Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ (Phần 2)
Ấn Độ là một trường hợp nghiên cứu khá thú vị về những nhân tố XHCN trong lịch sử và hiện tại. Ý tưởng nghiên cứu này còn được gợi mở và truyền cảm hứng từ những nhà tư tưởng lớn như C. Mác qua các nghiên cứu về tác động hai mặt của sự thống trị của thực dân Anh trước đây ở Ấn Độ; qua những nghiên cứu sâu sắc và tình cảm nồng nhiệt của Hồ Chí Minh với Chính phủ Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ…
Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn An Ninh*
Sự phát triển của Ấn độ hôm nay cũng hàm chứa nhiều triển vọng tích cực
Về chính trị, Ấn Độ theo chế độ dân chủ đa đảng kiểu phưong Tây, với những sinh hoạt chính trị sống động gần như thành truyền thống và một thể chế nhà nước tương đối vững chắc và ổn định. Từ khi Hiến pháp năm 1950 ra đời, Ấn Độ trở thành một nước cộng hoà dân chủ đa nguyên, có quốc hội lập hiến, toà án tối cao và một nền báo chí độc lập. Ngày nay, mọi thói xấu của xã hội, mọi vấn đề của bộ máy công quyền được báo chí đưa ra công luận. Ở nước này, như đã thành một cái lệ, hễ Tổng thống, Thủ tướng đi nước ngoài về là phải gặp báo chí ngay khi xuống sân bay và phải trả lời các câu hỏi của các nhà báo về kết quả của chuyến đi.
Chế độ dân chủ và liên bang phản ánh thực trạng có nhiều lực lượng và quyền lợi khác nhau ở Ấn Độ, vì thế nó là cơ chế thích hợp, đủ uyển chuyển để hóa giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt chính trị xã hội. Đặc điểm của chính trị Ấn Độ là khá quan tâm đến người nghèo. Người nghèo thường không có nhiều quyền chọn lựa, điều này có thể thấy ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, tại Ấn Độ - “nền dân chủ lớn nhất thế giới” (có lẽ trước tiên là vì số lượng người được hưởng quyền dân chủ) thì người nghèo có thể bày tỏ ý kiến của mình trong bầu cử thông qua lá phiếu của mình. Người ta kể lại rằng, trong những năm đầu tiên, khi đi bầu cử, do đa số dân mù chữ nên các địa điểm bỏ phiếu phải dán ảnh các ứng cử viên để dân xem ảnh để bầu. "Cho dù nghèo đói, người dân ở đây nhận thức rõ ràng về dân chủ. Họ biết bầu cho ai và bầu vì điều gì". (BBC 11/5/2009)
Khác với nhiều nước coi cải cách là một đột biến trong đời sống chính trị các cải cách ở Ấn độ đã “diễn ra như một thông lệ trong một định chế ổn định và minh bạch, được mọi phe phái và nhân dân tôn trọng” (Lê Minh Khuê) Dân chủ ở Ấn Độ nhờ những thể chế và cơ chế đó mà hoàn thiện dần. Lý Quang Diệu coi đây như một lợi thế của Ấn Độ: “Hệ thống dân chủ và pháp trị của Ấn độ là một lợi thế lâu dài so với Trung Quốc, mặc dù ở những giai đoạn đầu, Trung Quốc có lợi thế triển khai cải cách nhanh hơn.”[1]
Về kinh tế, phần lớn giới lãnh đạo và trí thức Ấn Độ tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội (đặc biệt là quan niệm của Hội Fabian).[2] Ấn Độ cũng đã từng tin tưởng vào mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, phát triển bằng kế hoạch hóa kinh tế với các kế hoạch 5 năm, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng thông qua các doanh nghiệp quốc doanh và sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Trong cơ cấu kinh tế thì dành công nghiệp nặng cho doanh nghiệp quốc doanh, và khuyến khích, bảo trợ các cơ sở sản xuất gia đình hay cá thể trong nông nghiệp và tiểu công nghệ nhằm sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra Chính phủ cũng bằng nhiều cách để kiềm chế chế sự phát triển của các doanh nghiệp tư sản, cụ thể là giới hạn địa điểm hoạt động, lãnh vực và mức đầu tư, áp dụng chính sách bảo hộ lao động khắt khe (chẳng hạn muốn sa thải một công nhân phải xin phép chính quyền tiểu bang). Chính phủ còn hạn chế nhập khẩu, cả hàng sản xuất lẫn hàng tiêu dùng, qua hệ thống giấy phép và thuế nhập khẩu. Xuất khẩu thì nhằm vào thị trường các nước xã hội chủ nghĩa hay các nước thế giới thứ ba. Chính phủ cũng triệt để giới hạn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp hay mua doanh nghiệp Ấn Độ. Ngân hàng quốc doanh thì ưu tiên phân phối tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế gia đình và cá thể tuy sử dụng lao động nhiều nhưng manh mún và năng suất rất thấp, còn doanh nghiệp tư nhân thì ít và không đủ lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, bộ máy hành chính khá nặng nề trong điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa đã từng làm cho môi trường kinh doanh ở Ấn Độ khó khăn, ít tính cạnh tranh và sức sáng tạo.
Ba thập kỷ trước, Ấn Độ đã tiến hành cải cách tận gốc nền kinh tế thị trường. Trong xu thế cải cách, đổi mới của CNXH hiện nay, chắc chắn không ít những bài học kinh nghiệm phù hợp sẽ được Ấn Độ nghiên cứu và tham chiếu.
Sự phát triển của Ấn Độ vài thập niên gần đây theo xu hướng hội nhập và phát triển, cũng cho phép chúng ta tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới, và qua đó tích lũy những nhân tố xã hội hóa.
Ấn Độ được xem là nước công nghiệp mới, tăng trưởng GDP 5,8% liền trong hai thập kỷ, xuất khẩu ra thế giới dầu mỏ, hàng dệt may, đồ trang sức kim hoàn, phần mềm, sản phẩm công nghiệp, hoá chất, gia công đồ da… Ấn Độ hiện nay xếp thứ 11 trên thế giới về GDP, thứ ba về sức mua tương đương PPP. Cơ cấu kinh tế hợp lý, dịch vụ 55% GDP, công nghiệp 26,3%, nông nghiệp 18,6%… Nhờ phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, đến nay Ấn Độ được gọi là “văn phòng của thế giới”. Hiện nay, 7/15 công ty gia công phần mềm của thế giới đặt tại Ấn Độ. Nước này trở thành cường quốc phần mềm thứ hai sau Hoa Kỳ, giải quyết việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên vào năm 2011, với thu nhập 100 tỷ đô la, chiếm 7,5 GDP.
431 triệu người dân Ấn Độ đã thoát nghèo từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Mức lương ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Ấn Độ hiện đứng thứ 51 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, thứ 7 về phát triển của thị trường tài chính, thứ 24 về lĩnh vực ngân hàng. Dự báo tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 580 triệu người vào năm 2030. Thị trường tiêu thụ của Ấn Độ hiện đứng thứ 11 nhưng dự báo sẽ lên thứ 5 vào năm 2030.
Cùng với vị thế trên trường quốc tế và tinh thần trách nhiệm của Ấn Độ trong BRICS, người ta tin tưởng rằng thế kỷ XXI Ấn Độ sẽ có vai trò to lớn và tích cực trong một thế giới hòa bình và phát triển. Thậm chí có người còn cho rằng: “Nếu Ấn độ không trỗi dậy, châu Á sẽ bị nhấn chìm”[3].
- Gợi mở để tiếp tục nghiên cứu
Ấn Độ còn đang phải đối diện với khá nhiều vấn đề thuộc về hạ tầng xã hội. Tỷ lệ người nghèo cao, 30% dân số mù chữ, chảy máu chất xám; “Sự phân mảnh quốc gia” bởi ngôn ngữ, tôn giáo[4] cùng xung đột tôn giáo; Tình trạng thiếu thốn và yếu kém của cơ sở hạ tầng…
Hệ thống đẳng cấp cổ truyền, là vấn đề lớn và là trở lực cho một xã hội bình đẳng và phát triển bền vững. Đã từng có nhận xét: “Nhìn khắp đất nước này, nhận thức về đẳng cấp rất ít bị suy giảm. Có thể phải mất vài thập kỷ hoặc thế kỷ chuyển đổi dần dần nữa trước khi Ấn Độ có thể tuyên bố mình đã thoát khỏi sự chi phối của hệ thống đẳng cấp”.
Niềm tin vào kiếp luân hồi và mong ước thoát kiếp luân hồi của các tín đồ tuy có sức điều tiết để người Ấn Độ giữ đạo đức trong kinh tế thị trường - thứ được coi là xa xỉ với không ít kẻ. Song mặt khác, những quan niệm tôn giáo ấy cũng làm suy giảm khát vọng về cuộc đời hạnh phúc, nỗ lực vượt lên thực tại và hội nhập.
Nhưng có lẽ, chính những vấn đề hôm nay, khi được nhìn nhận, lại chính là sức thúc đẩy để nhân dân Ấn độ và những con người có tâm có trí vươn lên vì một đất nước Ấn Độ mới giàu mạnh, phát triển bền vững và công bằng. Ấn Độ thế kỷ XXI sẽ xuất hiện những con người như Mahatma Gandhi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- G.Alison, RD Blakwill, A.Wyne: Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc Hoa kỳ và thế giới; Nxb. Thế giới, 2014.
- Lý Quang Diệu: Ấn Độ - dưới vòng kim cô của hệ thống đẳng cấp, http://nghiencuuquocte.net/2014/04/10.
- Trần Hữu Dũng: Trung Quốc và Ấn Độ- ai hơn ai, Diễn Đàn số 133 Tháng 10, 2003
- Will Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, maxreading.com/sachhay
- Trần Quốc Hùng: Dân chủ và phát triển - kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Ấn Độ, Thời Đại Mới - Số 8 - Tháng 7/2006.
* Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] G.Alison, RD Blakwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc Hoa kỳ và thế giới ; Nxb. Thế giới, 2014.
[2] Hội Fabian (Fabian Society) là một tổ chức xã hội chủ nghĩa ở Anh, được thành lập từ năm 1884, nhằm truyền bá những biện pháp cải cách xã hội chủ nghĩa qua chủ trương tiệm tiến (gradualism) và cải cách (reformism). Hội này đã đặt nền móng cho Công đảng Anh và ảnh hưởng tới chính sách của nhiều nước được hình thành sau quá trình phi thực dân hóa của đế quốc Anh, như Ấn Độ và Singapore.
[3] G.Alison, RD Blakwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc Hoa kỳ và thế giới ; Nxb. Thế giới, 2014
[4] Hiến pháp Ấn Độ công nhận 18 ngôn ngữ chính, ngoài ra còn 1.600 thổ ngữ. Ấn Độ có 6 tôn giáo lớn và vô số giáo phái khác. Hindu là tôn giáo lớn nhất với 3.600 giáo phái và các nhóm khác nhau . Ấn Độ cũng là nước có lượng tín đồ Hồi giáo lớn chỉ đứng sau Indonesia .
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục