Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 2)

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 2)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được Thủ tướng hai nước ký nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 7/2007 đã nâng quan hệ Việt - Ấn lên mức cao nhất giữa hai quốc gia. Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột then chốt của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn.

02:52 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng

Đỗ Thắng Hải*

Cơ cấu hàng nhập khẩu từ Ấn Độ năm 2014

Đơn vị tính: triệu USD

STT Mặt hàng Kim ngạch
1 Hàng hải sản 353
2 Máy móc, thiết bị và phụ tùng 291
3 Tân dược 267
4 Bông các loại 266
5 Ngô hạt thuộc mã 1005 213
6 Sắt thép các loại 205
7 Thức ăn gia súc và nguyên liệu 138
8 Nguyên phụ liệu dệt may, da giày 119
9 Chất dẻo nguyên liệu 117
10 Xăng 102
11 Hóa chất 85
12 Sợi các loại 77

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đã có môi trường pháp lý thuận lợi hơn khi Ấn Độ đã chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ sau nhiều nỗ lực vận động của phía Việt Nam, góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của ta tiến sâu hơn vào thị trường Ấn Độ nơi có nhiều hàng rào bảo hộ cũng như thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.Trong trao đổi thương mại với Ấn Độ, cán cân thương mại hiện vẫn đang nghiêng về phía nước này, tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, mức thâm hụt thương mại đang có chiều hướng thu hẹp. Năm 2008, mức thâm hụt là 1,7 tỷ USD thì tới năm 2013 chỉ ở mức 670 triệu USD. Ngày càng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ như điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, phôi thép…bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như hạt tiêu, cao su, giày dép…sẽ góp phần từng bước thu hẹp cán cân thương mại trong thời gian tới.

Công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Ấn Độ cũng được quan tâm chú ý đẩy mạnh. Một số chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia như tham dự hội chợ, tổ chức đoàn giao thương tại Ấn Độ, hội thảo giới thiệu thị trường Ấn Độ cho các doanh nghiệp trong nước được tiến hành trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước.  

Để  thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả những phát sinh vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương cũng như phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020 như cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ Công Thương đã tiến hành thành lập Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ và tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2013, và Kỳ họp lần hai vào tháng 1 năm 2015.

Với đà phát triển như hiện nay cùng với việc hai nước tiếp tục giảm sâu thuế nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa (AITIG) trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ, thương mại song phương chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.

2. Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước không ngừng được củng cố và từng bước mở rộng. Nhiều ngành, lĩnh vực của hai nước có nhiều triển vọng như dệt may, da giày, hóa chất đã có những hợp tác cụ thể, thiết thực.

a. Hợp tác trong lĩnh vực dệt may

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng dệt may gồm sợi, nguyên phụ liệu, vải, vải kỹ thuật, sản phẩm dệt may trị giá 121 triệu USD, tăng 30% so với năm 2013. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may và sản phẩm may mặc từ Ấn Độ trị giá 518 triệu USD, tăng 22,5% so với năm trước. Ấn Độ trở thành nhà cung cấp lớn về mặt hàng bông sợi các loại cho Việt Nam với kim ngạch năm 2013 khoảng 190 triệu USD và năm 2014 khoảng 266 triệu USD. Thương mại dệt may đạt tổng trị giá 639 triệu USD, chiếm 11% trong tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2014.

Tiềm năng của thị trường Ấn Độ trong vai trò là thị trường nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất dệt may là rất lớn. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa AITIG, đa số các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, bông, vải, sợi đều nằm trong danh mục cắt giảm thuế thông thường, tuân theo lộ trình cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam (các mặt hàng này sẽ có mức thuế nhập khẩu là 0% vào đầu năm 2018).

Nhằm tăng cường hợp tác dệt may giữa hai nước, Chính phủ Ấn Độ đã dành khoản tín dụng trị giá 300 triệu USD cho Việt Nam nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 10/2014. Hai bên cũng đã thành lập Nhóm công tác chung về dệt may để đề xuất lộ trình và các dự án hợp tác đầu tư và thương mại dệt may cụ thể giữa hai nước. Theo đó, ta khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư vào ngành dệt, nhuộm; hợp tác với các nhà xuất khẩu bông, sợi, vải để mở kho ngoại quan tại Việt Nam nhằm rút ngắn thời gian nhập khẩu phục vụ sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm.

b. Hợp tác trong lĩnh vực sản xuất điện  

Tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao Tập đoàn TATA Power của Ấn Độ làm chủ đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 với công suất 2x600 MW tại tỉnh Sóc Trăng theo hình thức BOT. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 20 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương và Tập đoàn TATA đã ký Bản ghi nhớ (MoU) thống nhất tiến độ triển khai thực hiện dự án. Việc Việt Nam đồng ý để Tata Power tham gia đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 được phía Ấn Độ rất quan tâm và đánh giá cao.

c. Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí

Ấn Độ coi trọng phát triển hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã tham gia nhiều dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí với Petro Việt Nam, chẳng hạn dự án khai thác khí đốt mỏ Lan Đỏ và mỏ Lan Tây, dự án khai thác Lô 127 và Lô 128 dọc theo bờ biển phía Đông của Việt Nam và phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn Essar hợp tác với Petro Việt Nam cùng khai thác Lô 114. Bên cạnh đó, hai bên cũng phát triển hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước thứ 3 theo thỏa thuận ký giữa ONGC và PVEP. Một số công ty khác của Ấn Độ như International Manpower Resources, Larsen và Turbo Ltd, Thermax Babcock và Wilcox, Ion Exchange …cũng bày tỏ mong muốn hợp tác trong việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, quản lý và chuyên gia, thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí.

Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, hóa dầu và dịch vụ, nhiều công ty của Ấn Độ (như Larsen và Turbo., Ltd) cung cấp nhiều thiết bị quan trọng cho các dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Cà Mau. Công ty Alfa Laval đang tham gia với vai trò là thành viên trong liên doanh nhà thầu EPC xây dựng nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Quảng Ngãi và Phú Thọ với công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít cồn nhiên liệu/năm, sử dụng nguyên liệu sắn. Công ty thiết kế Aker Solution là nhà thầu phụ thiết kế FEED cho hai dự án nói trên. Ngoài ra, Công ty PRAJI tham gia thiết kế FEED và cung cấp giải pháp công nghệ cho dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Hiện tại, hai Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và nhiên liệu sinh học Bình Phước đều đã được đưa vào vận hành.

d. Hợp tác đầu tư

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 12 năm 2014, Ấn Độ có 87 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 298 triệu USD, đứng thứ 30 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Đầu tư của Ấn Độ tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, chế biến nông sản và thực phẩm, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, dầu khí, điện năng... (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)

* Thứ trưởng Bộ Công thương.

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục