Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 2)

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 2)

Với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài (1954-2015), quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế là “xương sống của tất cả quan hệ hợp tác” và là trụ cột thứ hai của cam kết “phát triển toàn diện Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership - SP) giữa hai Chính phủ. Trong quan hệ hợp tác kinh tế, thì hợp tác thương mại là quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài và triển vọng không chỉ là lợi ích chiến lược hôm nay hoặc ngày mai, mà đã được chứng minh trong quá khứ rất lâu dài giữa Việt Nam và Ấn độ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được và những kỳ vọng phát triển trong tương lai, thì quan hệ quan hệ Việt-Ấn nói chung, quan hệ kinh tế - thương mại nói riêng cũng hàm chứa không ít những rào cản đan xen triển vọng. Chính vì vậy, việc nhận diện các rào cản và triển vọng trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Ấn là mục tiêu mà bài viết này hướng đến

06:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng

PGS, TS Phạm Thị Túy*
PGS, TS Phạm Quốc Trung**

(Tiếp theo phần 1)

Hiện với sự vận hành của các nhà máy hóa chất, nhà máy lọc hóa dầu, Việt Nam đang cung cấp khá đa dạng các sản phẩm hóa chất, trong đó một số nhóm sản phẩm có ưu thế như nhóm sản phẩm phân bón, nhóm sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật, nhóm sản phẩm hóa dầu, nhóm sản phẩm hóa dược,… nhưng mặt hàng này đang là một trong những sản phẩm xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam khi trình độ công nghệ hóa chất, hóa dầu ngày càng được đầu tư phát triển trong tiến trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Cùng với công nghiệp hóa chất, lọc hoá dầu, sản xuất xơ sợi các loại cũng là một ngành có tiềm năng, triển vọng trong xuất khẩu. Xuất khẩu mặt hàng này tính đến hết tháng 2/2015, đạt 127 nghìn tấn, tăng 12,4% và trị giá đạt gần 348 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước[1]. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong tháng 1/2015 đạt 6,44 triệu USD[2].

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã có Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester tổng hợp chất lượng cao đầu tiên, đó là Nhà máy Sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ được đầu tư bởi Công ty Cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PV TEX), với mục tiêu trước hết là cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho ngành dệt may trong nước. Sự ra đời của nhà máy này đã mở ra thời kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Từ chỗ phải nhập khẩu 100% nguyên liệu cho ngành dệt may, nay Việt Nam đã có thể tự sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chất lượng.

Sự phát triển của những nhà máy sản xuất loại này, một mặt, mở ra bước phát triển mới cho ngành công nghiệp sợi, mặt khác, góp phần khép kín chu trình sản xuất từ khâu đầu đến khâu sau của ngành dầu khí, bởi sản xuất xơ sợi polyester từ nguyên liệu chính là PTA (axit perephthalic tinh khiết) và MEG (monoethylenglycol), TiO2 (titanium dioxide) vốn là những sản phẩm khâu sau của công nghiệp lọc hóa dầu.

Như vậy, với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, công nghiệp hóa dầu, sản xuất xơ sợi không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, mà quan trọng hơn cho thấy một triển vọng khả quan trong việc thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm hóa chất, xơ sợi tổng hợp.

Thứ tư, gỗ và chế phẩm từ gỗ là một hướng phát triển thương mại Việt - Ấn đầy tiềm năng.

Số liệu thống kê cho thấy, ngành gỗ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ tư trong khối các nước Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan) trong cuộc đua chiếm thị phần xuất khẩu đồ gỗ. Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước[3], song  thị phần đồ gỗ của Việt Nam chưa đạt tới con số 1% thị phần đồ gỗ thế giới, trong khi đó, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới hiện vẫn tăng khá cao. Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào thị trường các nước. Đây là những yếu tố tạo ra lợi thế kinh doanh trên thị trường. Ngoài những lợi thế nêu trên, Việt Nam còn nhiều thế mạnh khác mà chúng ta chưa tận dụng hết. Đó là Việt Nam có nguồn nhân công dồi dào, có các cảng biển trải dài trên địa bàn cả nước, rất phù hợp cho việc vận chuyển những container cồng kềnh, chiếm nhiều chỗ như đồ gỗ. Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, châu Âu gặp khủng hoảng phải thu hẹp sản xuất,... đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ.

Những ưu thế trên cho thấy, xuất khẩu gỗ và chế phẩm từ gỗ của Việt Nam có triển vọng lớn. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này tính đến hết tháng 2/2015 đạt 348 triệu USD sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 13,6%; sang Trung Quốc: 190 triệu USD, tăng 58,1%; sang Nhật Bản: gần 134 triệu USD, tăng 21,8%;… so với cùng kỳ năm 2014[4].

Đối với thị trường Ấn Độ, mặt hàng gỗ và chế phẩm từ gỗ của Việt Nam khá tiềm năng, trong tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đạt mức 4,25 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2014 và với những ưu thế trong xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cùng với những thuận lợi trong quan hệ hợp tác Việt - Ấn, nên triển vọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gỗ và chế phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ là có căn cứ vững chắc.

Thứ năm, cao su, kim loại thường khác và sản phẩm.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thế giới, nhu cầu cao su theo đó sẽ không ngừng gia tăng, trong khi đó diện tích cao su Việt Nam tăng nhanh và năng suất khai thác cao, nhưng sản lượng vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản lượng thế giới.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 năm gần đây. Điểm đáng lưu ý là cơ cấu thị trường xuất khẩu đã chuyển dịch đáng kể khi tỷ trọng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm mạnh từ 62% năm 2011 xuống 48% năm 2012[5]. Do đó, xuất khẩu cao su vào thị trường Ấn Độ có một triển vọng khá rõ nét cả về tiềm năng thị trường lẫn khả năng đáp ứng.

Xuất khẩu kim loại thường và sản phẩm tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu triển vọng vào thị trường Ấn Độ bởi khai thác và chế biến khoáng sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thời điểm tháng 1/2015 đạt mức 11,25 triệu USD tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2014[6]. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)


[1] “Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 02 và 02 tháng năm 2015”, Thống kê Hải quan,  19/03/2015, 3:00 PM, http://www.customs.gov.vn

[2] Tổng cục Hải quan; http://vietnamexport.com/xuat-khau-sang-an-do-thang-dau-nam-2015-tang-truong-kha/vn2524244.html

[4] “Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 02 và 02 tháng năm 2015”, Thống kê Hải quan, 19/03/2015 3:00 PM; http://www.customs.gov.vn

[5] “Cao su tự nhiên tiềm năng trong dài hạn”; https://www.tvs.vn/vn/ban-tin-tvs

[6]Xuất khẩu sang Ấn Độ tháng đầu năm 2015 tăng trưởng khá”; http://chongbanphagia.vn/diemtin

* Trung tâm Khảo thí, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục