Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu của Ngài Sandeep Arya Đại Sứ Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo quốc tế “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng”

Phát biểu của Ngài Sandeep Arya Đại Sứ Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam  tại Hội thảo quốc tế “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng”

08:00 25-12-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu của Ngài Sandeep Arya
Đại Sứ Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam

 Tại Hội thảo quốc tế “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng”

 

Kính thưa nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên

Kính thưa Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kính thưa Giám đốc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar

Xin chào

Tôi rất vui khi Hội thảo quan trọng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ẤnĐộ-Việt Nam được diễn ra tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh danh giá, để điểm lại những điểm hợp lưu của chúng ta và đánh giá các cơ hội giúp mối quan hệ hợp tác giữa hai nước mạnh mẽ hơn. Tôi xin cảm ơn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã tổ chức Hội thảo cũng như công sức chuẩn bị và tiến hành sự kiện này.

Tôi vui mừng vì có ít nhất tám học giả và chuyên gia đến từ Ấn Độ sẽ trình bày tham luận tại Hội thảo này, cùng với sự tham gia đông đảo của các học giả Việt Nam.

Tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ trường tồn theo thời gian. Các mối liên kết Phật giáo từ thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên đã được lịch sử ghi lại và hàng trăm di tích trên khắp Việt Nam kéo dài hơn nghìn năm kết nối văn minh chứng minh chiều sâu của sự giao thoa giữa lịch sử và văn hóa hai quốc gia.

Giai đoạn hiện đại của mối quan hệ ẤnĐộ-Việt Nam gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên Người đã được dùng để đặt tên cho Học viện này. Ngay từ năm 1921, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự quan sát kỹ lưỡng và với sự hiểu biết sâu sắc của mình Người đã viết về “học thuyết bất hợp tác và bất bạo động” của Mahatma Gandhi, lời kêu gọi tâm linh của Ramakrishna Paramhans vào những năm 1880 và sự khơi dậy tinh thần độc lập ở Ấn Độ vào những năm 1890 của Lokmanya Tilak.

Năm tháng trước khi Ấn Độ giành độc lập vào tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện tham dự và gửi thông điệp đoàn kết tới Hội nghị Hợp tác Châu Á diễn ra tại New Delhi, sự kiện có sự góp mặt và phát biểu của Ngài Mahatma Gandhi. Tôi xin trích dẫn những câu từ sáng suốt và có tầm nhìn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng cho tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam trong nhiều dịp ví dụ như: “Không gì lay chuyển được’, ‘vững chắc’, ‘anh em’, ‘thân thiết’, ‘bền vững’, và ‘mãi mãi’. Lịch sử quan hệ Ấn Độ và Việt Nam đã ghi lại rất nhiều sự tương trợ và đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong thời kỳ Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, trong các công tác lãnh sự và ngoại giao cũng như hợp tác kinh tế trong suốt nhữn gnăm 1950, 1960, 1970, 1980, 1990 và ngày nay.

Trong bảy thập kỷ qua, Ấn Độ và Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trên hành trình quốc gia của mình, bối cảnh quốc tế đã trải qua nhiều biến động và cả hai bên đã điều chỉnh tốt các chính sách đối ngoại của chúng ta. Tuy nhiên có một điều vẫn không thay đổi đó là sự kiên định và nhất quán của tình hữu nghị sâu sắc và hợp tác bền chặt giữa Ấn Độ và Việt Nam. Đối với tôi, điều đó cho thấy sự đoàn kết, tin tưởng, tự tin, thân thiết và niềm tin của chúng ta mang tính chiến lược và lâu dài. Việc nâng cấp quan hệ của chúng ta cách đây bảy năm trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” thể hiện sự đổi mới trong cam kết của chúng ta đối với quan hệ song phương và tăng cường hơn nữa mối quan hệ này trên mọi lĩnh vực.

Thế giới hiện tại đang chứng kiến những bất ổn đáng kể, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã mô tả trong tuyên bố quốc gia của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra cách đây hai tháng rằng đây là “thời kỳ hỗn loạn đặc biệt”. Bây giờ là lúc cần ghi nhớ sự đoàn kết và niềm tin bền vững giữa hai nước chúng ta như một nguồn động viên và niềm tin để cùng nhau vượt qua quãng thời gian này. Trong bối cảnh này, Ấn Độ đã mạnh mẽ lên tiếng về lợi ích, quan điểm và ưu tiên của nhóm các nước Nam bán cầu thông qua hai Hội nghị thượng đỉnh do Ấn Độ tổ chức vào tháng 1 và tháng 11 năm nay. Các quyết định của Ấn Độ với tư cách Chủ tịch G20 cho thấy tiến bộ tích cực trong các vấn đề như mục tiêu phát triển bền vững, nguồn tài chính hợp lý và dễ tiếp cận, khí hậu, công bằng và công lý, cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, khó khăn nợ nần, sự hiện diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu, v.v. Tôi chắc chắn rằng những đại biểu tham dự Hội thảo này sẽ đánh giá các khía cạnh khu vực và toàn cầu trong phiên họp thứ hai và trong các nghiên cứu trong tương lai của họ, vì môi trường toàn cầu ảnh hưởng đến con đường phát triển và thịnh vượng của chúng ta.

Các xu hướng kinh tế cũng có ý nghĩa không kém đối với quan hệ đối tác ẤnĐộ-Việt Nam. Dữ liệu cho thấy Ấn Độ và Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình toàn cầu và xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì khi cả hai nước đều đặt mục tiêu đạt mức thu nhập cao hơn nhiều vào năm 2045 đối với Việt Nam và 2047 đối với ẤnĐộ. Trong khi cả hai quốc gia đều hội nhập kinh tế, thương mại, đầu tư, liên kết kinh doanh với thế giới rộng lớn bên ngoài thì cũng cần tập trung nhiều hơn vào việc hợp tác với nhau vì sẽ xuất hiện nhiều cơ hội giữa hai nền kinh tế. Vì vậy, các học giả cần nghiên cứu kỹ càng các lĩnh vực để hai bên có sự hợp tác kinh tế và kinh doanh lớn hơn nữa.

Công nghệ đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng, phát triển, chuỗi giá trị và thịnh vượng trong thế giới đang không ngừng phát triển ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ và Việt Nam lại tập trung đưa các xu hướng công nghệ vào kế hoạch kinh tế quốc gia của mình. Tôi thấy có nhiều điểm tương đồng trong việc thúc đẩy công nghệ của Ấn Độ và Việt Nam cũng như việc thiết lập các cơ quan và lực lượng đặc nhiệm quốc gia để đưa những phát triển này vào quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai của hai nước.

Một số lĩnh vực cần được cân nhắc để Việt Nam và Ấn Độ có những trao đổi và hợp tác tiềm năng nhiều hơn bao gồm việc chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm quốc gia hoặc tạo dựng quan hệ đối tác để cùng nhau làm việc và dẫn đường trong một số lĩnh vực này. Các khía cạnh hiện tại của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta – quan hệ chính trị & chiến lược, hợp tác kinh tế & thương mại, quốc phòng & an ninh, du  lịch & văn hóa đều rất quan trọng. Đồng thời, những cơ hội mới trong các lĩnh vực sau đáng được nói tới tại phiên họp thứ nhất và thứ tư của hội thảo này:

(i) Chuyển đổi số là ưu tiên quốc gia của cả hai bên. Trao đổi nhiều và thực chất hơn xung quanh những nỗ lực tương ứng của mỗi nước, những thành công và khoảng cách giữa hai nước có thể mang lại lợi ích chung.

(ii) Đầu năm nay, Ấn Độ đã khởi động dự án tầm nhìn viễn thông 6G và thử nghiệm nghiên cứu 6G và Việt Nam đã thành lập nhóm nghiên cứu để phát triển và thử nghiệm thiết bị 6G. Chúng ta có nên tham gia cùng nhau để tham khảo ý kiến và có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tương lai này không?

(iii) Ngân hàng và thanh toán số hỗ trợ cho ngành du lịch, kinh doanh và dịch vụ cho cư dân nước ngoài. Các ngân hàng trung ương và các đơn vị kỹ thuật của chúng ta có thể đẩy nhanh các thỏa thuận giữa Ấn Độ và Việt Nam về thanh toán số theo thời gian thực giữa hai nước. Việc sử dụng tiền tệ quốc gia để thanh toán thương mại song phương cũng có thể tăng thêm khả năng phục hồi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước.

(iv) Khi cả hai bên đều hướng tới mức phát thải bằng không, những thành công và kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng quốc gia của chúng ta có thể đem lại lợi ích cho nhau từ các mô hình và chính sách của nhau về đấu giá điện, quản lý lưới điện, mua điện và khuyến khích phương tiện điện tử. 41% tổng công suất điện lắp đặt của chúng tôi là từ nhiên liệu không phải hóa thạch và chúng tôi đang mở rộng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2030, tương tự như những gì Việt Nam mong muốn thực hiện.

(v) Chúng ta có nên thảo luận để có những phương pháp tốt nhất cho việc thúc đẩy sáng kiến Khởi nghiệp quốc gia hay không?

(vi) Mô hình kết nối Gati Shakti của Ấn Độ để phát triển cơ sở hạ tầng, đường bộ, đường sắt, bến cảng, đường sắt đô thị có đáng được các học giả ở Việt Nam nghiên cứu nhiều hơn không?

(vii) Tự lực trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là ưu tiên quan trọng của cả hai nước. Cuộc thảo luận hiện tại của chúng ta có thể được đào sâu hơn để đánh giá và phát triển hợp tác quốc phòng tốt hơn.

(viii) Công nghệ vũ trụ ngày càng trở nên linh hoạt và tiềm năng hơn. Nó không có nghĩa là chỉ xây dựng và phóng vệ tinh mà còn liên tục xuất hiện các ứng dụng hình ảnh và dữ liệu về trữ lượng cá trên biển, thông tin liên lạc băng thông rộng và cảnh báo thời tiết.

Giao lưu nhân dân, du lịch và trao đổi văn hóa là thế mạnh của quan hệ đối tác Ấn Độ-Việt Nam. Các hoạt động trên phạm vi rộng của chúng ta tập trung vào việc mở rộng dòng khách du lịch hiện có; hàng trăm sinh viên và cán bộ tham gia các khóa đào tạo & hội thảo; giai đoạn tiếp theo của việc trùng tu, bảo tồn các di sản nghìn năm tuổi ở Việt Nam; 10 dự án cộng đồng được thực hiện hàng năm trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam; trao đổi các đoàn thanh niên và văn hóa theo cả hai hướng. Chúng ta đang tăng cường trao đổi cấp địa phương giữa hai nước. Cần nhiều nỗ lực hơn trong việc kết nối thông qua phim chiếu rạp, phim truyền hình dài tập và mạng xã hội. Các trường đại học và đơn vị chính sách của chúng ta cũng cần hợp tác thường xuyên hơn và sâu rộng hơn. Tôi hy vọng sẽ có thêm ý kiến và phân tích từ phiên thứ 3 của hội nghị.

Để kết thúc bài phát biểu, tôi rất mong chờ các thảo luận trong các phiên tham luận khác nhau của hội thảo mà tôi dự định tham dự cả ngày hôm nay. Tôi chắc chắn rằng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sẽ cố gắng biên soạn các bài thuyết trình và thảo luận để có thể làm phong phú thêm những nỗ lực của chính phủ hai nước nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới. Tôi nhận ra rằng các ý tưởng hợp tác nói dễ hơn làm nhưng thảo luận là điều cần thiết để làm phong phú thêm những suy nghĩ thúc đẩy hành động hoặc nỗ lực. Do đó, tôi thực sự đánh giá cao sự hiện diện của tất cả các vị khách quý, các đại biểu đến từ Ấn Độ, các quan chức chính phủ và học giả Việt Nam, các thành viên cộng đồng, giới truyền thông và đông đảo bạn bè thân thiết trong quan hệ đối tác Ấn Độ-Việt Nam.

Xin cảm ơn.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục