Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 3)

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 3)

Với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài (1954-2015), quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế là “xương sống của tất cả quan hệ hợp tác” và là trụ cột thứ hai của cam kết “phát triển toàn diện Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership - SP) giữa hai Chính phủ. Trong quan hệ hợp tác kinh tế, thì hợp tác thương mại là quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài và triển vọng không chỉ là lợi ích chiến lược hôm nay hoặc ngày mai, mà đã được chứng minh trong quá khứ rất lâu dài giữa Việt Nam và Ấn độ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được và những kỳ vọng phát triển trong tương lai, thì quan hệ quan hệ Việt-Ấn nói chung, quan hệ kinh tế - thương mại nói riêng cũng hàm chứa không ít những rào cản đan xen triển vọng. Chính vì vậy, việc nhận diện các rào cản và triển vọng trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Ấn là mục tiêu mà bài viết này hướng đến

06:21 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng

PGS, TS Phạm Thị Túy*
PGS, TS Phạm Quốc Trung**

(Tiếp theo phần 2)

Bên cạnh những triển vọng trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Ấn, mối quan hệ này cũng đang và sẽ phải đối diện với không ít những rào cản, đó là:

  1. Rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản nhập khẩu vào Ấn Độ là rất lớn. 

Trên thực tế, đã có nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nhà nhập khẩu từ chối vì có dư lượng thuốc kháng sinh cao. Mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam là lúa gạo cũng phải đối mặt với những rủi ro tương tự (Nhật Bản đã từng cảnh báo gạo Việt Nam có chứa Acetarmiprid vào năm 2007). Đối với thị trường EU, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ sản phẩm bị từ chối nhập khẩu cao nhất.

Riêng đối với thị trường Ấn Độ, do Chính phủ Ấn Độ có một số chính sách, chủ trương khuyến khích sản xuất trong nước, trước sức ép của nông dân, Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu hoặc thực hiện một số biện pháp rào cản như đã từng áp dụng đối với mặt hàng sợi đàn hồi, điều nhân,… nhập khẩu từ Việt Nam và hiện nay, chính sách này đang được sử dụng một cách đặc biệt đối với mặt hàng nông sản. Khi đó, mặc dù các hợp đồng đã được ký kết, các doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được.

  1. Số lượng các biện pháp bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng 

Hiện nay, trong số các quốc gia sử dụng nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch có Ấn Độ với 101 biện pháp, chỉ sau các nước đứng đầu về số lượng các biện pháp bảo hộ mậu dịch là Argentina với 182 biện pháp và Nga, 172 biện pháp. Với số lượng các biện pháp bảo hộ mậu dịch được sử dụng nhiều thì việc đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ là điều không hề đơn giản cho dù quan hệ Việt - Ấn đang trong thời kỳ tốt đẹp.

(3) Các vụ kiện về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã và sẽ tiếp tục có xu thế tăng

Phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là những phương thức tự vệ phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, chính bởi vậy, các quốc gia xuất khẩu hàng hóa luôn phải đối diện với những rào cản này và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ cũng không là ngoại lệ.  

Một dự báo đáng chú ý là các vụ kiện thương mại tại các thị trường có truyền thống ưa chuộng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như EU, Mỹ có chiều hướng giảm đi hoặc giữ nguyên trong khi các vụ kiện như vậy có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển như Brazil, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập,… Như vậy, khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ sẽ phải đối diện với rào cản này ở mức cao. Do thị trường Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, hơn nữa, một thống kê khác cho thấy, mặc dù số lượng các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại trên thế giới ngày càng giảm, nhưng các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam lại có xu hướng ngày càng tăng. Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần quan tâm.

Không chỉ là nước sử dụng nhiều biện pháp phòng hộ thương mại, Ấn Độ còn là nước sử dụng nhiều nhất các biện pháp chống bán phá giá, với 656 vụ kiện bán phá giá, tiếp đến là Mỹ và EU.

Hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Trước đó, năm 2013, mặt hàng hạt điều của Việt Nam đã bị cảnh báo tại Ấn Độ. Đầu tháng 11/2014, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phát đi cảnh báo nguy cơ Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su thiên nhiên nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam. Chỉ chưa đầy một tháng sau, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) đưa thêm thông tin Hội Nông dân Ấn Độ đang yêu cầu Chính phủ ngay lập tức ban hành lệnh cấm nhập khẩu cao su, thảo quả (bạch đậu khấu) và chè, bởi các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng này tại Ấn Độ đang có khả năng xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. Như vậy, có thể thấy, con đường xuất khẩu một số nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ đang ngày càng khó khăn.

(4) Các sản phẩm bị khởi kiện ngày càng đa dạng và đang hình thành những tiền lệ xấu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Thực tế cho thấy, nếu trước đây chỉ mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, da giầy mới bị kiện, thì nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch chỉ vài chục triệu USD (như lò xo, giường ngủ,…) cũng phải đối mặt với các vụ kiện.

Bên cạnh đó, có không ít vụ kiện là “kiện kép”, chẳng hạn, trong vụ kiện về mặt hàng túi nhựa PE, Mỹ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ việc này có nguy cơ trở thành một tiền lệ xấu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn này, song không ai dám chắc nó không diễn ra ở thị trường khác, trong đó có thị trường Ấn Độ. Chỉ trong vòng hai tháng, Ấn Độ đã có tới 3 quyết định[1] áp thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với hàng hóa Việt Nam. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ đang tốt đẹp và ưu thế thương mại đang nghiêng hẳn về phía Ấn Độ.

(5) Sức cạnh tranh của hàng hóa và hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức thị trường là một rào cản lớn

Rào cản lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung, xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ nói riêng là sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, kinh nghiệm và kiến thức thị trường hạn chế.

Thực tế cho thấy, cơ bản các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều có những hạn chế nhất định về sức cạnh tranh, có thể thiếu đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế về mẫu mã, hoặc chất lượng sản phẩm thấp,… nhất là đối với các hàng hóa nông sản, trong khi đó các thị trường xuất khẩu của ta cũng thiếu bền vững, trong khi trên thế giới, ở hầu khắp các thị trường đều có tính cạnh tranh cao. Điều này đòi hỏi phải cải thiện bằng nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời yêu cầu cao về kinh nghiệm, kiến thức thị trường cũng đặt ra yêu cầu cao về khả năng tài chính, cũng như nguồn nhân lực.

Như vậy, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ không chỉ có thuận lợi mà còn gặp rất nhiều trở ngại mà nếu Việt Nam không nhận thức đầy đủ và không có đối sách kịp thời thì những lợi ích trong mối quan hệ Việt - Ấn vẫn nghiêng về phía bạn.

3. Một số khuyến nghị nhằm tháo gỡ những rào cản trong phát triển kinh tế thương mại Việt - Ấn

Tổng quan về rào cản trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Ấn cho thấy, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện mới đạt được kỳ vọng mà Việt Nam mong đợi. Song, trong khuôn khổ bài viết này, các kiến nghị được đề xuất cơ bản gắn với việc tháo gỡ những rào cản đã nêu, cụ thể như sau:

Một là, nguyên tắc quan trọng trong giao thương là “biết người, biết mình”, vậy nên để có thể thu được thắng lợi trong cạnh tranh phải xác định rõ đối thủ/đối tác của mình là ai, trong quan hệ đó những “quy tắc/ luật chơi” phải tuân thủ là gì? Vì vậy, hiểu biết một cách sâu sắc thị trường, cơ chế, chính sách kinh tế - thương mại của Ấn Độ là một yêu cầu bắt buộc.

Hai là, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm bằng việc xây dựng chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu. Hoàn thiện hơn cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng theo các chuẩn chất lượng quốc tế.

Ba là, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chủ động trong xử lý các tình huống thương mại, chẳng hạn trong trường hợp phía Ấn Độ áp dụng các biện pháp rào cản cần tích cực phối hợp với hiệp hội ngành nghề và cơ quan chức năng để tham gia điều trần, cung cấp dữ liệu điều tra,…

Bốn là, biện pháp phòng tránh tốt nhất với các vụ kiện là tăng xuất khẩu hàng có chất lượng cao, có cơ chế dự báo theo dõi thường xuyên sản xuất ở nội địa nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ bị kiện. Việc tuyên truyền, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về thương mại liên quan đến sản phẩm, thu thập thông tin về ngành sản xuất ở nội địa để cảnh báo nguy cơ cần thực hiện thường xuyên, liên tục. 

Năm là, tổ chức kênh thông tin tốt hơn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời về các rào cản môi trường trong xuất khẩu.

Sáu là, việc chủ động liên kết giữa các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Các hiệp hội cần đẩy mạnh hoạt động nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp, giúp đỡ những doanh nghiệp còn non yếu cùng nâng cao năng lực đối phó với các rào cản thương mại môi trường. 

Với mọi quốc gia tham gia hội nhập, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận “luật chơi” và “cách chơi”, với mỗi chủ thể tham gia cuộc chơi, việc nắm vững luật chơi, cách chơi là điều cần thiết đầu tiên, hơn thế nữa, phải luôn nhận thức và có điều chỉnh kịp thời những bất cập, những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, phát hiện những cơ hội kinh doanh, đó là điều vô cùng quan trọng để tồn tại và phát triển. Trong điều kiện quan hệ ngoại giao thuận lợi, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Ấn chỉ phát huy hiệu quả khi mỗi bên đều nhận thức đầy đủ lợi thế cũng như những trở ngại của mình.

Tài liệu tham khảo

1. Bản tin xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương.

2. Thống kê xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan.

3. Bản tin Thương vụ, Bộ Công thương năm 2013, 2014, 2015.


[1]“Hàng Việt Nam trong “cuộc chiến” với rào cản thương mại quốc tế”; http://www.tapchicongsan.org.vn

* Trung tâm Khảo thí, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục