnh có thể sử dụng trực tiếp; (2) AIP/Bulk drugs là Hoạt chất dược phẩm, mới được sản xuất ở giai đoạn đầu; (3) CRAMS là các dịch vụ sản xuất và nghiên cứu theo hợp đồng để có mức giá thấp nhất và đảm bảo chất lượng và (4) Biosimilars là các dược phẩm được sản xuất bởi các công ty mới trên cơ sở kết hợp gene và các công nghệ sinh học.
Ngành công nghiệp dược Ấn Độ đã tăng trưởng rất nhanh chóng từ doanh thu chỉ có 0,3 tỷ USD năm 1980 lên 19 tỷ USD năm 2008/09, rồi 31 tỷ USD năm 2015/16. Với sản lượng lớn (70%) là thuốc gốc (Generic Drugs), ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ có vị trí quan trọng về năng lực sản xuất trong thị trường dược phẩm toàn cầu với tỷ trọng khoảng 10% về sản xuất (xếp thứ ba thế giới) của thế giới và 2,4% về giá trị (xếp thứ tư thế giới). Doanh số bán hàng thuộc IPI là 33 tỷ USD năm 2015/16.
Sở dĩ trị giá của ngành này thấp so với sản lượng vì chi phí và giá bán sản phầm tại Ấn Độ thấp hơn từ 5 – 50% so với các nước phát triển. Xuất khẩu là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong những năm qua.
Hiện nay, sản phẩm dược của Ấn Độ được xuất khẩu đến trên 200 nước trên thế giới, nhưng chủ yếu là các thị trường Mỹ và Tây Âu. Ngành công nghiệp này bao gồm trên 20.000 công ty có đăng ký hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong số đó, 250 công ty hàng đầu đã chiếm đến 70% sản lượng của toàn ngành.
Dự kiến, ngành dược phẩm sẽ đạt doanh thu 55 tỷ USD vào năm 2020.
Ấn Độ có nhiều tập đoàn, công ty dược phẩm lớn: Sun Pharma Ltd., Dr. Reddy’s Laboratories, Cipla, Nicolas Pirama, Glaxo Smithkline (GSK), Zydus Cadial...
Tại các bang trong cả nước đều có sản xuất dược phẩm, nhưng các địa phương được coi là các trung tâm sản xuất Mumbai, Hyderabad, Bangalore, Visakhabatnam và Ahmedabad.
Xuất khẩu và nhập khẩu
Các sản phẩm xuất khẩu hiện nay từ Ấn Độ gồm nguyên liệu dược phẩm, hoạt chất (APIs), thuốc thành phẩm, công thức bào chế thuốc (FDFs), dược phẩm sinh học, dụng cụ và dịch vụ y tế đến nhiều nước trên thế giới. Các nước nhập khẩu chính sản phẩm dược từ Ấn Độ là Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Nga, Brazil, Nigeria, Nam Phi...
Nguồn: Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil)
Theo Tổ chức Y tế thế giới, quy mô ngành dược toàn cầu năm 2016 là 1.100 tỷ USD với mức tăng nhẹ 3% và thị trường thuốc gốc là 294 tỷ USD. Năm 2008/09, xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ đạt 9,151 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm trước.
Nguồn: Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil)
Tổng xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ năm 2016/17 là 16,84 tỷ USD, giảm 0,43% so với năm 2015/16. Trong đó, xuất khẩu thuốc gốc là 12,7 tỷ USD, chiếm 4,3% tỷ trọng toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ về nguyên liệu, hoạt chất và thuốc thành phẩm.
Hiện nay, Ấn Độ luôn là một trong bốn nước có nhiều nhất các sáng chế ứng dụng nhất về dược phẩm trên thế giới. Đồng thời nước này có số lượng lớn nhất các nhà máy dược phẩm được Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm của Mỹ công nhận ngoài nước Mỹ.
Nguồn: Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil)
Ấn Độ chiếm 42% thị trường thuốc gốc châu Phi và Trung Đông. Khu vực Bắc Mỹ có tỷ trọng trên 34% trị giá xuất khẩu dược phẩm từ Ấn Độ. Mỹ là thị trường xuất khẩu dược phẩm lớn nhất của Ấn Độ. Trong năm 2016/17, xuất khẩu sang Mỹ tăng trên 1% và chiếm tỷ trọng trên 33% tổng xuất khẩu. (Xem tiếp phần 2)
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024