Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 1)

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 1)

03:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng

Ambassador Neeklakantan Ravi*

Việt Nam và Ấn Độ thể hiện lập trường đáng chú ý về quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các nước đang phát triển trong thời gian sau chiến tranh. Điều này đặc biệt đúng đối với giai đoạn Chiến tranh Lạnh khoảng năm thập kỷ cuối thế kỷ XX. Đó là cơ hội tốt để hai nước định hình lại những mô hình hợp tác mới giữa các nước thoát khỏi ách thuộc địa và cố gắng xây dựng một quốc gia mới với đặc trưng của riêng mình.

Lịch sử có rất nhiều minh họa cho mối liên kết hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều thế kỷ qua. Một số học giả cho rằng, những trao đổi này bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ VIII sau Công Nguyên, và tiếp tục theo thời gian với nhiều dạng thức mà chủ yếu là thương mại và văn hóa.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, dấu mốc quan trọng chính là cuộc gặp của hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Ấn Độ năm 1945 tại Hà Nội ngay sau khi giành được độc lập, mở ra cơ hội cho quan hệ song phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru đã đặt nền móng cho quan hệ song phương phát triển và mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù sự kiện đó đã diễn ra từ sáu thập kỷ trước, nhưng cuộc gặp gỡ và những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng đối với hai quốc gia trong một thế giới độc lập mới đã hình thành một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ thân thiết và đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Ấn Độ. Khi nhìn lại ngày hôm nay, cả hai nước có thể tự hào vì đã trải qua một hành trình hữu nghị đã trở thành hình mẫu mang ý nghĩa cho hiện tại, và cho cả việc nghiên cứu lịch sử của các học giả và những người say mê lịch sử hiện đại.

Cùng trải qua hai thế kỷ làm thuộc địa, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, và hai nước sẵn sàng tìm kiếm con đường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hợp tác có khuynh hướng thiên về kinh tế và kỹ thuật nhằm tăng cường hợp tác chính trị mà mới bắt đầu từ những năm 1950. Đáng tiếc là Chiến tranh Việt Nam đã phần nào khiến hợp tác gặp khó khăn. Song, sau chiến thắng oanh liệt của Việt Nam năm 1975, quan hệ đối tác đã được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và củng cố, phản ánh xu hướng thời đại.

Nhìn lại quá khứ, rất dễ để nhận ra một số giai đoạn đặc biệt của tiến trình hợp tác. Giai đoạn đầu từ trước khi Việt Nam giành độc lập đến khi Chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam kết thúc, khi đó, hợp tác chủ yếu là về chính trị và một phần về kinh tế trong khuôn khổ song phương và đa phương. Giai đoạn hai từ khi Chiến tranh giải phóng Việt Nam kết thúc đến cuối thế kỷ trước. Trong giai đoạn này sự hợp tác đã được củng cố, giúp định hình được những lĩnh vực hợp tác mới trong thế kỷ XXI. Trong giai đoạn ba, hợp tác thương mại, đầu tư, đào tạo và kỹ thuật bao gồm cả quốc phòng đã có nhiều tác động đến quá trình này.

Khi Việt Nam và Ấn Độ tham gia vào một thế giới kết nối sâu rộng hơn nhưng cạnh tranh khốc liệt hơn, chúng ta sẽ nghĩ đến mô hình hợp tác nào trong tương lai? Lý giải quá khứ sẽ là cho bài học tốt hơn là suy luận đơn thuần.

Giai đoạn từ năm 1975 (sau khi Chiến tranh giải phóng Việt Nam kết thúc) đến năm 1995 (khi Việt Nam trở thành một thành viên của ASEAN) rất quan trọng đối với cả hai nước. Giai đoạn này tập trung vào quan hệ song phương dẫn đến mở rộng các gói tín dụng dành cho lương thực và hợp tác kỹ thuật thông qua các dự án với nhiều chuyên gia. Ví dụ, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (CLRRI) được thành lập năm 1977 với hỗ trợ từ Chính phủ Ấn Độ tại các tỉnh miền Nam. Việc cử các chuyên gia Ấn Độ sang đào tạo các nhà khoa học Việt Nam trong một thập kỷ qua đã mang đến nhiều kết quả tốt. Việt Nam từng phải nhập khẩu 450.000 tấn gạo vào năm 1988 thì nay bắt đầu xuất khẩu hàng hóa từ năm 1991 và năm 2003 trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan. Đồng thời, thành tựu lớn nhất của Việt Nam là đã giảm được tỷ lệ nghèo đói từ gần 60% đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 20% vào năm 2010. Trên đấu trường quốc tế, Ấn Độ là một trong số ít các nước đứng về phía Việt Nam khi Việt Nam bị cô lập sau chiến tranh. Sự ủng hộ này rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang phải hứng chịu hậu quả sau sự kiện Campuchia tháng 12 năm 1978 và trong thời gian Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979.

Việc ký kết Tuyên bố Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ vào tháng 7/2007 là kết quả của mong muốn chân thành từ cả hai nước nhằm nâng quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới lâu dài. Tác nhân chính của sự kiện này là sự tin tưởng có được từ những hợp tác thành công trong hai thập kỷ cuối thế kỷ XX và mười năm đầu thế kỷ XXI; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không ngừng của cả hai nước; cùng với nhận thức rằng, hai bên cần chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhiều hơn; và quan trọng nhất là những cơ hội mới đang mở ra về giáo dục, đào tạo, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ của hai nước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang khai thác những lợi ích kinh tế, xã hội từ các lợi thế nhân khẩu học của mình. Rõ ràng, an ninh, quốc phòng phải là cơ sở của hợp tác chiến lược, bởi các lợi ích kinh tế của mỗi quốc gia cần phải được bảo đảm và tăng cường.

Sau khi ký “Tuyên bố Đối tác chiến lược” tháng 7/2007, đã diễn ra nhiều cuộc gặp cấp cao, khởi động lại mối quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực. Ở thập kỷ trước, Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều chuyến thăm thường xuyên, ở cấp Nguyên thủ quốc gia và Người đứng đầu Chính phủ. Những sự kiện này được hỗ trợ bởi các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tài Chính, Nội Vụ và Quốc Phòng. Tóm lại, trao đổi quan điểm ở cấp cao nhất không chỉ diễn ra thường xuyên mà còn cụ thể, dẫn đến nhiều bước tiến quan trọng nhằm xây dựng mối quan hệ chất lượng cho kỷ nguyên mới1. Khuôn khổ hợp tác chiến lược và thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao là minh chứng cho mong muốn từ cả hai phía nhằm tạo ra sức sống mới cho quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới. Nó cũng thể hiện nguyện vọng của cả hai bên muốn tăng cường hợp tác ở tất cả các lĩnh vực.

“Hợp tác chiến lược” Ấn Độ - Việt Nam bao gồm ba yếu tố cơ bản: kinh tế (hợp tác kỹ thuật và các dự án triển khai thông qua viện trợ và tín dụng); hợp tác về phát triển con người (đặc biệt chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực, bao gồm đào tạo, thành lập các tổ chức nhưng không bỏ quên “quyền lực mềm” ở mọi mặt) và hợp tác dài hạn bằng phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều lĩnh vực. Cuối cùng là những lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng và cơ sở hạ tầng giao thông. (Xem tiếp phần 2)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch


* Cựu Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và cựu Thứ trưởng (phụ trách Phương Đông), Bộ Ngoại giao Ấn Độ; chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục