Những giải pháp toàn cầu để nâng cao trách nhiệm của mạng xã hội
Các công ty truyền thông xã hội đang thể hiện tiêu chuẩn kép: họ sẵn sàng tuân theo các quy định ràng buộc của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng không tuân theo các hạn chế của các quốc gia đang phát triển.
Đang xuất hiện những nhận định chung khá phổ biến rằng, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) đang trở nên thống trị. Những công ty này hành động như thể chủ quyền quốc gia phụ thuộc vào lợi ích của họ. Điều này đang dẫn đến nhiều ý kiến phản ứng dữ dội.
Điển hình là các công ty truyền thông xã hội lớn: Facebook, Alphabet (Google) và Twitter. Có một số vấn đề lớn nhất là các công ty truyền thông xã hội là các công cụ truyền tải thông điệp (như mạng viễn thông) hay họ chính là các nhà xuất bản (như báo chí). Nếu hoạt động như những nhà xuất bản, họ có thể và phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ truyền tải.
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác đáng quan tâm như việc họ lợi dụng dữ liệu khách hàng, với thái độ thường xuyên coi thường quyền riêng tư (ví dụ vụ bê bối Facebook-Cambridge Analytica). Một vấn đề khác là vi phạm bản quyền, sử dụng nội dung của bên thứ ba mà không trả tiền.
Sự phản đối mạng xã hội nảy sinh trong tất cả mọi khu vực, và sự phản đối có thể sẽ cắt đi những lời có cánh dành cho mạng xã hội. Đây là một bước ngoặt đáng buồn, bởi vì khi phương tiện truyền thông xã hội lần đầu tiên trở nên nổi bật cách đây một thập kỷ, nhiều người đã lạc quan về khả năng truyền thông mạng xã hội sẽ dân chủ hóa thông tin và phá vỡ sự độc quyền của truyền thông chính thống trong việc “tạo ra sự đồng thuận”, theo lời của nhà nghiên cứu truyền thông theo trường phái phê phán Noam Chomsky . Ví dụ, OhMyNews, một mạng xã hoạt hoạt động như một tờ báo ngầm đã giúp lật đổ chính phủ quân sự ở Hàn Quốc.
Vào thời điểm đó, mạng xã hội là một phương tiện đang nổi lên, do những nhà báo công dân sử dụng. Khi đó, tôi đã viết trên rediff.com rằng, các cuộc cách mạng trên mạng xã hội không thể kéo dài lâu, và tôi chỉ ra sự thất bại của các cuộc “cách mạng màu” ở Trung Đông. Nhưng chỉ trong một thập kỷ với sự can thiệp, mọi thứ đã thay đổi: nhận ra giá trị tiền tệ của dữ liệu cá nhân được thu thập qua mạng xã hội và ảnh hưởng chính trị đi kèm với nó, Big Tech đã bắt đầu giải quyết vấn đề kỹ thuật xã hội và thậm chí thay đổi chế độ.
Giờ đây, Big Tech thực sự có thể lật đổ các chính phủ. Điều này đã được chứng minh bởi Twitter, Facebook, Youtube, v.v. trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Họ đã quét những câu chuyện không có lợi cho ứng cử viên ưa thích của họ (ví dụ: những câu chuyện của Hunter Biden ở Ukraine), những ứng cử viên không phù hợp mà họ không thích (ví dụ: Donald Trump, cũng như trước đó, Tulsi Gabbard), và kiểm duyệt quan điểm mà họ không đồng ý (ví dụ: hầu hết các quan điểm bảo thủ, cũng như nền tảng Parler bị rút xuống khỏi mạng Internet).
Có khả năng đây là một mô hình mà Big Tech cũng đang hoàn thiện để sử dụng ở các quốc gia khác, không loại trừ có thể sử dụng trong các cuộc bầu cử năm 2024 ở Ấn Độ.
Trước đây chỉ có các phương tiện truyền thông chính thống (truyền hình và báo in) có khả năng kiểm soát suy nghĩ xã hội. Nhưng đến nay, truyền thông xã hội có thể làm điều tương tự một cách phổ biến hơn. Phương tiện truyền thông chính thống không phải là kênh hoàn toàn khách quan, nhưng có thể bị kiện nếu xuất bản nội dung có tính bôi nhọ và phỉ báng. Không có lý do gì để không xử bằng những luật tương tự đối với phương tiện truyền thông xã hội. (Phương tiện truyền thông xã hội ở Mỹ được quyền miễn trừ các trách nhiệm pháp lý, theo Điều 230 thuộc Đạo luật chuẩn mực truyền thông, do Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra).
Trong bối cảnh đó, các quy tắc truyền thông xã hội do Ấn Độ đề xuất cần được phân tích. Trên thực tế, các quy tắc này đưa phương tiện truyền thông xã hội của Big Tech ngang hàng với các phương tiện truyền thông và nhà xuất bản thông thường (cho dù họ là nhà xuất bản sách, báo in, truyền hình hay phương tiện truyền thông trực tuyến). Tất cả đều phải chịu trách nhiệm về nội dung và kiểm soát những gì họ xuất bản.
Gần đây có nhiều động thái chống lại mạng xã hội. Ví dụ: Facebook đóng cửa các dịch vụ thông tin và chính phủ ở Úc vì chính phủ yêu cầu Facebook trả tiền cho nội dung. Nhưng mặt khác, Google đã trả tiền sau khi thỏa thuận với chính phủ Úc.
Nga, Hungary, Nam Phi, Philippines, Bangladesh, Brazil, Ai Cập, Nicaragua, Zimbabwe, Jordan và một số quốc gia khác có luật hoặc đang thực hiện để hạn chế ‘tin giả’ về đại dịch Covid. Họ đưa ra các cáo buộc hình sự đối với các phương tiện truyền thông và bỏ tù những cá nhân có trách nhiệm liên quan.
Ngoài ra, các công ty truyền thông xã hội thể hiện tiêu chuẩn kép: họ sẵn sàng tuân theo các hạn chế của Mỹ và EU nhưng không tuân theo các hạn chế của các quốc gia đang phát triển và của các chế độ không được ưa chuộng ở phương Tây. Họ cho thấy thành kiến rõ ràng: sự việc ngày 6/1/2021 ở Đồi Capitol là một “cuộc nổi dậy mang tính bạo loạn”, trong khi cuộc bạo loạn thực sự xảy ra ở Pháo đài Đỏ là “một biểu hiện của tự do ngôn luận”. Liệu đó có phải sự thật?
Các hạn chế do Ấn Độ đề xuất là gì? Chúng ta phải xem xét những hạn chế này qua lăng kính của cái gọi là “bộ công cụ” mới được tiết lộ gần đây, được tạo ra cho cái gọi là “cuộc biểu tình của nông dân”; một phần đáng kể của những cuộc biểu tình này liên quan đến chiến tranh thông tin. Đề xuất của Ấn Độ rất rõ ràng: cần hạn chế và kiểm soát thông tin trong những vấn đề đe dọa an ninh hoặc chủ quyền quốc gia, gây rối trật tự công cộng, phỉ báng, khiêu dâm, dâm ô, ấu dâm, xâm phạm quyền riêng tư hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, vấn đề về quyền riêng tư của “người tạo ra các bài đăng” là rất đáng lo ngại. Tôi thậm chí đề nghị rằng, các tài khoản ẩn danh phải bị hạn chế; phải có một mã số định dạng cá nhân (ID) có thể xác minh được gắn liền với mọi tài khoản mạng xã hội. Lý do là số lượng lớn các bài đăng đến từ công cụ tự động (bot), hoặc những người theo dõi (follower) đã được mua, hoặc các nhóm bình luận trêu chọc (troll) gây hại từ các quốc gia láng giềng “thân thiện” của chúng ta. Những người này nhẹ nhất là vô trách nhiệm, và tệ nhất là có mưu đồ xấu.
Những kẻ tạo ra tin tức giả và kích động bạo lực đang gây ra những việc tương đương với việc hét lên “Cháy!” trong một nhà hát đông khán giả. Điều này là lừa dối có ý đồ xấu (mala fide ) và không thể định nghĩa là phát ngôn có trách nhiệm.
Những tài khoản thực sự cần được ẩn danh, chẳng hạn như những phụ nữ bị bạo hành hiện đang sống trong những mái nhà che chở họ tránh khỏi những kẻ bạo hành, có thể được cung cấp ID thông qua các tổ chức bảo trợ được ủy quyền.
Các nguyên tắc yêu cầu các công ty truyền thông xã hội Big Tech cần có đại diện tại từng địa phương, xóa nội dung phản cảm trong vòng 36 giờ, và tạo báo cáo tuân thủ hàng tháng là hoàn toàn hợp lý. Ở Ấn Độ, Twitter nói riêng đã hoạt động tràn lan trong một thời gian, thúc đẩy một cách mất kiểm soát trong nhiều chủ đề, và như tôi đã nói trong một podcast rằng, điều này không thể dung thứ được, cũng như việc kiểm duyệt trắng trợn toàn bộ quan điểm là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Các đề xuất của Chính phủ Ấn Độ là hoàn toàn hợp lý; Các phương tiện truyền thông chính thống từ trước đến nay đều bị hạn chế nghiêm, và không có lý do gì mà giờ đây, các phương tiện truyền thông xã hội được điều hành bởi các tập đoàn khổng lồ toàn cầu lại được phép hoạt động không kiểm soát.
Tác giả: Rajeev Srinivasan, nhà tư vấn quản lý và cây bút bình luận chủ đề chiến lược và đổi mới, cựu sinh viên của IIT Madras và Trường Kinh doanh Stanford.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://chintan.indiafoundation.in/articles/the-international-push-to-make-social-media-accountable/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục