Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 1)

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 1)

03:47 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Phạm Thị Khanh*

1. Bản chất và vai trò của phát triển thương mại bền vững

1.1. Bản chất của phát triển thương mại bền vững

Thương mại có nghĩa là kinh doanh, hay cụ thể hơn, đó là hoạt động trao đổi - mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm mục tiêu lợi nhuận. Chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường là người mua và người bán, theo luật định. Nếu các chủ thể trong một quốc gia có quan hệ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với đối tác nước ngoài được gọi là thương mại quốc tế.

Thương mại bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, chủ yếu là: trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ,…

Phát triển thương mại là sự tăng tiến về mọi mặt của hoạt động thương mại, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng - quy mô, tốc độ; sự dịch chuyển về cơ cấu thương mại hàng hóa, dịch vụ và nâng cao về chất lượng của thương mại trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ,…). Mục đích cuối cùng của phát triển thương mại là không ngừng gia tăng lợi ích từ các hoạt động thương mại.

Theo đó, phát triển thương mại bền vững là sự tăng trưởng cao (hợp lý), ổn định, dài hạn cả về về quy mô, tốc độ của các hoạt động thương mại gắn với sự dịch chuyển về cơ cấu và nâng cao về chất lượng của các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ. Phát triển thương mại đảm bảo kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.

Như vậy, nội hàm của phát triển thương mại bền vững bao gồm:

+ Phát triển thương mại bền vững phải có tăng trưởng hay sự gia tăng cao (hợp lý), ổn định, dài hạn về quy mô, tốc độ của các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ. Kết quả của tăng trưởng thương mại hàng hóa, dịch vụ có đóng góp tích cực vào phát triển bền vững về kinh tế, có tác động đến chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại, tiên tiến - phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Phát triển thương mại tất yếu phải sử dụng các nguồn lực vật chất (vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ) và nguồn lực phi vật chất (truyền thống, lịch sử, văn hóa,…) đảm bảo cho việc sử dụng nguồn lực cho phát triển thương mại hiện tại không cản trở hay ảnh hưởng gì đến việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển thương mại của các thế hệ tương lai.

Trong thương mại quốc tế, biểu hiện của phát triển thương mại bền vững, một mặt, thể hiện ở chỗ cán cân thương mại quốc tế phải đảm bảo tính cân bằng giữa xuất khẩu - nhập khẩu, không dẫn đến nhập siêu mà các hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ,… thu được ngày càng nhiều ngoại tệ, gia tăng nhanh tích lũy ngoại tệ cho nền kinh tế,… Mặt khác, thương mại quốc tế phải có đóng góp tích cực vào thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng (nền kinh tế sử dụng chủ yếu các yếu tố truyền thống - tài nguyên thiên nhiên thô, lao động giá rẻ mà không đi kèm với tiến bộ khoa học - công nghệ) sang chiều sâu (nền kinh tế sử dụng kỹ thuật - công nghệ cao, lao động chất lượng cao gắn với tiến bộ khoa học - công nghệ).

+ Phát triển thương mại bền vững về xã hội phải gắn kết với đảm bảo tạo mở việc làm có giá trị gia tăng cao, điều kiện làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, môi trường sống đảm bảo,… Đồng thời, không ngừng gia tăng thu nhập cho người lao động trong các hoạt động thương mại gắn kết với đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo thông qua các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ,…

+ Phát triển thương mại bền vững về môi trường đảm bảo tất cả các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ phải gắn kết với đảm bảo giữ gìn không khí trong lành, xử lý chất thải rắn. Đặc biệt là các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn môi trường đất, nước…; đảm bảo sức khỏe cộng đồng,…

Trong thương mại quốc tế, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các nước đang phát triển, nhất là các nước đang phát triển ở trình độ thấp phải tuân thủ pháp luật của các hiệp định thương mại song phương và đa phương, tránh nhập khẩu các hàng hóa, với tư cách là máy móc, thiết bị hình thành bãi rác công nghệ của các nước phát triển. Hoặc nhập khẩu các sản phẩm là thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Trong tiến trình thúc đẩy các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ, các quốc gia đang phát triển không chỉ chú trọng bảo đảm an ninh trong nhập khẩu hàng hóa dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu dùng mà còn cần chú trọng đến bảo đảm an ninh, quốc phòng của quốc gia,…

Phát triển thương mại bền vững về kinh tế là rất quan trọng và là điều kiện cần để phát triển thương mại bền vững về xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng. Bởi vì phát triển thương mại bền vững về kinh tế sẽ tạo ra nguồn lực vật chất hiện hữu để giải quyết các vấn đề cả về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. (Xem tiếp phần 2)


* Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục