Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Ngôi vương” hạt điều Việt Nam tại Ấn Độ đang bị đe dọa?

“Ngôi vương” hạt điều Việt Nam tại Ấn Độ đang bị đe dọa?

Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2019 Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại Ấn Độ, song thị phần dự báo giảm do Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đa dạng nguồn cung.

06:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Áp lực cạnh tranh lớn, doanh nghiệp Ấn Độ đòi tăng thuế nhập khẩu điều

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), phát biểu tại Kaju Ấn Độ 2019, Bộ trưởng Thương mại Suresh Prabhu, Ấn Độ cho biết: "Chính phủ đã giảm thuế hải quan xuống 2,5% đối với hạt điều nguyên liệu và hiện đang cân nhắc mức thuế nhập khẩu 0%". 

"Chính sách nông nghiệp mới đã được các bộ thương mại, nông nghiệp và chế biến thực phẩm cùng nhau chuẩn bị. 

Bộ thương mại cũng sẽ thành lập một loạt các trung tâm ở các bang để giúp nông dân và các nhà xuất khẩu xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm ra thị trường quốc tế".

Tuy nhiên, về phía góc độ doanh nghiệp, chịu áp lực do sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, ngành điều Ấn Độ đã tìm kiếm sự can thiệp của Chính phủ để tạo ra một "sân chơi bình đẳng" và điều chỉnh giá điều nhập khẩu tối thiểu (MIP). 

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến xuất khẩu Điều Ấn Độ (CEPC), ông R.K. Bhoodes, cho biết trước các vấn đề mà ngành này phải đối mặt, Hội đồng đã thúc giục chính phủ sửa đổi MIP cho hạt điều và các sản phẩm tương tự, cũng như hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu. 

"Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ tăng mức hỗ trợ 5% theo Chương trình xuất khẩu hàng hóa từ Ấn Độ (MEIS) lên 10%", Bhoodes nói. 

"Việc nhập khẩu ồ ạt hạt điều bán thành phẩm hoặc đã qua chế biến nhưng chất lượng thấp đang là mối đe dọa lớn đối với ngành sản xuất điều trong nước. Hoạt động này cần được hạn chế vì sự sống còn của ngành công nghiệp chế biến hạt điều trong nước", ông R.K Bhoodes nhận định. 

Ông  R.K Bhoodes nói thêm các nhà sản xuất trong nước đang đề xuất nâng thuế đối với điều nguyên hạt và điều vỡ.

Hiện nay, 70% hạt điều của Ấn Độ dùng để tiêu thụ nội địa, 30% còn lại dùng cho xuất khẩu.

Thị phần điều Việt Nam tại Ấn Độ có thể tiếp tục giảm trong 2019

Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2019 Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại Ấn Độ, song thị phần sẽ tiếp tục giảm do Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đa dạng nguồn cung.

Phát biểu tại Hội nghị điều Ấn Độ Kaju India, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINACAS, cho rằng, cả Ấn Độ và Việt Nam cần hợp tác, trao đổi thêm thông tin để đáp ứng và vượt qua những thách thức trong tương lai.

"Hiệp hội Điều Ấn Độ và VINACAS nên thiết lập một đường dây nóng cũng như họp mỗi tuần một lần để giải quyết các vấn đề khác nhau gây khó khăn cho ngành và thúc đẩy xuất khẩu", ông Giang nói.

Ông Giang thông tin đầu năm 2019, Việt Nam đã vượt Ấn Độ và Brazil để trở thành nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên do dự báo nguồn cung nguyên liệu sẽ đảm bảo cung ứng cho chế biến nên dự kiến trong năm 2019, sẽ không dự trữ nhiều nguyên liệu mà mua vào trên cơ sở diễn biến thị trường đầu ra.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Ấn Độ, nhập khẩu hạt điều của nước này năm 2018 đạt gần 4.200 tấn, trị giá hơn 35,4 triệu USD, tăng 3,9% về lượng, nhưng giảm 2,6% về trị giá so với năm 2017.

Nhập khẩu hạt điều từ hai thị trường Guiné-Bissau và Các tiểu vương quốc Arab tăng mạnh, nâng thị phần hạt điều của hai thị trường trên trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ lên chiếm lần lượt 2,7% và 2,2% trong năm 2018.

Ấn Độ cũng mở rộng nguồn cung hạt điều ra các thị trường như Bờ Biển Ngà (với lượng đạt 156 tấn, trị giá 930.000 USD, chiếm tỷ trọng 3,8% trong tổng lượng nhập khẩu), ngoài ra còn mở rộng sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đóng vai trò là nguồn cung hạt điều số 1 tại nước này. Song thị phần hạt điều Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ giảm mạnh từ 97,9% năm 2017 xuống 83,7% trong năm 2018.

Tăng cường tỷ trọng tiêu thụ nội địa điều Việt Nam lên 30%

Ngày 16/1/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt "Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 30". 

Theo đó, đối với ngành điều, Bộ định hướng tăng nguồn nguyên liệu trong nước để cung cấp cho chế biến bằng cách mở rộng và thâm canh cây điều trong nước và hợp tác với các nước trong vùng (Campuchia, Lào). 

Sản lượng nhân điều dự kiến đạt 400.000 - 500.000 tấn vào năm 2030; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hạt điều thô nhập khẩu.

Đến năm 2020, 100% cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tự động hóa khâu cắt tách vỏ cứng hạt điều và bóc vỏ lụa nhận điều, các khâu khác được cơ giới hóa và tự động hóa khép kín. 

95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn: ISO, HACCP, GMP,… Đến năm 2030, tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều lên trên 40%. 

Ngoài ra, Bộ khuyến khích đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ hạt điều trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại. Cụ thể, các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở chế biến điều tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, điều chiên bơ, điều tẩm gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều...

Cuối cùng, Bộ yêu cầu ngành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm điều Việt Nam đồng thời tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa từ 8% hiện nay lên 30% vào năm 2030.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/ngoi-vuong-hat-dieu-viet-nam-tai-an-do-dang-bi-de-doa-2019030217350044.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục