Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 4)

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng (Phần 4)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn được Thủ tướng hai nước ký nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ tháng 7/2007 đã nâng quan hệ Việt - Ấn lên mức cao nhất giữa hai quốc gia. Mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép hai bên mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột then chốt của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn.

02:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Ấn Độ: Những rào cản và triển vọng

Đỗ Thắng Hải*

c. Sự chủ động của doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm nhiều đến thị trường Ấn Độ. Doanh nghiệp ít chủ động khảo sát thị trường và tham gia các triển lãm ngành hàng để tiếp cận khách hàng mà vẫn xuất khẩu qua trung gian. Hiểu biết về thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng, khả năng đàm phán giao dịch hợp đồng ngoại thương, nắm bắt phong tục tập quán kinh doanh còn hạn chế là những rào cản cơ bản để doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thị trường. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, có trình độ không cao, thiếu tính chuyên nghiệp về thương mại quốc tế nên thường bị thiệt thòi khi giao dịch với doanh nghiệp Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo tương đối tốt ở trong và ngoài nước.

Trong khi tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thì doanh nghiệp Ấn Độ đã khá năng động và chủ động thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện đã có hơn 100 văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ấn Độ tại thị trường Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu hàng hoá, đầu tư.

2. Triển vọng phát triển quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Với vị trí của trung tâm trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mêkông, Việt Nam là đối tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Với dân số trên 1,2 tỷ dân, có sức mua lớn thì Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nền kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, hai nước sẽ có thêm nhiều động lực hợp tác, không chỉ trong thương mại mà còn có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, du lịch, hàng không, y tế, giáo dục... Thông qua đó sẽ tiếp tục tăng cường cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước và trong khu vực.

Trong thời gian tới, khi mức thuế xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục được cắt giảm theo lộ trình, sẽ có nhiều lợi thế về thuế do Hiệp định mang lại. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng thuế 0-7% tại thị trường Ấn Độ và do cách tính thuế của Ấn Độ, hàng hoá của Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Một tác động tích cực nữa đó là cùng với Hiệp định và việc Ấn Độ đã chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên, góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của ta vào thị trường Ấn Độ nơi có nhiều hàng rào bảo hộ và thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Bên cạnh AITIG, Việt Nam và Ấn Độ cũng tham gia ký kết Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Hiệp định Đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ. Các hiệp định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2015 sẽ đem lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng, Ấn Độ là một trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại lớn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính Việt Nam cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm vận tải, bảo hiểm cháy nổ. Trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin truyền thông, do đây là dịch vụ có thế mạnh hàng đầu của Ấn Độ, ta có thể khai thác một số yếu tố khá quan trọng trong lĩnh vực này từ Ấn Độ như an ninh mạng, công nghệ không gian và khả năng liên doanh cho doanh nghiệp thông tin – truyền thông. Ngoài ra, ta có thể tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực dịch vụ y tế do nước này có ngành dịch vụ y tế khá phát triển với công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, có thể so sánh với những quốc gia phát triển nhưng giá thấp hơn rất nhiều. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn nhu cầu dịch vụ y tế trong nước ngày càng tăng.

Cùng với đó, Việt Nam và Ấn Độ đang cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) giữa các nước ASEAN và 6 nước đối tác FTA của ASEAN (trong đó có Ấn Độ). RCEP đã được tuyên bố khởi động đàm phán tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11/2012. Qua các vòng đàm phán, một số nội dung đã đạt được sự đồng thuận như: ASEAN và các đối tác đã thành lập 3 nhóm công tác về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực thuộc Ủy ban Đàm phán, xây dựng được các tài liệu phạm vi cho các nhóm để định hướng đàm phán, thảo luận ban đầu về cơ cấu của các chương và việc trao đổi dữ liệu giữa các bên, xác định được lộ trình đàm phán để hướng tới mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015. Một nội dung đáng chú ý khác đó là, về cơ bản, mỗi nước sẽ chỉ có một biểu cam kết (cắt giảm thuế/dịch vụ/đầu tư) dành cho tất cả các nước còn lại trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Tuy nhiên, các bên có thể đàm phán một số cam kết riêng với phạm vị hạn chế.

Để mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả hơn, trong đó trụ cột then chốt là mối quan hệ kinh tế - thương mại, cần có sự quan tâm thường xuyên của Lãnh đạo hai nước, cần phát triển những chương trình nghiên cứu và hợp tác cụ thể, tăng cường giao lưu cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan hữu quan nhằm trao đổi thông tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Trong nước, cần có những chương trình tuyên truyền rộng rãi về những cơ hội mà các Hiệp định giữa ASEAN - Ấn Độ đem lại, tăng cường hiểu biết về thị trường của doanh nghiệp trong nước cũng như phát triển các dự án có tính chiến lược nhằm xây dựng năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là xương sống của nền kinh tế hai nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng có thể thấy rằng, mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn không ngừng tiến triển và đạt được nhiều thành quả to lớn. Với đà phát triển như vậy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lại chắc chắn sẽ có những bước đột phá quan trọng, xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược, đáp ứng mong mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước.

*Thứ trưởng Bộ Công thương.

Nguồn:

Cùng chuyên mục