Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngành hải sản Ấn Độ (Phần 1)

Ngành hải sản Ấn Độ (Phần 1)

06:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngành hải sản Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

1. Sản xuất

Với 8.118 km bờ biển cùng 2,02 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, 0,53 triệu km2 thềm lục địa và năng lực nguồn để khai thác đến 10 triệu tấn hàng năm, Ấn Độ được đánh giá là một trong những nước hàng đầu thế giới có nguồn và lợi thế phát triển ngành công nghiệp hải sản.

Hiện nay, Ấn Độ là nước thứ hai thế giới về tổng sản lượng cá, thứ sáu thế giới về đánh bắt cá tự nhiên và thứ hai thế giới về cá nuôi, chỉ sau Trung Quốc. Ngành nông nghiệp Ấn Độ đóng góp 4,7% cho GDP của cả nước, trong đó nghề cá là 1,07% GDP, tương đương 13 tỷ USD.

Ngành hải sản của Ấn Độ đóng góp phần quan trọng cho xuất khẩu nông sản, cung cấp việc làm cho trên 4 triệu lao động và giúp nông dân, ngư dân khoảng (15 triệu người) xóa đói và giảm nghèo có kết quả rõ rệt tại các khu vực vùng duyên hải. Sản lượng ngành cá hiện nay là 9,58 triệu tấn, bao gồm 6,14 triệu tấn hải sản và thủy sản là 3,44 triệu tấn. Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ, thứ hai vào châu Âu và thứ tư vào Nhật Bản. Xuất khẩu năm 2014/15 đạt mức kỷ lục 5,5 tỷ USD. 106 quốc gia trên thế giới đang tiêu thụ hải sản Ấn Độ, chủ yếu gồm: EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, các nước ASEAN, Trung Đông...

Trong khi hiện nay, diện tích mặt nước giành cho nuôi trồng hải sản đã ở mức tối đa, ngành này trông chờ rất nhiều vào việc phát triển đánh bắt xa bờ để tăng cường xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu ở vùng nước sâu là tôm các loại và thường xuất khẩu 100% sản lượng.

Các chuyên gia trong ngành đã nghiên cứu nhiều dự án và đưa ra đề xuất cần phải đa dạng hóa các đội tàu đánh bắt ở vùng nước sâu hiện nay và nâng cấp cơ khí hóa các tàu chuyên dụng. Hiện nay, đa số các tàu đánh bắt ở vùng biển nước sâu và các tàu đã được cơ giới hóa là loại tàu sử dụng lưới rà và không được trang bị các lưới đánh cá chuyên dụng dài ngày như dùng cho đánh cá ngừ và mực. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hải sản trung ương Ấn Độ (CMFRI), nước này hiện có 194.490 tàu, thuyền đánh cá. Trong đó, 37% đã được cơ giới hóa, 37% đã được lắp động cơ và 26% chưa được lắp động cơ. Có 3.288 làng nghề cá, 864.550 hộ ngư dân với trên 4 triệu ngư dân.

Sự ổn định và khoa học trong sản xuất và xuất khẩu ngành hàng này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh các nước nhập khẩu nhấn mạnh vào việc ổn định và khoa học của các nước xuất khẩu. Đối với việc đánh bắt hải sản, Ấn Độ thông qua một hệ thống quản lý ổn định và theo hướng phát triển bền vững để khai thác cao nhất các tiềm năng của mình trong những năm tới. Toàn ngành phấn đấu hướng tới sự phát triển bền vững. Ấn Độ đang nổi lên là nước xuất khẩu hàng đầu về cá ngừ đại dương và mực, đồng thời cũng đang tăng cường sản xuất và xuất khẩu cá tươi dạng sushi (cá gỏi) với chất lượng cao.

Từ 1/1/2010, Cơ quan phát triển xuất khẩu hải sản Ấn Độ (MPEDA) được Chính phủ ủy quyền cấp chứng chỉ hợp chuẩn xuất khẩu hải sản sang Liên minh châu Âu (EU). Giấy chứng nhận hợp chuẩn là một bộ phận của Quy chế EU số 1005/2008  nhằm tăng cường sự theo dõi, giám sát nguồn gốc tất cả các loại hải sản bán vào châu Âu, tạo thuận lợi cho EU và các nước xuất khẩu trong việc quản lý sản xuất và xuất nhập khẩu.

Ấn Độ cũng rất chú trọng đến việc nuôi trồng hải sản. Hiện nay MPEDA có 6 khu vực vùng và 4 trung tâm khu vực tiểu vùng tại các bang vùng duyên hải để hỗ về đào tạo, quản lý và chất lượng cho các công ty và các hộ ngư dân.

Hệ thống hạ tầng chế biến đã xây dựng là 23.000 tấn với 506 nhà máy chế biến có thiết bị tiên tiến hiện đại. Trong số đó, trên 63% đã được EU phê duyệt cho phép xuất khẩu sản phẩm sang khu vực thị trường này.

2. Xuất khẩu

Năm 2010/11, lần đầu tiên xuất khẩu hải sản của Ấn Độ đạt mức cao 2,8 tỷ USD. Và đây cũng là lần đầu tiên, khối lượng và trị giá xuất khẩu tính theo USD hoặc Rupee đều đạt mức cao nhất. Khối lượng xuất khẩu đạt 813.091 tấn, trị giá 2.856,92 triệu USD (12,901 tỷ Rupee). So với năm 2009/10, xuất khẩu tăng 19,85% về khối lượng, 28,39% trị giá USD và 33,95% trị giá Rupee.

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)

Năm 2016/17, xuất khẩu 1.234.948 tấn, đạt trị giá 5,78 tỷ USD so với mức 945.892 tấn và 4,69 tỷ USD của năm 2015/16.

Trong những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công của châu Âu, biến động tại Trung Đông và Bắc Phi, ngành hải sản Ấn Độ vẫn đạt những bước phát triển rất đáng kể và đã trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của nước này. Sản lượng, trị giá tôm xuất khẩu tăng mạnh, năng suất tôm hùm cao hơn, giá cả thế giới trong xu hướng tăng là những thuận lợi, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

                               Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)

(Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục