Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Phần 2)
Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam
Kết quả nghiên cứu về “Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội” (KX.07) cũng đã bước đầu khẳng định: “cốt lõi của các giá trị truyền thống là đạo đức, phẩm chất nhân cách con người Việt Nam bao gồm: tinh thần yêu nước, vì nghĩa, lòng thương người”[1].
Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VII về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay đã nêu rõ: “Những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý thương người như thể thương thân, đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động... Đó là nền tảng và sức mạnh to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng, nhân ái”[2]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục khẳng định: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... ”[3].
Trên cơ sở triết học và tôn giáo học, các nhà nghiên cứu đã nhận thức rằng, vai trò của Phật giáo Ấn Độ đối với các giá trị đạo đức trong bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam được thể hiện ở nhiều giá trị khác nhau; nổi bật nhất là tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước và nhân cách văn hóa:
Một là, Phật giáo Ấn Độ với việc củng cố tinh thần cộng đồng nhà - làng - nước của nền văn hóa truyền thống Việt Nam:
Chúng ta biết rằng, tinh thần cộng đồng làng xã là một nét rất đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong văn hóa truyền thống của người Việt được hình thành từ quá trình sản xuất lúa nước trong vùng địa văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào các con sông và quy luật của thời tiết, biến cố của thiên tai. Vì vậy, người này phải dựa vào người kia để khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Do sản xuất nông nghiệp mà cư dân nông thôn đã sống thành từng làng, từng xã. Mỗi làng, mỗi xã đều có các gia đình huyết tộc tạo thành. Đó là một trong những cội nguồn của tinh thần cộng đồng tạo nên giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Để đối phó với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người Việt đã sớm tìm cách thích ứng và hòa nhập với những điều kiện thiên nhiên ấy. Đồng thời, họ đã liên kết nhau lại để cùng nhau sản xuất và tổ chức đời sống. Cách thức mà người Việt xưa tiến hành đó là: “nền sản xuất đa canh, thực hiện nhiều biện pháp thủy lợi nhằm bảo đảm kết quả cho mùa màng, khai thác triệt để nguồn lợi tự nhiên của nước và rừng... Trong cuộc vật lộn để kiếm sống này, trong cuộc gian lao dựng nước này đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp mà nổi lên là đức tính cần cù, kiên nhẫn, ý thức cộng đồng gắn bó...”[4].
Ý thức cộng đồng như đã nói ở trên, nó thể hiện đậm nét cơ cấu làng xã Việt Nam và phương thức canh tác kiểu làng xã. Làng xã được hình thành trên cơ sở sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước. “Làng, nếu xét thuần túy là một đơn vị hành chính thì tự nó không tạo ra ý thức cộng đồng. Chính điều kiện địa lý, lịch sử, điều kiện xã hội và phương thức sản xuất đã tạo ra ý thức cộng đồng làng xã, qua các thời kỳ lịch sử đã trở thành truyền thống và đạo lý của người Việt Nam”[5].
Chiến đấu với tự nhiên để sản xuất, chung sức người sức của để dựng làng và nếu không chống giặc ngoại xâm thì nước sẽ mất. Mà nước mất là làng xã không còn, và nhà cửa, gia đình sẽ tan nát. Vì thế, trong văn hóa truyền thống của người Việt nhà - làng - nước là một cộng đồng bền chặt. Văn hóa Việt Nam truyền thống là nền văn hóa gắn chặt với cộng đồng gia đình, gia tộc, dòng họ, làng xã và từ đó mở rộng ra cả cộng đồng quốc gia, dân tộc. Văn hóa làng là một mô thức thể hiện văn hóa dân tộc mang tính đặc thù, nó gắn liền với môi trường sinh thái của làng, dân cư và truyền thống lịch sử, từ đó hình thành nên hệ thống các đặc trưng về nếp sống và tâm lý, về tín ngưỡng, về phong tục và lễ hội, các sinh hoạt ăn, mặc, ở, đi lại, các hoạt động văn hóa nghệ thuật... Đặc biệt hội làng là hiện tượng văn hóa tiêu biểu, thể hiện sức mạnh cố kết của cộng đồng làng xã.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, trước nguy cơ dân tộc diệt vong, gia đình tan tác, Phật giáo đã phát huy vai trò của mình trong việc thôi thúc và củng cố mạnh mẽ tinh thần cộng đồng của người Việt. Tư tưởng Phật giáo đã đi vào từng gia đình, củng cố mối quan hệ huyết tộc mạnh mẽ. Người Việt đã cầu thần, cầu Phật và nhờ thần Phật phù hộ độ trì cho gia đình của mình được bình an, thịnh vượng. Ngày lễ Vu Lan của Phật giáo đã củng cố sâu sắc các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái tạo nên chữ Hiếu trong tế bào của cộng đồng làng xã là gia đình. Cộng đồng gia đình, cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam đều gắn liền với tâm thức Phật giáo.
Trước kỷ nguyên độc lập của Đại Việt, Phật giáo là tôn giáo mà nhà nhà, người người đều tôn vinh để củng cố mối quan hệ làng xã và gia đình. Phật giáo Đại Thừa ở Việt Nam với ba phái: Thiền tông, Tịnh độ và Mật tông đều có ý nghĩa phổ quát và đại chúng. Tịnh độ coi trọng không chỉ tự lực, mà còn cả tha lực, do đó nó có khuynh hướng nối kết giữa cá nhân và cộng đồng. Chùa chiền được thiết lập trong mọi làng xã và ở đó là nơi giãi bày tình cảm giữa cá nhân và cộng đồng. Chùa chiền là nơi nhân dân đến cầu phúc và cố kết cá nhân với cộng đồng làng xã. Mặc dù lý thuyết Phật giáo là một lý thuyết rất lạc quan, sống gửi thác về, nhưng một bộ phận khác lại đến để tự vấn lương tâm, cầu đức Phật thiện duyên để sau khi chết không phải sa xuống địa ngục.
Đến kỷ nguyên độc lập, Phật giáo với quan niệm nhập thế đã giúp cho quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng không chỉ gắn bó với nhau bởi tâm linh, mà còn gắn bó với nhau bởi các hành vi thực tế trong đời sống hàng ngày, trong cộng đồng xã hội kể cả những quan niệm về chính trị, kinh tế, văn hóa. Đến thời kỳ này, vai trò của Phật giáo đối với việc củng cố tinh thần cộng đồng của văn hóa Việt Nam phát triển ở tầm quốc gia, quốc sách, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Thời nhà Đinh và nhà tiền Lê đã xây dựng và củng cố chế độ phong kiến tập quyền sau khi đất nước thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, nhà nước phong kiến đã đẩy mạnh tinh thần Phật pháp, củng cố hệ tư tưởng chính thống tạo ra các chuẩn mực liên kết giữa cá nhân và cộng đồng rộng lớn là nhà - làng - nước. Lý tưởng tự do, bác ái, giác ngộ, nhân bản, khoan dung của đạo Phật đi sâu vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong sự phát triển hàng ngàn năm của văn hóa Việt Nam, các danh tăng nhà Phật đã góp công, góp sức tạo nên bản sắc cộng đồng độc đáo của dân tộc. Các danh tăng này là những người đủ tài, đủ đức để vừa phát triển Phật giáo, vừa tạo nên những nét quan trọng của bản sắc văn hóa Việt. Các danh tăng này có hai kiểu dạng: một là, những quốc sư, đại quốc sư không tham gia chính sự; hai là, những chính khách, nhà vua như Trần Nhân Tông. Nhiều đời vua nhà Trần đã nghỉ hưu sớm, truyền ngôi cho con, trở thành tăng sĩ nhưng vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong triều chính.
Hai là, Phật giáo Ấn Độ góp phần vun đắp chủ nghĩa yêu nước của nền văn hóa truyền thống Việt Nam:
Cùng với tinh thần cộng đồng, nền văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành trong hoàn cảnh dựng nước và giữ nước rất đặc biệt. Đó là nền văn hóa của một quốc gia sớm thống nhất, nhưng lại phải trải qua một quá trình gìn giữ độc lập rất gian nan. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước là một giá trị đạo đức nổi trội trong nền văn hóa truyền thống dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước đã phát triển suốt hàng nghìn năm lịch sử, trong đó, Phật giáo dù lúc phát triển rực rỡ, lúc kết hợp trong tam giáo để tạo thành bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng không có lúc quan trọng nào lại thiếu vắng sức mạnh của Phật giáo trong quá trình bảo vệ nền độc lập dân tộc, ngay cả khi Nho giáo hay các hệ tư tưởng khác chiếm ưu thế trong văn hóa Việt Nam.
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của nhân dân ta từ xưa đến nay. Lòng yêu nước có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc. Yêu nước biểu hiện ở khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, là chăm lo xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng chống ách đô hộ và kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. (Xem tiếp phần 3)
[1] Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước: Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, (KX.07), “Nghiên cứu con người, giáo dục, phát triển và thế kỷ XXI”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc tế, H.1995, tr.32-34.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa VII ngày 18-2-1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1995, tr.56.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1996, tr.56.
[4] Hà Văn Tấn và Chử Văn Tần: Văn hóa Việt Nam xã hội và con người, Nxb.Khoa học xã hội, H.2000, tr.115-116
[5] Nguyễn Thị Ngân: Xây dựng ý thức và tình cảm dân tộc chân chính cho con người Việt Nam, Nxb.Lao động, H.2003, tr.51.
* Giảng viên Cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Triết học, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục