Phát biểu của Đại sứ Parvathaneni Harish tại Hội thảo quốc tế Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới
Phát biểu của Đại sứ Parvathaneni Harish
tại Hội thảo quốc tế Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới
Hà Nội, ngày 25 /8/ 2016
Kính thưa Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
Kính thưa ngài Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ,
Kính thưa ngài Tôn Sinh Thành, Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ấn Độ,
Thưa các học giả từ Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới và Viện nghiên cứu và phân tích Quốc phòng,
Thưa ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn –Việt,
Thưa các học giả, các nhà nghiên cứu, thưa các quý bà, quý ông,
Xin Chào và Namaste!
Tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc tổ chức hội thảo này nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Trung tâm, lần thứ 70 ngày Độc lập của Ấn Độ và là sự kiện mở màn cho chuyến thăm cấp nhà nước đáng ghi nhớ của Ngài Narendra Modi, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm trở lại đây. Tôi cũng xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ việc tổ chức hội thảo và nhiều hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong 2 năm qua.
Mối quan hệ thân thiết hiện nay của hai nước chúng ta bắt nguồn từ cuộc đấu tranh vì tự do của nhân dân hai nước dưới sự lãnh đạo của hai vị cha già dân tộc là Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình hữu nghị và đoàn kết son sắt giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh vì độc lập, nỗ lực anh hùng nhằm thống nhất đất nước, và giai đoạn tái thiết đất nước hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ của hai nước chúng ta đã được bắt nguồn từ nền văn minh có lịch sử hơn 2.000 năm nay và sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam và những di sản của nền văn minh Hindu - Chăm là bằng chứng về điều đó. Các nhà sư và thương nhân của hai nước đã tương tác với nhau qua nhiều thế kỷ và những trao đổi văn hóa như vậy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống hàng ngày của chúng ta cho tới ngày hôm nay.
Công cuộc Đổi Mới của Việt Nam và Cải cách kinh tế của Ấn Độ được bắt đầu gần như đồng thời và là công cụ mang lại sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, giúp hàng triệu người dân thoát cảnh nghèo khó và tạo cho họ các cơ hội phát huy năng lực của mình. Sang năm tới, chúng ta sẽ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, chúng ta thực sự đã bước vào một giai đoạn mới của mối quan hệ giữa hai nước được đánh dấu bởi sự tin tưởng sâu sắc, sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị đời đời bền vững.
Mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước chúng ta hiện nay là toàn diện, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh ở mọi phương diện, can dự sâu rộng về kinh tế, hợp tác khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác sâu rộng về đào tạo và văn hóa. Các nhà lãnh đạo hai nước tin tưởng vững chắc rằng, mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường ổn định và phát triển ở khu vực và điều đó có lợi cho cả hai nước chúng ta.
Hợp tác quốc phòng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước chúng ta và chuyến thăm thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua đã đặt cơ sở vững chắc cho việc làm sáng tỏ nội dung của Tuyên bố chung Về tầm nhìn cho quan hệ quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam giai đoạn 2015-2020 được ký giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước hồi năm ngoái. Các tàu hải quân Ấn Độ đã thường xuyên tới thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm hồi tháng 6 năm nay và hiện có sự hợp tác mạnh mẽ giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước. Chúng tôi vui mừng thấy rằng, tập đoàn Larsen và Toubro của Ấn Độ sẽ đóng các tầu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam.
Hai nước Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên mọi phương diện trong lĩnh vực hợp tác an ninh bao gồm các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống khủng bố, chống tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, các loại tội phạm trên mạng và tăng cường an ninh mạng.
Cả hai Thủ tướng của hai nước chúng ta đã xác định thương mại và đầu tư là một mục tiêu chiến lược. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tài khóa 2015-2016 đạt 7,83 tỷ USD. Hai bên cam kết đa dạng hóa các mặt hàng thương mại và xác định những những lĩnh vực thương mại mới nhằm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 1,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi dự án nhà máy điện Long Phú-II với sản lượng 1.320 MW do tập đoàn TATA xây dựng với khoản đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD được thực hiện. Chúng tôi tin rằng, dự án đầu tư trọng điểm này sẽ là dự án mở đầu và được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho nhanh chóng thực hiện để khuyến khích Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam về lâu dài. Chúng tôi cũng mong đợi việc mở rộng lĩnh vực đầu tư trong 3 thập niên qua của tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh tại các lô thăm dò ngoài khơi của Việt Nam và mong đợi sự tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.
Cả hai chính phủ hai nước chúng ta đã cam kết tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong các nguồn năng lượng sản xuất điện năng. Chúng tôi nhận thấy, đây là một lĩnh vực quan trọng cho đầu tư Ấn Độ ở Việt Nam. Cam kết của Thủ tướng Modi về vấn đề năng lượng tái tạo cho thấy kế hoạch đầy tham vọng về khả năng sản xuất 175 GW từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2022, trong đó có 100 GW từ năng lượng Mặt Trời và 60 GW điện từ sức gió. Tương tự như vậy, chúng tôi tin rằng, chiến dịch vận động chuyển sang sử dụng bóng đèn LED trên toàn quốc Ấn Độ có thể trở thành một lĩnh vực hợp tác mới, đặc biệt khi xét tới những sáng kiến của Chính phủ Ấn Độ và các công ty khu vực công như Công ty TNHH Sử dụng tiết kiệm năng lượng (Energy Efficiency Services Limited) về thay thế các bóng đèn chiếu sáng đường phố trên toàn đất nước Ấn Độ bằng các bóng đèn LED.
Hợp tác văn hóa và các hoạt động mở rộng về văn hóa là một lĩnh vực quan trọng đối với chúng ta. Tôi rất vui mừng khi thấy Trung tâm Văn hóa Ấn Độ sẽ được khai trương tại Hà Nội trong tương lai gần. Người Việt Nam hòa hợp với văn hóa Ấn Độ đến nỗi nghệ thuật múa và âm nhạc dân gian, những bộ phim truyền hình nhiều tập của Bollywood, và nhất là bộ môn Yoga của Ấn Độ đã được đón nhận rất nhiệt thành. Sự hưởng ứng rầm rộ mà chúng tôi nhận được trong sự kiện Ngày Yoga quốc tế tổ chức hồi tháng 6 năm nay ở hàng loạt thành phố và các tỉnh của Việt Nam, nơi có hàng nghìn người Việt Nam tham gia, khiến tôi rất xúc động khi tham gia những sự kiện này và có thể thực hành yoga cùng với những người bạn Việt Nam. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới chính phủ và các cấp chính quyền Việt Nam đã tạo các điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện này. Tôi vui mừng vì ngoài các lớp học yoga đang được tiến hành tại Đại sứ quán do các nhà yoga Ấn Độ hướng dẫn, chúng tôi có thể bắt đầu mở các lớp dạy âm nhạc và nghệ thuật múa cổ Ấn Độ cho các bạn Việt Nam. Chúng tôi cũng mong đợi Ấn Độ thực hiện hoạt động nghiên cứu khảo cổ trong tương lai gần theo Biên bản ghi nhớ của hai bên về bảo tồn và trùng tu các di sản văn hóa Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn.
Thưa các bạn, lãnh đạo hai nước chúng ta đã đặt bối cảnh mới và tầm nhìn mới của quan hệ giữa hai nước trong khuôn khổ chính sách Hướng Đông và cách tiếp cận Hành động phía Đông của Ấn Độ, cũng như tầm quan trọng của ASEAN đối với đất nước chúng tôi về mặt lịch sử, địa lý, không gian kinh tế và chiến lược mà chúng ta cùng chia sẻ. Việt Nam là điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 và cả hai nước đều cam kết tăng cường quan hệ đối tác song phương trong các khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và hợp tác sông Mekong - sông Hằng. Thủ tướng nước chúng tôi đã công bố khoản tín dụng 1 tỷ USD cho việc kết nối vật lý và kỹ thuật số giữa Ấn Độ và ASEAN, và chúng tôi khuyến khích các đối tác ASEAN sử dụng khoản tín dụng này.
Lập trường của chúng tôi về Biển Đông trước sau không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển quốc tế đồng thời cho rằng, các vấn đề tranh cãi về chủ quyền cần phải được giải quyết một cách hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002. Chúng tôi kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Chúng tôi tin rằng các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông là cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một quốc gia thành viên UNCLOS, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tối đa đối với UNCLOC, cơ sở thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế tại các vùng biển và đại dương.
Thưa các bạn, hôm nay tôi xin nhắc lại lời của người được giải thưởng Nobel Văn học, đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ trong chuyến thăm đáng nhớ của ông tới Việt Nam năm 1929: "Hãy biết rằng, trước những niềm vui và sự khổ đau của con người, trái tim tôi luôn đập cùng nhịp điệu với trái tim của những bậc tiền bối của tôi từ trong quá khứ rất xa xôi đã tới sống bên cạnh các bạn. Tôi mang đến cho các bạn lời chào của một Ấn Độ rạng rỡ, Người đã hào phóng tỏa ánh sáng của mình trên mảnh đất này cũng như thông điệp về sự cảm thông và tình anh em của Ấn Độ hiện tại".
Trong khi bối cảnh và tầm nhìn về quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể mới, giai điệu đẹp về tình hữu nghị của hai nước chúng ta đã tồn tại xuyên qua chiều dài của lịch sử và sẽ tiếp tục như thế trong tương lai.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục