Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Phần 1)

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Phần 1)

03:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam

PGS, TS Vũ Trọng Dung*

Nền văn hóa truyền thống ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nền văn hóa ấy đã hình thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bản sắc này được hình thành từ địa văn hóa bán đảo gió mùa, từ nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, từ lịch sử chống xâm lăng để dựng nước và giữ nước, từ các gia đình huyết tộc trong một cộng đồng làng xã, được kết dính và củng cố bởi các chuẩn mực của nhiều hệ tư tưởng. Từ những giá trị của nền văn hóa truyền thống, nhiều nhà văn hóa học đã tôn vinh nền văn hóa của người Việt là một nền văn hóa giàu bản sắc.

Nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc Việt Nam được củng cố và phát triển bởi các chuẩn mực của nhiều hệ tư tưởng của Phật giáo, hệ tư tưởng của Nho giáo và hệ tư tưởng của Đạo giáo và sau này là một số hệ tư tưởng của các tôn giáo và các hệ thống lý thuyết ngoại nhập khác. Trong đó, vai trò của Phật giáo, đạo đức Phật giáo đã thực sự ăn sâu vào các giá trị đạo đức trong nền văn hóa truyền thống dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán của con người, từ đó chúng ta có thể tìm thấy những cơ sở lý luận xác thực cho vấn đề đạo đức xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Với tư tưởng từ bi, bác ái, vô ngã, vị tha, Phật giáo Ấn Độ đã dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Phật giáo Ấn Độ được tiếp biến vào văn hóa Việt Nam từ con đường Nam Á. Các giáo lý Phật giáo ấy cùng nhân cách nhà sư đã tạo nên sự gần gũi giữa Phật giáo và người dân. Bằng thuyết nhân quả luân hồi, ở hiền gặp lành, Phật giáo khuyến thiện, trừ ác, hiếu với cha mẹ, tôn kính người trên, không tham lam, mong quốc thái, dân an, hòa bình, hạnh phúc. Phật giáo đã góp phần nâng cao đời sống đạo đức xã hội. Nhân dân ta đã tiếp biến Phật giáo như là một yếu tố tâm lý làm cân bằng cuộc sống vốn khốn khó của mình. Phật giáo đã củng cố và phát triển các giá trị đạo đức trong nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Ở Việt Nam đã có trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành từ rất sớm[1]. Không bao lâu khi Phật giáo được truyền vào đất Việt, nhờ sự nỗ lực hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Ấn Độ, Luy Lâu, thủ phủ của Giao Chỉ lúc bấy giờ đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất trong vùng. Tại đây, với những sinh hoạt hoằng pháp[2] của ngài Khâu Đà La (người Ấn Độ đến Luy Lâu khoảng năm 168-169) đã xuất hiện một mô hình Phật giáo Việt Nam hóa đầu tiên qua hình tượng Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu (hình tượng Phật Nữ). Một chứng liệu lịch sử quan trọng khẳng định Phật giáo Việt Nam đã bắt rễ sớm ở Giao Châu là sự việc ngài Mâu Bác (sinh cuối thế kỷ thứ II) theo mẹ từ Trung Quốc sang Giao Châu khi ngài còn rất trẻ, rồi lớn lên, tại đây ngài đã viết bài "Lý hoặc Luận" và dịch một số kinh sách, chứng tỏ ngài đã học Phật giáo tại Giao Châu và như thế Phật giáo Giao Châu đã phát triển khá mạnh, ít nhất là vào nửa đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch. Sang thế kỷ thứ III, có ba nhà truyền giáo nước ngoài đến hoằng pháp tại Giao Châu: ngài Khương Tăng Hội (gốc người Sogdiane, Khương Cư) là một thiền sư đầu tiên sinh tại Giao Chỉ và được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngài Chi Cương Lương Tiếp (người xứ Nhục Chi), và ngài Ma Ha Kỳ Vực (người Ấn Độ).

Phật giáo Ấn Độ đã phát triển rất mạnh mẽ và rộng lớn trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự cực thịnh của Phật giáo được thể hiện ở quy mô và mức độ sâu sắc của sự thâm nhập vào đời sống xã hội, vào tình cảm và ý thức xã hội, vào ý thức hệ từ gia đình, làng xã đến quốc gia và các lĩnh vực hoạt động khác trong nhân dân. Phật giáo đã được truyền đến Việt Nam và đã được Việt hóa để thích ứng với nền văn hóa bản địa. Dưới thời đại Lý - Trần, người ta thấy đông đảo các nhà sư tham gia chính sự, các bậc vua chúa sùng Phật, đi tu và sáng lập Phật phái (điều hiếm có trong các thời đại khác); còn dân chúng thì bị cảm hóa bởi quan niệm về phúc họa và những chỉ dẫn đạo đức của nhà Phật. Sử sách đã chép lại rằng, dưới thời đại Lý - Trần việc xây dựng cung đình, lăng tẩm, dinh thự chỉ mộc mạc, đơn sơ; nhưng nhân dân đã không tiếc công, tiếc của đóng góp vào việc xây dựng chùa chiền để xây dựng chùa thờ Phật rất lộng lẫy, các trụ cột nhà chùa bằng đá, tường cổng cao ngất trời. Sự sùng bái Phật giáo được đẩy lên đến mức nhà nghiên cứu Lê Văn Hưu nhận định: “Nhân dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Hệ giá trị đạo đức trong văn hóa Việt Nam thời này gắn liền với các định chuẩn và tâm thức Phật giáo.

Trong nền văn hóa truyền thống người Việt, giá trị đạo đức là một trong những yếu tố cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội. Giá trị đạo đức là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, quy tắc ứng xử được lựa chọn nhằm điều chỉnh và đánh giá hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội của con người; nhưng sự điều chỉnh này dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác của các chủ thể hoạt động. Cho nên, giá trị đạo đức được đánh giá là có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình, dư luận biểu dương. Giá trị đạo đức biến đổi theo sự biến đổi của đời sống xã hội của dân tộc ta.

Giá trị đạo đức, xét theo chiều thời gian có thể phân thành giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức hiện đại. Giá trị đạo đức truyền thống là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc, đó chính là những giá trị đạo đức tốt đẹp được thể hiện trong những chuẩn mực đạo đức phổ biến, có tác động tích cực tới cộng đồng, điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội để tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội...

Giá trị đạo đức truyền thống chính là những giá trị tốt đẹp điều chỉnh hành vi cá nhân cũng như mọi mối quan hệ trong xã hội, được đông đảo thừa nhận, mang tính ổn định tương đối và ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác của dân tộc. Vì vậy, có thể nói, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là những phẩm chất đạo đức đặc thù nhất, bản chất nhất, đặc trưng cho cốt lõi văn hóa, tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên cốt cách, lối sống của cộng đồng dân tộc đó.

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu về văn hóa đã đúc kết nên những giá trị đạo đức trong văn hóa tinh thần truyền thống rất quý báu của dân tộc Việt. Nhà nghiên cứu Đỗ Huy đã cho rằng, giá trị đạo đức trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam bao gồm: tinh thần cộng đồng; chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập tự cường; lòng nhân ái, yêu thương con người và sống có tình có nghĩa; cần cù, lạc quan[3]... Nhà nghiên cứu Vũ Khiêu cho rằng, trong những truyền thống quý báu của dân tộc, nổi bật lên nhất là truyền thống đạo đức và khẳng định truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc ta bao gồm: lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo; tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người, trong đó yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc[4]. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu cũng cho rằng, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”[5]. (Xem tiếp phần 2)


* Giảng viên Cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Triết học, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Năm 179 tr.CN, nước Âu Lạc đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tính và lập thành quận Giao Chỉ. Luy Lâu thuộc Giao Chỉ, tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Chỉ là rất sớm.

[2] Hoằng pháp được hiểu là những hành động cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết, chính bản thân người hoằng pháp phải là người thể hiện được sự toàn vẹn của pháp học và pháp hành.

[3]Xem Đỗ Huy: Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới và phát triển, Nxb.Thông tin và Truyền thông, H.2014, tr.173-205.

[4] Xem Vũ Khiêu (Chủ biên): Đạo đức mới, Nxb.Khoa học xã hội, H.1974, tr.74-86.

[5] Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb.Khoa học xã hội, H.1980, tr.94.

Nguồn:

Cùng chuyên mục