Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

Những xu hướng kết nối Việt Nam, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

03:32 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn*

3. An ninh chính trị  kết nối hòa bình, thịnh vượng trong quan hệ người người

Trong một bài luận vào năm 2007 với tựa đề “An ninh hàng hải: Triển vọng hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản,” Tiến sĩ Khurana, Giám đốc Quỹ Hàng hải quốc gia tại New Delhi, có lẽ là một học giả đầu tiên đã có lý khi cho rằng, các lợi ích chung và cốt lõi của Ấn Độ và Nhật Bản về hàng hải sẽ khó có thể được bảo đảm nếu Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bị chia rẽ trong nhận thức chiến lược. Từ đó thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã ra đời và được nhiều quốc gia  (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ,...) chia sẻ như  một tầm nhìn chiến lược mới tại một địa bàn sinh sống rộng lớn này của loài người.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được coi là khu vực đa dạng nhất về sinh học[1], tôn giáo, văn hoá, chính trị với nhiều chiều ảnh hưởng đan xen và sâu rộng từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hồi giáo đến phương Tây. Sự hợp lưu của hai đại dương với Đại Tây Dương là sự kết nối năng động của ba trên bốn đại dương trên quả đất này. Nhưng khu vực này cho đến nay chủ yếu mới được định hướng ở ý chí và chiến lược an ninh chính trị, mặc dù nó có tiểm năng trở thành một chỉnh thế quan hệ đối tác và tương tác một cách hòa bình trong quan hệ người người.

Ngoài “bộ Tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia), sự tham gia, ví dụ của Việt Nam, là biểu hiện cho sự tương đồng về an ninh chính trị; và sâu sa hơn là biểu hiện cho tầm nhìn về sự kết nối nội tại của khu vực trong hòa bình và thịnh vượng chung. Vì thế, sự đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam, Ấn Độ đã và sẽ góp phần hình thành một cơ chế bao trùm cho sự kết nối những mối quan tâm chung, lợi ích chung,... nhằm thúc đẩy quan hệ giữa những người dân trong nội bộ khu vực này.[2] 

Bản sắc và mục đích chung của cả khu vực đều có tính mở ra biển và hết sức rộng lớn này của quả đất chỉ được định hình và giữ vững khi con người có thể chia sẻ nhiều mối quan tâm chung, lợi ích chung và cả chuẩn mực chung, giá trị chung, để chiến lược an ninh chính trị không dừng lại ở lời nói. Quan hệ “hướng Đông” của Ấn Độ và “hướng Tây” của Việt Nam theo phương thức hòa bình được cắm rễ sâu từ trong lịch sử truyền bá của đạo Phật và thương mại.   

Hiện nay, có lẽ một thách thức lớn đối với Việt Nam, Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong quá trình bảo vệ hòa bình, là giải quyết các mối quan hệ giữa an ninh và phát triển. Chẳng hạn, đối với Việt Nam và cả Ấn Độ, hiện đang nổi lên vấn đề quan hệ giữa an ninh biển với hòa bình, phát triển.  Trong tình hình ấy, cần lưu ý rằng, an ninh - hòa bình và phát triển được Liên hợp quốc (LHQ) xem xét trong mối quan hệ không tách rời với quyền con người (nhân quyền). Đây là  ba trụ cột hoạt động của LHQ. Trong mối quan hệ này, theo quan điểm của LHQ, an ninh được xác định là được bảo vệ trước sự bất an xã hội.; còn hòa bình, được hiểu rộng hơn và sâu hơn là việc vắng bóng chiến tranh và phi quân sự hóa. Hòa bình là thỏa mãn tất cả các yếu tố tinh thần, vật chất để thực hiện tự do, công lý và phẩm giá con người một cách phổ biến trong quan hệ người người.

Theo ý nghĩa đó, xét đến cùng, giữ gìn an ninh - hòa bình và khuyến khích phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống con người, đều nhằm bảo đảm tối đa các quyền cơ bản của con người. Vì thế từ năm 1993, các cơ quan thuộc LHQ được yêu cầu lồng ghép và phối hợp thúc đẩy an ninh - hòa bình, phát triển và quyền con người theo phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người (Human rights-based approach -  HRBA).  Cùng với sự ưu tiên trong hoạt động của LHQ, mối quan tâm của các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ, đối với nhân quyền ngày càng tăng. Các lực lượng dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, đã tích cực đấu tranh và đưa được nhiều quan điểm của mình vào các văn kiện nhân quyền của LHQ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhận thức đầy đủ sự tác động của các vấn đề an ninh - hòa bình, phát triển và quyền con người, là một đảm bảo quan trọng để các quốc gia tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, nhằm vừa tiếp thu được những giá trị tiến bộ của nhân loại, vừa giữ vững được mục tiêu đã chọn. Nhờ đó có thể thúc đẩy phát triển con người trên cơ sở bảo đảm an ninh - hòa bình, quyền con người cho mọi người. Và đây cũng là một chủ đề hợp tác đáng lưu ý giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

4. Quyền con người kết nối và thúc đẩy phát triển con người

Nếu nhiều tôn giáo lớn khác thường dựa và nhắm vào chủ thể bên ngoài con người (Thượng đề, Trời, Đức Thánh) thì Đạo Phật dựa vào chính con người và nhắm vào bản thân con người. Nếu trong lịch sử, việc phát triển con người có thể dựa chủ yếu vào những yếu tố bên ngoài con người thì  trong thời hiện đại bây giờ,  con người cần phải dựa vào chính bản thân mình. “Phật tại tâm” thấy ở cả các bậc tu hành cũng như ở những người bình thường. Dựa vào triết lý này, ngày nay, đức tin về bản thân con người ở Việt Nam và Ấn Độ không giảm sút, mà trái lại.

Đức tin về bản thân con người hay tính tích cực của con người, nhìn chung không thoát ly khỏi tính quy định của đời sống hiện thực của con người. Tính tích cực của con người đối với  xã hội chỉ được phát huy khi con người được  bảo đảm an ninh - hòa bình, phát triển và quyền con người.

Những nhà thông thái người Đức, như G.W.F. Heghen (1770-1831 ) và C.Mác (1818 – 1883) đều  cho rằng, “nhân quyền không phải là bẩm sinh mà được sản sinh ra trong lịch sử”[3]. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh  (1890-1969) đã nhận ra nguyên tắc  “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (1922)[4] phải gắn với  “sửa sang thế đạo, kinh dinh nhân quyền” (1925)[5]. Ở Ấn Độ, trên cơ sở tư tưởng nhân văn của Đức Mahatma Gandhi (1869-1948) và Jawarharlal Nehru (1889 - 1864), nhà kinh tế học, triết gia Amartya Kumar Sen (sinh năm 1933)  đã góp   phần đặt nền móng cho phát triển dựa trên quyền con người [6].

Các quốc gia phát triển, nhìn chung, không ủng hộ quyền phát triển, vì họ cho rằng, quyền này không có cơ sở pháp lý mà chỉ là một cam kết chính trị, và coi quyền này thuộc nội hàm của quyền dân tộc tự quyết. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, cổ vũ cho quyền phát triển và  coi đó là tiền đề để thực hiện các quyền khác (quyền có mức sống thích đáng, quyền môi trường,…). Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác nghiên cứu và triển khai, thực hiện quyền phát triển, để chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, vì mục tiêu phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người.

Do nhiều nguyên nhân, thể chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và có lẽ cả Ấn Độ, còn non trẻ và chưa hoàn thiện. Vì vậy, để thúc đẩy quyền phát triển, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác nhằm tiếp tục xây dựng thế chế bảo đảm quyền con người ở mỗi nước. Đây là một lĩnh vực hợp tác có nhiều triển vọng.  Bởi vì,  cho đến nay, trong khi các châu lục khác đã có tổ chức nhân quyền của mình, thì châu Á chưa có thể chế nhân quyền châu lục. Trước tình hình trên, vào năm 1998, tại Hồng Kông, 200 tổ chức phi chính phủ đã cho ra đời “Hiến chương châu Á về quyền con người châu Á”. Năm 2005, tại Pataya (Thái Lan), Hội nghị Đại hội đồng Liên minh nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) lần thứ 6 đã thông qua “Hiến chương nhân quyền của các dân tộc châu Á”. Ở phạm vi hẹp hơn, năm 1994, Hội đồng Liên đoàn các quốc gia Arập đã thông qua “Hiến chương Arập về quyền con người”.

Tại khu vực Đông Nam Á,  từ năm 2009, các nước thuộc Tổ chức ASEAN đã thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em của ASEAN và Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền (AICHR).  ASEAN đang khuyến cáo các quốc gia thành viên phải thiết lập thiết chể nhân quyền tại mỗi nước. Trong  quá trình cải tổ ASEAN, nhân quyền là chủ đề được thảo luận dài nhất và gay gắt nhất. Để góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển thể chế nhân quyền ở mỗi nước và ở châu lục,  Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về thể chế nhân quyền quốc gia và khu vực. Thông qua đó có thể mở rộng khuôn khổ hợp tác với  ASEAN và một số nước châu Á khác.

Việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền con người là một tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy thực hiện quyền phát triển của con người. Đến lượt nó, sự phát triển con người trên cơ sở bảo đảm quyền con người là  động lực cơ bản và không thể thiếu trong quá trình kết nối các mối quan tâm chung, lợi ích chung, chuẩn mực chung, kể cả giá trị chung của Việt Nam, Ấn Độ nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.


[1] Khu vực địa lý sinh vật này có tính đa dạng loài hết sức cao, gồm 3.000 loài cá so với con số 1.200 loài của khu vực địa lý sinh vật Tây Đại Tây Dương giàu có thứ nhì; và 500 loài san hô tạo rạn so với con số 50 loài của khu vực địa lý sinh vật Tây Đại Tây Dương. (Theo Helfman G., Collette B., & Facey D.: The Diversity of Fishes, Blackwell Publishing, pp 274-276, 1997,).

[3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập,  Sđd, t.2, tr. 172-173.

[4]  Hồ Chí Minh, Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr.491.

[5]  Hồ Chí Minh, Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr.438.

[6]  Amartya Kumar Sen, Phát triển là tự do, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2001.


 *PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục