Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Ấn trên cơ sở giá trị văn hóa chung của hai dân tộc (Phần 1)

Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Ấn trên cơ sở giá trị văn hóa chung của hai dân tộc (Phần 1)

Trên cơ sở phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ để làm rõ mục tiêu của Ấn độ trong quan hệ quốc tế hiện nay và trong tương lai, bài viết này mong muốn góp phần làm rõ việc phát triển quan hệ Việt-Ấn một cách bền vững và lâu dài không chỉ dựa trên lợi ích của mỗi quốc gia trên phương diện vật chất mà cần phải dựa trên cơ sở tăng cường sự hiểu biết các giá trị văn hóa của hai dân tộc.

02:15 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Ấn trên cơ sở giá trị văn hóa chung của hai dân tộc
                                                                                                                                 

                                                                                                          PGS.TS. Phạm Hồng Chương*

1. Với vị thế địa chính trị của một quốc gia lớn ở Nam Á và trên thế giới, với dân số đông thứ hai và kinh tế đang phát triển mạnh và đang hướng tới việc tham dự mạnh mẽ vào đời sống quốc tế, trước sự thay đổi rất đa dạng của quan hệ quốc tế dưới tác động không cưỡng được của tiến trình toàn cầu hóa, Ấn Độ đang có những vận động mới mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của mình nhất là với các nước lớn nhất là đối với Mỹ, Trung Quốc nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội ở trong nước.

Sau 20 năm đổi mới và phát triển, 40% GDP của Ấn Độ trong giai đoạn ngày này phụ thuộc vào thương mại quốc tế nên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong tương lai, Ấn Độ cần một khối lượng khổng lồ năng lượng nhập khẩu và tài nguyên khoáng sản nhằm duy trì mức tăng trưởng kinh kế cao độ và đáp ứng đời sống xã hội của nhân dân. Mặt khác, Ấn Độ không thể phát triển nếu không có những đóng góp thiết thực và cụ thể trong việc điều chỉnh các vấn đề của thế giới, đồng thời, những vấn đề của thế giới cũng trực tiếp thúc đẩy Delhi phát triển mọi mối quan hệ đa phương trên toàn thế giới. Để trở thành một cường quốc đáng tin cậy và hành động hiệu quả Ấn Độ cho rằng, quá trình đa phương hóa các mối quan hệ phải trở thành tiêu biểu trong giai đoạn ngày nay và cần phải tính đến những thay đổi trong việc phân chia lại các vị thế quyền lực trên toàn cầu. Bởi vậy, Ấn Độ đã cố gắng xây dựng những chuẩn mực quốc tế và đưa những chuẩn mực đó vào các hoạt động đời sống thực tiễn.

Từ những yêu cầu trên, trên cơ sở vị thế địa chính trị của mình, nhìn tổng thể có thể thấy chính sách đối ngoại của Ấn Độ đang và sẽ thực hiện đồng thời ba vòng tròn đối ngoại lấy lợi ích của Ấn Độ làm tâm, bao gồm:

Một là, khẳng định vi thế của Ấn Độ trên cơ sở hướng tới thành lập một khu vực hòa bình và thịnh vượng trong tiểu vùng Nam Á. Điều đó có thể thấy những nỗ lực tích cực của Ấn Độ trong việc đưa ra định hướng hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực, cũng như với các cường quốc thế giới nhằm mục đích chiến thắng chủ nghĩa cực đoan bạo lực của khu vực phía Tây Bắc của tiểu vùng Nam Á này. Trước hết là nỗ lực để bình thường hóa quan hệ với Pakistan và cam kết hỗ trợ trong việc xây dựng và phục hồi lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá ở Afghanistan thể hiện trong Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược với nước này được ký vào năm 2012. Đây là một phần của tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ với mục đích duy nhất, đạt được sự ổn định chính trị, phát triển và hiện đại nền hóa kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế ở khu vực phía tây của châu Á. Ngoài ra, Ấn Độ đã đơn phương mở cửa thị trường của mình cho các quốc gia láng giềng trên tiểu vùng Tây Bắc, làm động lực cho sự phát triển và ổn định của Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và quần đảo Maldives. Ấn Độ đã thể hiện ý chí chính trị của mình trong quyết tâm dẫn dắt tiểu vùng Nam Á lấy mình là trọng tâm theo hướng hòa bình.

Hai là, Ấn Độ khẳng định vị thế của mình trong việc thiết lập một cấu ​​trúc ổn định cho hòa bình và hợp tác trong khu vực châu Á là vòng đồng tâm thứ hai trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là vấn đề có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử Ấn Độ từ đầu thế kỷ XX và đặc biệt là những đóng góp của Ấn Độ trong việc xây dựng một thể chế bền vững cho hòa bình và hợp tác hữu nghị với 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực an ninh, ổn định trật tự chính trị toàn diện ở Châu Á và tìm kiếm giải pháp cho sự cân bằng lợi ích của các cường quốc lớn.

Ba là, Ấn Độ khẳng định vị thế địa chính trị trong việc tham gia vào những vấn đề có tính toàn cầu. Trước sự gia tăng mạnh mẽ các tranh chấp lãnh thổ trên các đảo nhỏ và quần đảo đe dọa an ninh vùng biển châu Á với sự phô trương không dấu diếm trong chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc, trước quyết định xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ và chính sách hướng động của Nga đã chỉ rõ những căng thẳng trong quan hệ quốc tế giữa các nước trong khu vực châu Á, Ấn Độ đã hợp tác với Mỹ về những vấn đề an ninh hàng hải và nêu lên ý tưởng hợp tác ba bên Washington - Bắc Kinh - Delhi và mối quan hệ Delhi - Mátcơva - Bắc Kinh. Đồng  thời với những tính toán trên là việc gia nhập nhóm BRICS nhằm thông qua sự hợp tác quốc tế của các nước lớn được Ấn Độ xem như một chìa khóa để khẳng đinh vị thế của mình trong việc cân bằng giữa các nước lớn để từng bước nâng cao vị thế của Ấn Độ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Những cuộc thảo luận sôi nổi về những nét đặc trưng mới mà Ấn Độ phải có được như một cường quốc có trách nhiệm trong thế kỷ XXI đã biểu lộ mong muốn của Ấn Độ trong tương lai. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)

* Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục