Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa trong các văn kiện Đại hội

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa trong các văn kiện Đại hội

03:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm” có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài. Bảo vệ Tổ quốc từ xa” được hiểu là cần chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Hiện nay, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.Từ sớm, từ xa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đều thể hiện sự chủ động trong thực hiện nhiêm vụ bảo vệ Tổ quốc ngay từ thời bình, ngay từ khi “Tổ quốc chưa nguy”. Điều quan trọng nhất là không để chiến tranh xảy ra, ngăn ngừa mọi nguy cơ xảy ra chiến tranh. Nhưng khi bắt buộc phải có chiến tranh thì luôn trong thế chủ động, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Vấn đề “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh xung đột từ sớm, từ xa” lần đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vào Văn kiện chính thức của Đại hội XII, khi nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tinh thần đó không chỉ một lần, mà còn nhấn mạnh: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến” và “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Việc nhấn mạnh đến hai lần tinh thần đó đã khẳng định quyết tâm và chủ trương nhất quán của Đảng là kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa một cách chủ động, nhưng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh, xem đó là “thượng sách” để giữ nước.

Điểm mới so với Đại hội XII là Đại hội XIII không đơn thuần khẳng định lại quan điểm của Đại hội XII, mà còn diễn giải quan điểm đó qua những luận điểm cụ thể, với sự nhấn mạnh tinh thần “chủ động”. Đó là “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính; phải “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”; phải “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”. Nếu Đại hội XII nhấn mạnh đến “các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”, thì Đại hội XIII không loại trừ “nhân tố bên ngoài”, khi nhấn mạnh “nhất là các nhân tố có thể gây đột biến” bao gồm cả “nhân tố bên trong” và “nhân tố bên ngoài”. Điều này cho thấy sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về sự chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó dự báo; đất nước đã hội nhập quốc tế sâu, rộng, nên đứng trước không chỉ những vận hội lớn để phát triển, mà sẽ còn phải đương đầu với các thách thức gay gắt, những “nhân tố bên ngoài” có thể gây đột biến, dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột, chiến tranh.

Việc Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, gửi đi thông điệp hòa bình, thể hiện khát vọng mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải trải qua các cuộc chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát để có được nền độc lập như ngày nay. Dân tộc đó không cần chiến tranh, mà cần một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, có ý nghĩa chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa chủ trương “giữ cho trong ấm, ngoài yên” để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc đất nước còn chưa nguy, bằng những giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Chú thích ảnh: Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp qốc tại Nam Sudan.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục