Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 3)

Phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ (Phần 3)

03:41 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

PGS, TS Phạm Thị Khanh*

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), hai nước sẽ có thêm nhiều động lực hợp tác, không chỉ trong thương mại mà còn có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản,…

Thực tế, các công ty lớn, có tiềm lực của Ấn Độ, như: International Manpower Resources, Thermax Babcock & Wilcox, Ion Exchange, Lasen & Torbo Ltd, Godnej &Boyce đang cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, quản lý hiện đại,… phục vụ phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Từ tháng 5 năm 2013, Việt Nam đã đồng ý giao Tập đoàn Tata Power của Ấn Độ được làm chủ dự án BOT xây dựng nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, với thiết kế công xuất: 2 X600 MW, tổng mức đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD tại tỉnh miền Trung - Sóc Trăng. Tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Công Thương ký và phê duyệt bản nghiên cứu tiền khả thi đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án thương mại vận hành năm 2021-2022. Trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, Công ty TNHH Tata Motors đã ký kết với Công ty Cổ phần ô tô TMT hợp đồng hợp tác về phân phối, chuyển giao công nghệ các sản phẩm xe thương mại của Công ty này.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, trong khu vực Trung Á và Tây Á, Ấn Độ đang là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, khai khoáng, với 164 dự án và tổng vốn đăng ký đạt trên 755 triệu USD, xếp thứ 28 trong tổng 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

2.2. Một số hạn chế và nguyên nhân

* Một số hạn chế

- Về phát triển thương mại thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế

+ Phát triển thương mại Việt Nam và Ấn Độ còn khá chậm chạp. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, đến nay là 46 năm, nghĩa là gần nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Ấn Độ, thương mại giữa hai nước vẫn chưa xứng tầm với bề dày của thời gian thiết lập mối quan hệ và với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện trong 11 năm.

Các hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ tuy đã được tăng cường và đi trước một bước nhằm mở đường cho các hoạt động thương mại nhưng thực tế các hoạt động thương mại - đầu tư vẫn chưa tiến nhanh, tiến kịp thời với các hoạt động chính trị, ngoại giao khiến cho mục tiêu phát triển thương mại bền vững vẫn dừng lại ở mức tiềm năng.

 + Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa thật sự đa dạng, phong phú và phát triển đi vào chiều sâu. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là những mặt hàng truyền thống, hàng nông sản, máy chế biến nhựa, sản phẩm nhựa Iaminate, thép cán,… đặc biệt là hàng nông sản, có giá trị gia tăng thấp. Trong khi Việt Nam lại phải nhập khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng khá cao từ Ấn Độ, như máy móc, công nghệ, dược phẩm,v.v… khiến cho cán cân thương mại giữa xuất khẩu và nhập khẩu còn mất cân bằng. Tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Ấn Độ tiếp tục diễn ra.

+ Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao là đối tác chiến lược toàn diện, nhưng thực tế, việc phát triển thương mại giữa hai nước chủ yếu vẫn là hoạt động xuất khẩu - nhập khẩu hàng hoá quan hải quan - hình thức thương mại truyền thống, vẫn chưa có nhiều hoạt động thương mại gắn với sự phát triển công nghệ cao, chẳng hạn như thương mại điện tử, mặc dù Ấn Độ là quốc gia phát triển công nghệ, nhất là công nghệ phần mềm có thứ hạng trên thế giới.

- Về phát triển thương mại gắn với hợp tác phát triển nguồn nhân lực và giảm nghèo

Trong phát triển thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ mới chú trọng chủ yếu là và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế còn các hoạt động khác có liên quan đến phát triển bền vững về mặt xã hội, như đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao cho người lao động (trong cam kết giữa hai quốc gia) chưa thực sự được chú trọng và phát triển đúng mức, khiến cho tính kết nối, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững chưa ngang tầm với tư cách là một đối tác chiến lược thực thụ.

Thực tế, Ấn Độ là quốc gia đã và đang phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, mang thương hiệu toàn cầu và có giá trị gia tăng cao, như: phát triển công nghệ thông tin, tạo sản phẩm công nghệ phần mềm chất lượng cao, hàng năm cung cấp số lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các quốc gia phát triển, như Mỹ, EU,… Trong khi, Việt Nam là một quốc gia có lao động dồi dào, dân số khá trẻ, có tiềm năng phát triển công nghệ phần mềm lớn. Tuy nhiên, tính kết nối giữa hai quốc gia trong đào tạo phát triển nhân lực này chưa được phát triển mạnh và vững chắc.

Hơn nữa, Việt Nam cũng là một quốc gia đông dân, đang chịu sức ép rất lớn từ sự biến đổi khí hậu, từ môi trường sống,… thường xuyên phải đối mặt với việc phát sinh các bệnh, dịch; tỷ lệ người dân bị mắc bệnh cao, cần thuốc chữa bệnh và phải được chăm sóc y tế tốt. Ấn Độ là một quốc gia có khả năng phát triển sản xuất thuốc chữa bệnh và cung cấp dược phẩm chất lượng cao, song việc hợp tác, chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh còn dừng lại ở thương mại thuần tuý. Việt Nam hàng năm nhập khẩu thuốc từ Ấn Độ là chính, chưa được chia sẻ và tiếp cận được với công nghệ sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh,… Việc thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, phát triển nhân lực cho ngành dược phẩm giữa hai quốc gia vẫn còn rất hạn chế.

Đồng thời, Ấn Độ cũng là nước có truyền thống và năng lực tốt trong phát triển ngành dệt may, những sản phẩm lụa nổi tiếng thế giới,… nhưng việc hợp tác phát triển ngành dệt may giữa Việt Nam - Ấn Độ chưa được quan tâm và thực hiện đúng tầm là đối tác chiến lược,…

Bên cạnh đó, phát triển thương mại gắn với hợp tác phát triển thương mại gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường,… giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa thực sự được quan tâm.

* Những nguyên nhân cơ bản

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song nguyên nhân cơ bản là:

Thứ nhất, cơ chế, chính sách về phát triển thương mại gắn với phát triển bền vững mặc dù từng bước được đề cập ở trong các cam kết phát triển thương mại, nhưng việc quán triệt chưa thật sự thấu đáo trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh thương mại. Việc tổ chức thực hiện các chính sách cam kết chưa tốt. Điều đó đã gây nên những khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển thương mại bền vững, thể hiện rõ trong sự phối hợp các chính sách thương mại - đầu tư, khuyến khích nhà đầu tư giữa hai quốc gia, thúc đẩy phát triển các ngành nghề sản xuất - kinh doanh thương mại, đặc biệt là các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, mặc dù toàn cầu hoá, tự do hoá và hội nhập quốc tế là một quá trình không thể đảo ngược đối với mọi nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế Ấn Độ vẫn thể hiện là một thị trường bảo hộ mậu dịch điển hình ở châu Á, cùng với các hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan đạt ở mức độ cao. Mức thuế hải quan theo tiêu chuẩn MFN phổ thông của Ấn Độ còn tới trên 30%, xếp vào nhóm các quốc gia có thuế hải quan cao nhất của thế giới.

Thứ ba, giữa Việt Nam và Ấn Độ còn có sự khác biệt lớn về văn hoá, truyền thống, tập quán, ngôn ngữ…; khoảng cách phân hoá giàu - nghèo của Ấn Độ còn cao. Thêm vào đó là những khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hoá,… là những rào cản trong phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ.

3. Những gợi ý về chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ đến năm 2025 tầm nhìn 2035

Việt Nam đang tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy phát triển thương mại bền vững với các nước nói chung, với Ấn Độ nói riêng là một tất yếu khách quan. Trong thời gian tới, để phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ, cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện các chính sách sau đây:

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy hoạch định chính sách phát triển thương mại gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện mới. Chủ động hội nhập quốc tế và sự phát triển nhảy vọt của khoa học - công nghệ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới cuộc cách mạng 5.0 nhằm định hướng phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ trong các thập kỷ tới đây.

- Hoàn thiện chính sách thương mại theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, dựa trên nền tảng của những cam kết song phương với Ấn Độ và phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương từ các FTA truyền thống - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ…, đặc biệt là các cam kết trong các FTA thế hệ mới - EVFTA, NAFTA, FTA ASEAN+1, AUSFTA,…

- Chính sách thương mại phải gắn kết hài hòa, hợp lý, chặt chẽ và hiệu quả với hệ chính sách: Chính sách thương mại - đầu tư, chính sách phát triển nhân lực, chính sách cạnh tranh, chính sách tỷ giá, chính sách thị trường,… gắn với các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của các Hiệp định Thương mại quốc tế cũng như những yêu cầu về phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ.

- Đổi mới, hoàn thiện chính sách thương mại nói chung, chính sách thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ nói riêng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của hai nước; đảm bảo vừa thực hiện tốt các cam kết song phương vừa phù hợp với cam kết đa phương, gắn kết với nội, ngoại khối và có chất lượng cao; ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động rất khó lường của thương mại toàn cầu, trong điều kiện các quốc gia đều đặt lợi ích của mình là trên hết.

- Chính sách thương mại phải là bệ đỡ cho phát triển mối quan hệ thương mại bền vững, thúc đẩy hiệu quả hoạt động xuất khẩu - nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, đổi mới chính sách thương mại song hành với đổi mới chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá, chính sách thuế,… đảm bảo cho các chính sách này tác động thuận chiều, tạo lực đẩy cho phát triển thương mại bền vững.

Hai là, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người giữa hai quốc gia. Thông qua đó mỗi bên sẽ nâng cao hơn tầm hiểu biết lẫn nhau. Các doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có thể tìm hiểu các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác, cùng nhau phát triển hướng tới phát triển thương mại bền vững cả về kinh tế - xã hội, môi trường,… Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ thông tin; phát triển du lịch; phát triển các dịch vụ tư vấn về thuế, quản lý, bảo hiểm; logistics, vật liệu xây dựng; các hoạt động thăm dò, khai thác năng lượng dầu khí; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục - đào tạo; hợp tác sản xuất - kinh doanh dược phẩm, chăm sóc y tế cho nhân dân…

Ba là, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương giữa Việt Nam - Ấn Độ; Ấn Độ với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). Thông qua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hạ tầng thương mại biên giới được cải thiện sẽ khắc phục được tình trạng gia tăng chi phí vận chuyển hàng hoá giữa các quốc gia CLMV - trở ngại trong phát triển thương mại bền vững./.


* Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục