Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam (Phần 2)

Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam (Phần 2)

Phật giáo là một trong những tinh hoa văn hóa tinh thần của Ấn Độ, có nguồn gốc dài lâu, nội dung rộng lớn, giáo lý sâu sắc, với tinh thần từ bi hỉ xả, đáp ứng được việc giải tỏa những khổ đau của nhân sinh nơi trần thế, cho nên Phật giáo đã quy tụ được hàng triệu tín đồ và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Ấn Độ mà còn lan tỏa ra khắp thế giới trong đó có Việt Nam.

02:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ du nhập và thăng hoa ở Việt Nam                                

                                                 PGS. TS. Trần Lê Bảo*

 (Tiếp theo phần 1)

Những phân phái Phật giáo ở Việt Nam

Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ (Vinitavuci) vào năm 574 từ Ấn Độ đến Trung Quốc cầu pháp (ngược lại với việc nhà sư Trung Hoa đi Ấn Độ cầu pháp). Người này vì sao không ở Ấn Độ nghiên cứu Phật pháp mà đi Trung Quốc cầu pháp? Cũng chưa ai rõ. Ở Trung Quốc từ Tổ thứ 3 Phật giáo Thiền tông, sau khi Tăng Xán thụ pháp, lại đến An Nam, xây dựng chùa Pháp Vân, bắt đầu tuyên truyền giáo lý Phật giáo Thiền tông. Phái này lần thứ nhất truyền đệ tử là Pháp Vân (năm 626), truyền đến đời thứ 19 là Y Sơn hòa thượng (Chùa Đại Từ, năm 1213), tình hình sau đó không rõ.

Phái Vô Ngôn Thông: Tổ thứ nhất phái này là Cảm Thành thiền sư, thừa kế Thiền sư Trung Quốc “Vô Ngôn Thông”. “Vô Ngôn Thông” là đệ tử truyền pháp của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, pháp danh Bất Tường, vì Vô ngôn tức là Thông cho nên mới gọi là “Vô Ngôn Thông”. Năm 820 “Vô Ngôn Thông” đến Bắc Ninh - Giao Châu dựng chùa Sơ, bắt đầu truyền thụ Thiền học, thực hành Thiền quán quay mặt vào tường. Phái “Vô Ngôn Thông” truyền thừa 15 đời ở Việt Nam. Hoạt động từ năm 820 đến năm 1221.

Phái Trúc Lâm: sau khi Hoàng đế triều Trần An Nam Trần Nhân Tông thoái vị, xuất gia làm hòa thượng, thành người thừa kế đời 18 phái Vô Ngôn Thông. Nhưng ông đã bản địa hóa Phật giáo Việt Nam, lập ra phái tôn giáo mới “Trúc Lâm phái”, vì thế hiệu của Người là “Trúc Lâm Đại sĩ”, nên gọi là phái Trúc Lâm. Phái Trúc Lâm này là tông phái lớn nhất Việt Nam, phần lớn dân thuộc phái này.

Phái Thảo Đường: vào thế kỷ XI, do một vị sư người Hoa (Thảo Đường) trụ trì tại chùa Khai Quốc tại Hà Nội Việt Nam sáng lập, cũng là hệ thống Thiền tông. Đệ tử đời thứ nhất là Lý Thành tông (1054-1071), truyền được 5 đời, sau đó tình huống không rõ.

Trên đây là 4 phái đều thuộc Thiền tông. Giáo nghĩa chủ yếu Thiền Tông giảng “Bản lai vô nhất vật, Bản vô phiền não nguyên thị Bồ Đề, Phiền não tức Bồ Đề”, nhờ tĩnh tọa và mặc tưởng để đạt “trực chỉ nhân tâm, Kiến tính thành Phật”. Nói đơn giản, Thiền tông rất chú trọng tâm của người, nếu như “Tâm” có thể khai ngộ, sẽ trở thành Phật. Nhưng lý luận này thâm ảo, cao không thể nắm được, người bình dân nghe cũng không hiểu, không thể tu hành được. Từ thế kỷ XVI, Thiền tông Việt Nam bắt đầu biến đổi, dần tiếp thu giáo nghĩa Tịnh Thổ tông. Tịnh Thổ Tông chỉ giảng A Di Đà Phật, người ta nếu tin và niệm tên Người, “Nam Vô A Di Đà Phật” (Nam Vô chú văn là Namas, tiếng Pali là Namo, ý là cứu mệnh, kính lễ), sau khi chết có thể đạt đến thế giới Tây phương cực lạc. Thiền tông và Tịnh Thổ tông vốn là hai tông phái cùng dòng nhưng cách thức tu tập khác nhau. Thiền tông giảng “tự lực” tu hành khai ngộ, Tịnh Thổ tông giảng dựa vào A Di Đà Phật, nhờ “tha lực”. Nhưng Thiền tông Việt Nam sau này chịu ảnh hưởng Thiền tông Trung Quốc lại hấp thu Tịnh Độ tông mà trở thành “Thiền Tịnh hợp nhất, Thiền Tịnh song tu”, cũng biến thành Thiền tông hỗn hợp, Thiền Tịnh cùng tu, Thiền tông cũng giảng A Di Đà Phật. Việt Nam ngoài Phật giáo, sau này còn tiếp thu Nho giáo và Đạo giáo, các nơi đều có Văn Miếu Khổng Tử, trong chùa cũng có tượng Lão Tử, Khổng Tử và Huyền Thiên Thượng đế… cũng thần tượng của Nho giáo và Đạo giáo. Vì vậy, tình hình dung hợp Tam giáo Nho Đạo Phật của người Việt cũng giống dung hợp Tam giáo của Trung Quốc.

Từ đầu thế kỷ XVII, xu thế gắn bó của Tam giáo Nho Đạo Phật ngày càng cao, quan điểm tư tưởng Tam giáo nhất chí, Tam giáo đồng nguyên càng được lưu hành, mà còn được nhiều người công nhận và tiếp thu, sinh ra ảnh hưởng trên thực tế xã hội. Hiện tượng này trong sử thời cận đại, gọi là “vận động Tam giáo hợp nhất”.

Đoàn Minh Viện trụ trì chùa Tây An Nam Bộ Việt Nam, vào năm 1848 sáng lập phái Phật giáo Bảo Sơn Kỳ Hương, đề xướng giáo nghĩa “Nhị vô” và “Tứ Tư”. Truyền bá rộng rãi trong quần chúng nông dân vùng tam giác sông Mê Công. “Nhị vô” tức là vô tự, vô tăng. “Tứ Tư” là: tư tổ tiên, tư quốc gia, tư Tam bảo (Phật Pháp Tăng), tư nhân gian, tương thông với quan niệm Nho giáo, biểu hiện tinh thần nhập thế nồng hậu.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giới Phật giáo Việt Nam vui mừng vận động phục hưng Phật giáo, triển khai nhiều tranh luận sôi nổi về Phật giáo. Một số cư sĩ, phần tử trí thức Phật giáo, chủ trương dùng quan điểm hiện đại, trùng tân giải thích giáo nghĩa Phật giáo cổ điển. Sáng hợp cơ cấu từ thiện Phật giáo và nhà thương, lợi dụng Phật giáo để đề cao ý thức dân tộc. Xúc tiến thành lập các tổ chức Phật giáo tại các địa phương ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu và giáo dục Phật giáo.

2. Những vị vua – sư Việt Nam và sự truyền thừa thăng hoa Phật giáo Ấn Độ

Từ Thái Tổ L‎ý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông tiếp đến Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu là một sự tiếp nối về loại hình nhà vua gắn bó với Phật giáo. Sự tiếp nối này không chỉ ở tâm hướng Phật - tức tâm tức Phật - mà còn thể hiện ở trong sự nghiệp yêu dân yêu nước và thực thi hoằng dương Phật giáo trên xứ sở Đại Việt. Những nhà “Vua - Phật” này chẳng những là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa vương quyền và thần quyền, hoằng dương Phật giáo trên cơ sở tinh thần vì nước vì dân của thời đại nhà vua trị vì, còn là bài học sâu sắc trong việc ứng xử giữa chính quyền với Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.

2.1. Mối quan hệ vương quyền và Phật giáo trong lịch sử xã hội Việt Nam

a. Lịch sử du nhập Phật giáo vào Việt Nam có thể chia làm 3 thời kỳ chính: Thời kỳ từ đầu Công nguyên; Thời kỳ độc lập tự chủ (938) qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn; Thời kỳ Pháp thuộc (1858) và sau 1954.

Thời kỳ đầu Công nguyên: Phật giáo được xác định là du nhập vào nước ta thế kỷ II bằng đường biển và đường bộ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào Giao Chỉ và Chăm Pa. Với dòng thiền đầu tiên Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông.

Thời kỳ độc lập tự chủ, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn. Thời nhà Đinh và Tiền Lê, Phật giáo được nâng lên thành quốc giáo đồng thời xuất hiện dòng thiền thứ ba là Thảo Đường.

Cả ba dòng thiền và Phật giáo đã hiện diện ở giai đoạn này đều có xu hướng nhập thế mạnh mẽ. Nhà Trần là triều đại tiếp nối của Phật giáo với vai trò nổi bật của Trần Nhân Tông - người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Thời Hậu Lê, chế độ phong kiến đã thuần thục ở Đại Việt, Nho giáo dần thay thế Phật giáo và Phật giáo từ cung đình chuyển dần vào dân gian.

Thời đại nhà Nguyễn ở xứ Đàng Trong Phật giáo vẫn phát triển mạnh trên cơ sở một nền lý học mới và nhờ vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu (được ví là Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam). Nền lý học mới này là dòng Tào Động và dòng Lâm Tế. Xứ Đàng Ngoài vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

b. Sự định hướng mô hình nhà nước theo Nho giáo nhưng nền tảng tư tưởng là Phật giáo là định hướng vận động của xã hội Đại Việt tiêu biểu là thời Lý - Trần, khởi đầu từ thời Đinh - (Tiền) Lê - Lý.

Trong điều kiện xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, sự lựa chọn mô hình nhà nước theo Nho giáo nhưng lấy nền tảng tư tưởng là Phật giáo lại là một sự chọn lựa sáng suốt và có tính chiến lược bởi những lí do chủ yếu sau:

* Thứ nhất, xét về ý thức hệ, sau hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, hơn lúc nào hết tinh thần tự chủ, tự cường, yêu thương đoàn kết dân tộc cần được đề cao. 

Tiếp nhận Nho giáo hay Đạo giáo trong lúc thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phương Bắc vẫn là “lệ thuộc tư tưởng”. Phật giáo là hệ tư tưởng động viên tinh thần tự chủ, tự trách nhiệm với giáo lí, tự tu tập mới chứng ngộ không ai khác có thể thay mình. Tinh thần này rất phù hợp với tinh thần một dân tộc một đất nước vừa thoát khỏi ngàn năm đô hộ.

* Thứ hai, điều kiện xã hội sau những năm nội chiến và biến loạn, huynh đệ tương tàn, hơn lúc nào hết cần có một triết lí mới để thu phục nhân tâm. Đó là tinh thần bao dung, tha thứ từ bi hỷ xả, gạt bỏ quá khứ đau thương cùng hướng về một tương lai tốt đẹp của Phật giáo đáp ứng được điều này.

* Thứ ba, xét từ điều kiện cụ thể của quan hệ về quyền lực giữa vương quyền và thần quyền, giai đoạn Đinh, Lê, L‎ý, Chính quyền mới xây dựng, còn non yếu, Phật giáo đã có tác động hỗ trợ tích cực đối với vương quyền. Vương quyền có lợi khi dựa vào trí tuệ và đạo đức cứu đời của Phật giáo để củng cố quyền lực và thu phục nhân tâm. Ngược lại Phật giáo tham gia vào công việc của vương quyền cũng là để “cố vấn” cho nhà vua chứ không hề là mối đe dọa đối với vương quyền.

Thêm nữa, thời kì đầu của nước Đại Việt, khi chưa tổ chức thi tuyển nhân tài theo tiêu chí Nho giáo, thì vai trò của các tu sĩ Phật giáo luôn được đề cao và các vị vua lựa chọn Phật giáo làm chủ lưu thậm chí là quốc giáo cũng là sự lựa chọn sáng suốt.

c. Đến thời Lê - Nguyễn, việc xây dựng xã hội chuyên chế tập quyền theo mô hình Nho giáo là xu thế chung của thời đại nhưng cũng vẫn phải dựa vào lá cờ của Phật giáo, đặc biệt triều đại nhà Nguyễn vì những lí do cơ bản sau:

* Thứ nhất, các chúa nhà Nguyễn với sứ mệnh trấn giữ và mở cõi xứ sở Đàng Trong, với bài học “nhãn tiền” về cuộc khủng hoảng của Nho giáo Đàng Ngoài, một mặt, vẫn phải xây dựng chính quyền phong kiến chuyên chế, mặt khác, cần xây dựng nền tảng văn hóa tâm linh, đạo đức cho vùng đất mới và Phật giáo được lựa chọn như một giải pháp tối ưu.

* Thứ hai, trong hành trang của lưu dân mở cõi, đạo Phật đã đáp ứng được cả về mặt tâm linh lẫn quan niệm và lối sống cho họ, khi không được quyền chọn lựa đối với nhiều biến động luôn xảy ra ngoài ý muốn ở vùng đất mới.

Thêm nữa, vùng đất Nam bộ lại là vùng đất của nhiều dân tộc cộng cư, với sự hỗn dung của tín ngưỡng và tôn giáo, thì Phật giáo Đàng Trong đã dung hòa được tư tưởng tam giáo Nho - Đạo - Phật và tín ngưỡng tôn giáo dân gian…

* Một yếu tố cũng rất quan trọng nữa là điều kiện kinh tế xã hội của triều Nguyễn đã thúc đẩy con người phải hướng về Phật giáo, tìm cứu cánh từ Phật giáo. Bởi lẽ sự áp bức tàn bạo người lao động của chính quyền phong kiến, lại thêm dịch bệnh diễn ra cướp đi hàng 40, 50 vạn người. Triết lí tùy duyên và nhập thế của đạo Phật đã trở thành điểm tựa cho mọi giá trị của sự sống con người nơi đây. (Xem tiếp phần 3)

Nguồn:

Cùng chuyên mục