Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 2)

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 2)

03:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS Phạm Thị Khanh*

1.2. Vai trò của phát triển thương mại bền vững

- Phát triển thương mại bền vững góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao (hợp lý), liên tục, ổn định và dài hạn.

Bản chất của thương mại là hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, phát triển thương mại bền vững sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hiệu quả. Thông qua đó, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; các hoạt động đầu tư; sở hữu trí tuệ được tăng cường, có tác động tích cực đến sản xuất trong nước, tạo ra ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, sản xuất hàng hóa, dịch vụ gia tăng, có chất lượng sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Qua đó ngày càng tạo mở việc làm, gia tăng thu nhập, kích thích người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.

- Phát triển thương mại bền vững góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu kinh tế.

Phát triển thương mại, nhất là phát triển thương mại quốc tế chính là thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư,…

Thông qua các hoạt động xuất khẩu, tiếp nhận đầu tư trực tiếp các quốc gia nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhất là máy móc, thiết bị hiện đại; các dịch vụ tiên tiến từ nước ngoài góp phần vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế lạc hậu, sử dụng chủ yếu là công nghệ lạc hậu, lao động giá rẻ, tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên,… sang sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Có nghĩa, hoạt động nhập khẩu, đầu tư đã tham gia trực tiếp vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của quốc gia từ chiều rộng là chủ yếu sang chiều sâu.

Một khi quốc gia thực hiện nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; thu hút và hấp thụ hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiếp thu khoa học - công nghệ cao thông qua máy móc thiết bị, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành công là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế cất cánh.

- Phát triển thương mại bền vững góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mở việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua các hoạt động thương mại hiệu quả, bền vững sẽ tạo lập cho nền kinh tế hình thành được nguồn nhân lực có chất lượng, tiến tới phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tham gia vào quá trình sản xuất - là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, phát triển thương mại bền vững sẽ ngày càng tạo ra chỗ làm việc mới, có giá trị gia tăng cao; gia tăng thu nhập cho người lao động.

Khi nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, của cải làm ra ngày càng nhiều. Thành quả của tăng trưởng tác động đến gia tăng thu nhập cho người lao động; tạo điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

- Phát triển thương mại bền vững góp phần đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ thảm động, thực vật (rừng, động vật hoang dã,…) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển thương mại bền vững đặt trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các hoạt động thương mại đều phải tuân thủ luật pháp của quốc gia với những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, gắn với hạn chế, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, động vật hoang dã, bảo vệ thảm thực vật, môi trường sống,…

Đặc biệt, với việc cam kết của các quốc gia trong các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất hướng đến mục tiêu phát triển bền vững góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thông qua các cam kết song phương và đa phương trong các Hiệp định Thương mại tự do - FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, phải tuân thủ, đảm bảo các các tiêu chí, tiêu chuẩn của phát triển thương mại bền vững, nhất là việc truy xét nguồn gốc của các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp,… xuất khẩu là một trong những nguyên tắc bắt buộc đã thúc đẩy phát triển thương mại bền vững nói riêng, phát triển nền kinh tế bền vững nói chung.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại bền vững tạo lòng tin chiến lược trong xuất khẩu, nhập khẩu giữa các quốc gia, thúc đẩy bảo đảm an ninh, trật tự của quốc gia, khu vực và quốc tế.

2. Khái quát về tình hình phát triển thương mại Việt Nam và Ấn Độ theo hướng bền vững

2.1. Những kết quả đạt được

Kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972), phát triển thành đối tác chiến lược (7/2007) và trở thành đối tác chiến lược toàn diện (9/2016), thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ từng bước khởi sắc. Hệ thống chính sách, pháp luật về thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang xây dựng, đổi mới, hoàn thiện theo hướng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, nhất là phát triển hạ tầng sử dụng công nghệ hiện đại vào phát triển thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được mở rộng và tăng cường,… Vì vậy, những kết quả đạt được trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được củng cố và tăng cường.

- Kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng gia tăng, thể hiện rõ nhất trong xuất khẩu - nhập khẩu. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ xếp thứ 15 và đồng thời, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lớn thứ 10 của Việt Nam.

 Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng lên khá nhanh từ 1,01 tỷ USD (2006) lên 2,74 tỷ USD (2010), đạt 5,4 tỷ USD (2016). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 8,8% và  nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ vào Việt Nam trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm 2015. Năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt ở mức cao 7,5 tỷ USD[1].

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ khá đa dạng, phong phú. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh cả về sản lượng cũng như chất lượng, phẩm cấp hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ là hàng nông sản, lâm sản, thủy sản; sắt thép, điện thoại và linh kiện điện thoại, than đá, chất dẻo,… Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 992 triệu USD vào năm 2010 đã tăng lên 2,4 tỷ USD năm 2014,…

+ Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu giữa hai nước ngày càng được đa dạng hóa, phong phú, dựa trên nền tảng lợi thế so sánh của Việt Nam và Ấn Độ

Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, cơ cấu ngành hàng giữa hai nước cũng có sự thay đổi rất khả quan. Nếu như thương mại Việt Nam - Ấn Độ phụ thuộc vào ba mặt hàng chính: Thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm (Việt Nam nhập khẩu), thì hiện nay, cơ cấu mặt hàng thương mại giữa hai nước đã có sự dịch chuyển theo hướng tiến bộ, thậm chí phát triển cả sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn như: thiết bị điện tử, điện thoại di động, linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ô tô,… Hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và chăn nuôi trong nước với các mặt hàng chủ lực là hải sản các loại, máy móc, thiết bị, tân dược, bông, sắt thép, thức ăn gia súc,...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động đầu tư phát triển tại Việt Nam[2]. Rõ nhất là việc Ấn Độ triển khai các hoạt động tìm kiếm thăm dò, chế biến dầu khí, hóa dầu và dịch vụ liên quan khác. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã tiến hành ký kết và triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên cơ sở phân chia sản phẩm tại một số lô khai thác tại Biển Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, giữa hai tập đoàn cũng đã ký Biên bản ghi nhớ và đang triển khai hợp tác trong việc tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ ba.

+ Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường và đầu tư ngày càng được tăng cường và mở rộng từ dịch vụ thương mại đến phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các nhà đầu tư Ấn Độ đến Việt Nam sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, ngày 13 tháng 8 năm 2009, việc ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN và Ấn Độ - AIFTA tại Thái Lan[3] đã góp phần tạo ra động lực mới trong hợp tác và thúc đẩy thương mại, phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng,…(Xem tiếp phần 3)


[1] Tổng Cục Hải Quan, Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ, H., 2018.

[2] Tài liệu đã dẫn.

[3] Tại Hiệp định AIFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là 2012 (71% dòng thuế vào 2018, 9% dòng thuế vào 2021 và 10% dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình năm 2024 và danh mục loại trừ gồm 468 dòng HS 6 số, chiếm 10% số dòng thuế). Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018, kèm theo Thông tư số 169/TT-BTC ngày 14/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Giai đoạn 20152018 với 1170 dòng có mức thuế suất 0%, chiếm 12,3% tổng dòng thuế. Trong đó có 8 dòng thuế ưu đãi hơn so với thuế suất MFN hiện hành. Việt Nam kết thúc thực hiện lộ trình cam kết xóa bỏ, cắt giảm thuế vào năm 2024, với tỷ lệ xóa bỏ 70% số dòng thuế, tập trung vào mặt hàng nông sản (chè, cà phê, cao su, rau củ quả các loại), giày dép, thủy sản, hàng gia dụng, hóa chất, kim loại, sắt, thép, khoáng sản, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng…

Đối với mặt hàng không cam kết, chiếm 30% số dòng thuế, đó là: Trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, xe máy, ô tô, thiết bị phụ tùng, hàng hóa phục vụ an ninh quốc phòng – thuốc phiện, súng, pháo hoa. Ấn Độ cam kết với Việt Nam, xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm 2016; 10% dòng thuế hoàn thành cắt giảm một phần thuế suất vào năm 2019. Danh mục loại trừ chiếm 10% số dòng thuế. Ấn Độ cam kết xóa bỏ thuế quan gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau quả, dầu mỡ, bánh, hoa quả, hóa mỹ phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm dệt may, kim loại, sắt thép, máy móc,…        


* Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục