Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phương pháp bất bạo động, công cụ để thức tỉnh xã hội

Phương pháp bất bạo động, công cụ để thức tỉnh xã hội

03:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thế kỷ XX chứng kiến ​​sự phát triển chưa từng có của khoa học và công nghệ, được áp dụng để phục vụ đồng thời hủy diệt loài người. Đây cũng là thời kỳ bạo lực nhất trong lịch sử loài người. Có thể dự đoán và hy vọng rằng, do tình trạng bạo lực gia tăng, nhân loại bắt đầu tìm kiếm phương pháp bất bạo động trên toàn thế giới. Đầu thế kỷ XX, Gandhi đã khởi xướng nhiều phong trào bất bạo động, ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Martin Luther King được coi là người tiên phong ở châu Mỹ áp dụng các chiến lược của Gandhi. Ông cuối cùng đã thay đổi tiến trình lịch sử của Mỹ bên cạnh việc thay đổi chính sách và thực tiễn phân biệt chủng tộc không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Phi.

Mặc dù sẽ thật ngây thơ khi khẳng định rằng, phản kháng bất bạo động bắt đầu với Gandhi và kết thúc với King, nhưng phương pháp này đã có được lợi thế sắc bén và xuất hiện dưới hình thức một phương thức hành động xã hội và chính trị mạnh mẽ đầy sáng tạo. Gandhi, King, Ikeda - người đầu tiên theo đạo Hindu, người thứ hai theo đạo Thiên chúa và người thứ ba theo đạo Phật - là những người vận động quần chúng cho hành động bất bạo động tập thể hướng tới hòa bình thế giới, trao quyền cho cá nhân và chuyển đổi xã hội. Là những thiên tài sáng tạo, họ đã truyền những hiểu biết mới mẻ và năng động về các tôn giáo của họ là Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, và Phật giáo Đại thừa, và mỗi người trong số họ đều đưa ra động lực mới, năng động và định hướng xã hội. Khi Gandhi giải thích các cuộc đấu tranh bất bạo động là phong trào Satyagraha, King giải thích các cuộc đấu tranh là agape (Tình yêu) và Ikeda thể hiện chúng như đức tin sống thông qua Nam-myoho-Renge-kyo.

Mối đe dọa của chủ nghĩa tân thuộc địa

Khi Gandhi bắt đầu hoạt động công khai vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX ở Nam Phi, tệ nạn lớn nhất lúc bấy giờ là chủ nghĩa thực dân. Do đó, điều tự nhiên là phản ứng của ông hướng đến việc tiêu diệt chủ nghĩa thực dân.

Chủ nghĩa thực dân là phương thức quốc gia mạnh kiểm soát quốc gia nhược tiểu và sử dụng các nguồn lực của quốc gia nhược tiểu để gia tăng quyền lực và sự giàu có cho quốc gia giàu. Cuộc Cách mạng Công nghiệp và trước đó là kỹ năng đóng tàu, thuốc súng, sự bền bỉ và tinh thần ưa thích phiêu lưu đã mang lại cho người châu Âu một lợi thế để trở thành những nhà thám hiểm trên biển. Họ đã khám phá các quốc gia, dân tộc, hải đảo, nền văn minh mà họ cho làthấp kém và man rợ, và người da trắng có sứ mệnh khai phá văn minh. Họ đi lang thang trên thế giới như thể họ là chủ nhân của trái đất; họ bắt nô lệ, hành hung tàn bạo và thậm chí loại bỏ những nhóm lớn người chống lại. Họ vô lương tâm và điên cuồng theo đuổi sự giàu có và quyền lực. Chiến thắng của một quốc gia trong việc thiết lập thuộc địa đã khích lệ các quốc gia khác tham gia trò chơi nô dịch. Hầu hết tất cả các quốc gia châu Âu đều chiếm nước khác làm thuộc địa và chiến đấu với nhau để giành thuộc địa. Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin đã chứng minh tính hiệu quả của nó đến đầu thế kỷ XX, chế độ thuộc địa trên toàn thế giới đã trở thành một thực tế được chấp nhận, mỗi cường quốc coi các thuộc địa như tài sản riêng, áp đặt các giá trị và triển vọng của riêng mình vào nỗ lực “khai hóa văn minh” cho các thuộc địa. Một số cường quốc thuộc địa khoe rằng “mặt trời không bao giờ lặn” trong đế chế của họ. Những người ủng hộ, những người đề xướng và thậm chí cả những người cộng tác của họ đã không thể không nhìn thấy phần lớn các thuộc địa đã bị cướp phá trong thời kỳ này, làm phình ra kho bạc của những người chủ. Hầu hết các nhà sử học ngày nay cho rằng, sự tiến bộ vật chất và sự giàu có hiện nay của nhiều nước châu Âu là do họ cướp bóc thuộc địa. Cho dù điều đó có đúng hay không, thì chiến thuật mà họ sử dụng để giữ thuộc địa là xảo quyệt, lừa dối và tàn bạo. Cuộc đấu tranh giành độc lập thường đẫm máu và hiếm khi diễn ra suôn sẻ do những kẻ áp bức có năng lực cao, lập kế hoạch tốt và duy trì thuộc địa nhờ vũ khí tinh vi. Ở hầu hết các thuộc địa, người bản xứ phải bảo vệ tự do bằng những mũi tên và vũ khí truyền thống. Tóm lại, chúng ta có thể thấy rằng, những yếu tố để duy trì thuộc địa là kỹ năng kiểm soát, sự gian dối, sự tàn ác và vũ khí tối tân. Vào thời điểm đó, khẩu súng là bất khả chiến bại.

Thách thức của Gandhi

Cú đánh lớn đầu tiên vào sự bất khả chiến bại này đến từ Gandhi khi ông sử dụng “sức mạnh của linh hồn” để đấu lại với súng đạn. Giờ đây, lịch sử chứng minh đế chế thuộc địa hùng mạnh và cố thủ đã phải cúi đầu trước Gandhi và phong trào quần chúng bất bạo động mà ông khởi xướng đầu tiên ở Nam Phi và sau đó ở Ấn Độ. Người Anh đã phải chấm dứt chế độ thuộc địa ở Ấn Độ vào năm 1947. Việc Ấn Độ độc lập khỏi Anh đã khuyến khích nhiều quốc gia tự giải phóng khỏi xiềng xích thuộc địa. Sự kết thúc của chế độ thuộc địa Raj ở Ấn Độ là hồi chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân. Trong hai thập kỷ sau đó, hầu hết các thuộc địa đã được giải phóng khỏi các xúc tu của chủ nghĩa thực dân. Trong cuộc chiến anh dũng của Gandhi vì tự do, công lý, nhân quyền và bình đẳng, vũ khí mà ông sử dụng không phải là những công cụ hủy diệt hàng loạt, tinh vi hay tàn bạo mà là những chiến lược mang tính sáng tạo cao nhằm tạo ra nhận thức và giáo dục của quần chúng để giúp mọi người giải phóng bản thân khỏi sợ hãi và đứng lên không dùng bạo lực, chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần.

Khi lực lượng tinh thần đối đầu với súng, thì lực lượng tinh thần sẽ chiến thắng. Những người đấu tranh cho tự do trên khắp thế giới đã sử dụng các chiến lược của Gandhi ở các mức độ khác nhau với thành công thuyết phục. Ở nhiều nơi trên thế giới, phản kháng bất bạo động đang được sử dụng để chấm dứt áp bức, bất công và đoạt lại các quyền cơ bản của con người.

Có ý kiến ​​cho rằng, mặc dù chủ nghĩa thực dân đã tàn lụi dưới áp lực đạo đức và chính trị mà Gandhi gây ra, nhưng giờ đây chủ nghĩa thực dân đã trở lại mạnh mẽ dưới các hình thức khác: tự do hóa, kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, đặc biệt là trong thế giới đơn cực hiện nay. Chủ nghĩa thực dân đã chết, nhưng chủ nghĩa thực dân mới - tức là sự kiểm soát kinh tế và ảnh hưởng chính trị của một quốc gia này đối với một quốc gia có vẻ như độc lập khác, đặc biệt là quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp hoặc các tổ chức tài chính của quốc gia đó, là một điều đáng lo ngại cho nhân loại. Điều này đặt ra những câu hỏi rất quan trọng về bản chất của tương lai của chúng ta.

Những con tàu chạy nhiều sức ngựa có thể không đi trên biển cả trong thời đại máy tính và siêu máy tính hiện nay của chúng ta. Số phận của địa cầu có thể được quyết định trong một hoặc hai căn phòng nhỏ có thể nằm ở vị trí chiến lược và được kiểm soát bởi tự phong là người bảo vệ thế giới. Tất cả các cơ quan ra quyết định, các tổ chức tài chính, thậm chí thị trường và hình thức chính phủ ở các nước nghèo, đều do một số ít những người có quyền lực nhất quyết định thay cho họ.

Phong cách dũng cảm của Gandhi

Đạo đức, luân lý, tâm linh, tôn giáo và nghệ thuật, tất cả chỉ là thứ yếu. So về ý định và sự tàn bạo, chủ nghĩa thực dân mới dường như nguy hiểm hơn cha đẻ của nó là chủ nghĩa thực dân cũ. Sự khác biệt duy nhất giữa hai chủ nghĩa này là chủ nghĩa thực dân mới nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn và khéo léo che giấu tất cả ý định độc hại bằng những mỹ từ. Trong bối cảnh đó, tác động của phong trào bất bạo động Satyagraha của Gandhi được cho là ưu việt để tiêu diệt chủ nghĩa thực dân. Chỉ trong một lần đứng lên phản kháng phi bạo bực, Gandhi đã phá bỏ huyền thoại về sự bất khả chiến bại của súng, mặc dù ý nghĩa của sáng kiến ​​Gandhi không được biết đến rộng rãi ngay lập tức. Cũng nên nhớ rằng, ban đầu cả phương Tây công nghiệp hóa và thế giới đang phát triển đều không coi trọng Gandhi, mặc dù họ nhận thức được những gì Gandhi đang làm ở Nam Phi và Ấn Độ. Sự khác biệt trong bối cảnh văn hóa mà Gandhi đang hoạt động và việc nhiều người khó nhìn xa trông rộng đã khiến cộng đồng quốc tế khó sớm nhận ra tầm quan trọng tối cao của chiến lược Gandhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://gandhi.gov.in/nonviolence-awakening.html

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục