Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Phần 3)

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Phần 3)

03:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Phật giáo Ấn Độ và các giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam

PGS, TS Vũ Trọng Dung*

Từ khi đất nước bị xâm lăng, trải qua một nghìn năm đấu tranh chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo là hệ tư tưởng quan trọng kết hợp với hệ tư tưởng làng xã bản địa tạo nên sức mạnh quật khởi giành lại chủ quyền quốc gia, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc. Từ năm 905 đến năm 1009, nền văn hóa dân tộc Việt Nam đứng trước hai áp lực rất lớn: Thứ nhất, sự cạnh tranh của 5 vương triều về các quyền lực chính trị trong nước; Thứ hai, sức ép của nạn ngoại xâm từ phương Bắc luôn muốn đặt lại ách thống trị lên nhân dân ta. Trong thời gian này, tam giáo thực sự đã tồn tại và đồng hành trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, từ triều Đinh đến triều Tiền Lê, thời Lý - Trần, nhân dân cũng như các nhà lãnh đạo, cầm quyền của các vương triều phong kiến ở giai đoạn này đã chọn Phật giáo là hệ tư tưởng chính để phát triển văn hóa dân tộc. Thời kỳ đầu độc lập, khi nhà nước phong kiến còn non trẻ đang dần tự củng cố, Phật giáo với sự phát triển của mình đã đáp ứng nhu cầu là chỗ dựa tinh thần, là công cụ để giai cấp cầm quyền xây dựng và quản lý đất nước. Từ một tôn giáo xuất thế, khi vào Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa của người Việt, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo có tinh thần nhập thế. Vì vậy, Phật giáo thời kỳ này có ý thức về quốc gia, tinh thần bất khuất rất mạnh mẽ. Chính vì những đặc điểm này và những đặc điểm nhân bản khác nữa mà Phật giáo đã nâng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên một tầm cao mới và đã tạo nên những chiến thắng lẫy lừng trong suốt 10 thế kỷ. Chủ nghĩa yêu nước Phật giáo trong giá trị đạo đức truyền thống văn hóa Việt Nam đã phát huy sức mạnh to lớn của nó trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XX, trong điều kiện quá chênh lệch về tương quan lực lượng, dân tộc Việt Nam, với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đã làm nên 10 đại chiến công chống ngoại xâm, liên tiếp trong 10 thế kỷ. Đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lê Hoàn phá Tống lần thứ nhất, Lý Thường Kiệt phá Tống lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn ba lần đại thắng quân Nguyên, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh và Hồ Chí Minh cùng với quân dân cả nước lần lượt đánh bại hai đế quốc là Pháp và Mỹ. Đó là những chiến công hùng vĩ, được tạo nên bởi sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, mãi mãi rạng ngời trên trang sử nước nhà. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ là một giá trị, mà điều quan trọng hơn nữa nó còn là cội nguồn, cơ sở của hàng loạt các giá trị khác, nhất là các giá trị văn hóa. Chủ nghĩa yêu nước là cơ sở của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù, chịu khó, lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời của nhân dân Việt Nam, làm nên cốt cách Việt Nam.Tinh thần ấy, chiến công ấy có sự góp sức thiết thực của Phật giáo.

Thời kỳ nào trong lịch sử, các tăng ni, phật tử với tinh thần đạo pháp dân tộc cũng luôn phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước Đại Việt. Trong suốt 80 năm chống chủ nghĩa thực dân Pháp và 30 năm chống đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước, Phật giáo luôn đồng hành với khát vọng tự do của dân tộc, gìn giữ phẩm giá quốc gia. Vào thời kháng chiến chống thực dân Pháp, các phật tử giác ngộ đã vận dụng tích cực giáo lý nhà Phật vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối rằng: “Phật giáo là nhập thế chứ không phải yếm thế; Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh”[1]. Vào khoảng những năm 1925-1926, thực dân Pháp bắt một số nhà sư đi biểu tình và chất vấn: “Ai xui thầy đi chùa biểu tình?”[2]. Sư Thiện Chiếu đã khảng khái trả lời rằng: “Thuyết từ bi cứu khổ của nhà Phật xui phật tử tham gia những cuộc yêu nước, thương dân chứ không ai xui cả”[3]. Với tinh thần yêu nước, nhiều tổ chức cách mạng của Phật giáo đã ra đời như: Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc. Nhiều sư tăng đã cởi áo cà sa khoác chiến bào ra mặt trận. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền thực dân, phong kiến do các phật tử yêu nước phát động đã được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tư tưởng yêu nước cùng với các cuộc khởi nghĩa do các nhà sư lãnh đạo đã góp phần duy trì phong trào yêu nước của dân tộc. Đến thời kỳ chống đế quốc Mỹ, các phật tử yêu nước đã nhận thức đúng đắn cuộc đấu tranh tư tưởng chính là phản ánh cuộc đấu tranh về chính trị. Họ đã thật sự đặt mình trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng. Những cuộc đối thoại chính trị giữa các tăng sĩ Phật giáo và chính quyền Sài Gòn cùng ngọn lửa tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã mở đầu cho cao trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam những năm 60 của thế kỷ XX. Phong trào cách mạng của đồng bào Phật giáo đã góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

   Chủ nghĩa yêu nước trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam được vun đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc không chỉ trong giữ nước, mà còn thể hiện rõ nét trong việc dựng nước. Sau khi giành được độc lập, Lý Công Uẩn với thao lược và tinh thần yêu nước vĩ đại đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về trung tâm Đồng bằng Sông Hồng, mở ra kỷ nguyên đô thị hóa đất nước, liên tiếp xây dựng một chuỗi đô thị từ đất tổ Hùng Vương - Việt Trì đến Thăng Long - Hà Nội, mở ra vùng Nam Định - quê hương của các danh tướng, danh sư nhà Trần. Chủ nghĩa yêu nước của Phật giáo đã tạo nên một chuỗi đô thị quan trọng trong nền văn minh sông Hồng. Nó tạo dựng nên Hoàng thành Thăng Long Hà Nội - di sản văn hóa thế giới và trở thành nơi hội tụ của nhiều triều đại, tạo nên sự bền vững cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, các thiền sư tuy là người xuất gia tu hành, nhưng lúc nào họ cũng trăn trở với vận mệnh quốc gia dân tộc. Tăng phó Nguyễn Thường khi thấy vua Lý Cao Tông mải mê rong chơi, xa rời việc nước đã khuyên can rằng: “Tôi nghe bài tựa Kinh Thi nói: Âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán, như giận. Nay dân loạn, nước khốn, chúa thượng thì rong chơi vô độ. Triều đình rối loạn, dân tâm ly tán. Đó là triệu chứng mất nước”[4]. Thiền sư Viên Thông thì ân cần chỉ giáo cho vua Thần Tông rằng: “Thiên hạ cũng như bất cứ cái gì, hễ đặt nó vào chỗ an thì an, đặt nó vào chỗ nguy thì nguy. Điều này trông vào hành động của bậc nhân chủ. Nếu đức tôn trọng sự sống của vua mà hợp với lòng dân khiến cho dân yêu, dân mến vua như cha như mẹ, ngưỡng mộ vua như mặt trời, mặt trăng, như thế là đặt thiên hạ vào đúng chỗ an đó. Trị và loạn cũng ở sự dùng người... bậc vua chúa không hưng hay vong đột ngột mà hưng hay vong từ từ tùy theo tính cách thiện hay ác của họ”[5].

Ba là, Phật giáo Ấn Độ với việc tham gia định hướng nhân cách văn hóa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam:

Tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước với tư cách là giá trị đạo đức đã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam và được thể hiện rõ nét, tập trung ở nhân cách văn hóa. Đó là nhân cách văn hóa có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chỉ tự lập tự cường, có tinh thần đoàn kết cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, cần cù lao động, giản dị trong lối sống... Những nhân cách như vậy là kết quả tổng hợp của sự sinh thành lịch sử, nó được thể hiện rất đa dạng, có sự tham gia định hướng của nhiều hệ tư tưởng, trong đó hệ tư tưởng Phật giáo chiếm một vị trí hết sức quan trọng.

   Cùng với Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đã Việt hóa góp phần to lớn hình thành những giá trị đạo đức cho nhân cách văn hóa dân tộc giàu lòng nhân ái, yêu thương con người và sống có tình có nghĩa, giản dị và tiết kiệm. Lòng nhân ái là một giá trị đạo đức trong văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam. Nhân ái nghĩa là yêu thương con người. Lòng nhân ái được hình thành và phát triển trong văn hóa Việt Nam chính trong cuộc sống lam lũ, khó khăn hàng ngày. Họ cảm thấy thương mình và thương những người cùng cảnh ngộ với mình. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, chính tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau đã giúp họ vượt qua hoàn cảnh thực tại. Vì vậy, lòng yêu thương con người “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, cách ứng xử, triết lý sống của con người Việt Nam. Người Việt thường “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “xả thân thành nhân”, yêu nước trước rồi đến yêu nhà sau, thương người trước, thương mình sau. Trong lối sống, người Việt khoan dung cho mọi “kẻ chạy lại” và gìn giữ sự hòa hiếu. Nhân cách văn hóa Việt Nam yêu cái đúng, ghét cái sai, quý trọng cái tốt, căm ghét cái vô đạo đức và đặc biệt mỹ cảm của người Việt vô cùng sâu sắc. Các đức tính này đều được cổ vũ từ các giáo lý từ bi, bác ái, vị tha của nhà Phật.

Các học thuyết giác ngộ và giác tha khuyên mỗi người ăn hiền ở lành, cố gắng liên tục và thường xuyên hãy tự nhận thức và nhận ra cho được bản tính chân thực và siêu nghiệm của bản thân. Trong triết lý nhà Phật, tri thức tìm về bản thân là tri thức tối cao của một nhân cách văn hóa để trước hết là giác ngộ. Hãy nhận thức cho được quy luật của trời đất, sống tiết dục để vượt qua bến mê cập bờ giác ngộ. Phật giáo đã khám phá ra quy luật sinh, lão, bệnh, tử... của cuộc đời. Vì vô minh nên cứ chấp trước về cái ngã. Học thuyết Niết bàn của Phật giáo hướng mọi nhân cách văn hóa giải thoát khỏi vô minh, ngã chấp, duyên nghiệp. Do tu luyện tinh thần và đạo đức mà con người trở nên có phẩm giá được xã hội yêu thương, kính trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma... chúng ta làm theo lòng đại từ, đại bi của Đức Phật thích ca”. Trong diễn văn khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2008 tại Hà Nội vào ngày 14-5-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “... Đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay”.

Với tinh thần đạo pháp dân tộc - chủ nghĩa xã hội, Phật giáo hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với hàng triệu Phật tử, mà còn đối với sự phát triển của đạo đức xã hội trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam hiện nay.


[1] Nguyễn Tài Thư (Chủ biên): Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb.Khoa học xã hội, H.1998.

[2] Nguyễn Hùng Hậu: Phải chăng đó là nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam, Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Trung tâm Khoa học Tín ngưỡng Tôn giáo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[3] Nguyễn Tài Thư (Chủ biên): Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb.Khoa học xã hội, H.1998.

[4] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn học, H.1994, t.2, tr.216.

[5] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn học, H.1994, t.2, tr.216.

Nguồn:

Cùng chuyên mục