Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 1)

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 1)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được Thủ tướng hai nước ký nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 7/2007 đã nâng quan hệ Việt - Ấn lên mức cao nhất giữa hai quốc gia. Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột then chốt của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn.

02:54 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng

Đỗ Thắng Hải*

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển lên những tầm cao mới. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharla Nehru đã khẳng định tình hữu nghị thủy chung của hai dân tộc. Đến những năm 1990 trở lại đây, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, mối quan hệ đó nếu trước kia chủ yếu về chính trị thì giờ đây đã được mở rộng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng. Những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc mở rộng quan hệ hai nước trong giai đoạn này xuất phát từ lợi ích mỗi quốc gia trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập để phát triển kinh tế, với Việt Nam là công cuộc “Đổi mới” từ năm 1986 và với Ấn Độ là “Chính sách Hướng đông” từ năm 1991.

Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hai nước được nâng tầm toàn diện với Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2003. Tiếp đó, Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được Thủ tướng hai nước ký nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 7/2007 đã nâng quan hệ Việt - Ấn lên mức cao nhất giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột then chốt của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước ở tầm vĩ mô, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại, Việt Nam đang luôn là đối tác ưu tiên hàng đầu trong "Chính sách Hướng Đông"của Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khu vực Nam Á.

I. QUAN HỆ KINH TẾ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

1. Quan hệ thương mại

Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương không ngừng phát triển.  Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều tăng từ 2,48 tỷ USD năm 2008 lên mức 5,59 tỷ USD năm 2014.         

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Ấn Độ 2008-2014

Đơn vị: triệu USD

Kim ngạch 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
Xuất khẩu sang Ấn Độ 389 420 993 1.553 1.782 2.355 2.46
Nhập khẩu từ Ấn Độ 2.094 1.635 1.746 2.347 2.161 2.834 3.13
Kim ngạch hai chiều 2.483 2.055 2.739 3.9 3.943 5.089 5.59
Cán cân thương mại -1.705 -1.215 -753 -794 -379 -479 -670

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực, từ hàng nông sản, nguyên liệu phục vụ sản xuất sang phẩm hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ có kim ngạch lớn hiện nay gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, cao su, hóa chất, cà phê, hạt tiêu, sợi, sản phẩm kim loại, gỗ, giày dép, hải sản, dệt may…
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,46 tỷ USD. Ấn Độ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực các nước Nam Á.                               

Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014

Đơn vị tính: triệu USD

STT Mặt hàng Kim ngạch
1 Điện thoại di động và linh kiện 890
2 Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 226
3 Cao su 159
4 Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 153
5 Hóa chất 97
6 Cà phê 83
7 Hạt tiêu 77
8 Sợi các loại 76
9 Sản phẩm kim loại thường 59
10 Gỗ 55
11 Hương (nhang) 55
12 Quế 43

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Về nhập khẩu, năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 3,13 tỷ USD. Cơ cấu hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và chăn nuôi trong nước với các mặt hàng chính hiện nay là hàng hải sản, máy móc thiết bị, tân dược, bông, sắt thép, thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, chất dẻo, xăng dầu, hóa chất, sợi, vải, ô tô, đá quý…  (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)

*Thứ trưởng Bộ Công thương

Nguồn:

Cùng chuyên mục