Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng (Phần 2)
Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng
Ambassador Neeklakantan Ravi*
QUAN HỆ KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI
Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam luôn được mô tả bằng tăng cường giao lưu kinh tế và thương mại. Ấn Độ hiện nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ tháng 10/2013, hai nước đã quyết định hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỷ USD đến năm 2020. Theo đó, năm lĩnh vực chính được ưu tiên, gồm may mặc và dệt may, dược phẩm, hàng hóa nông nghiệp, da giầy và công nghệ.
Tuy nhiên, để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này, cần đánh giá lại khung khổ định hướng quan hệ hai bên. Ví dụ, để thống nhất được mục tiêu chung cho thương mại song phương đạt 15 tỷ USD đến năm 2020, cần có sự thống nhất về các số liệu hiện có xác định hạn ngạch thương mại giữa hai nước. Bảng và hình vẽ dưới đây thể hiện rõ tình trạng mâu thuẫn và đây là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc khi sử dụng các phương thức phù hợp nhằm tăng cường thương mại song phương. Cũng cần có nhiều thảo luận để hiểu rõ vấn đề này.
Hình 1: Xuất khẩu và nhập khẩu của Ấn Độ với Việt Nam (Nguồn Việt Nam)
Hình 2: Xuất khẩu và nhập khẩu của Ấn Độ với Việt Nam (Nguồn Ấn Độ)
Hình 3: Xuất khẩu của Ấn Độ (tổng hợp các nguồn)
Hình 4: Nhập khẩu của Ấn Độ (tổng hợp các nguồn)
Ngoài việc cung cấp dữ liệu để kiểm tra với sự thống nhất của cả hai bên, những thảo luận này cũng cho phép đánh giá các hàng hóa trao đổi thương mại; tìm ra các sản phẩm có thể gia công ở nước nào đó nhằm có thêm giá trị gia tăng cho tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu; chú trọng vào các mặt hàng có giá trị xuất nhập khẩu cao qua các năm, từ đó giúp hai nước tìm ra trọng tâm và khả năng thương mại, cũng như đa dạng hóa đầu tư. Xuất khẩu thịt, thịt nội tạng, hải sản, vải bông, thức ăn gia súc, ngô, hạt có dầu của Ấn Độ hoàn toàn tương xứng với xuất khẩu cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, v.v. của Việt Nam trong khuôn khổ mở rộng thương mại và đa dạng hóa đầu tư của hai nước.
Lĩnh vực tiếp theo cần được giải quyết là các dịch vụ cơ bản giúp bộ máy thương mại song phương hoạt động trơn tru hơn. Một số hạn chế chủ yếu là thiếu các chi nhánh ngân hàng ở cả hai nước, thiếu các kết nối hàng hải và hàng không trực tiếp và sự cần thiết phải có một thể chế hiệu quả nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại. Chưa có ngân hàng nào của Ấn Độ hay Việt Nam hoạt động đầy đủ ở nước kia. Mọi giao dịch ngân hàng thương mại được thực hiện thông qua trung gian ở Singapore, Hong Kong, Indonesia, và đôi lúc là cả Mỹ!
Ngân hàng Ấn Độ và ngân hàng Indian Overseas Bank đã lần lượt mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2/2003 và tháng 3/2008. Tuy nhiên, mong muốn có các chi nhánh hoạt động chính thức vẫn còn bỏ ngỏ, mặc dù Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về giám sát nghiệp vụ ngân hàng vào ngày 16/11/2012. Cần nhiều hỗ trợ giúp loại bỏ sự đình trệ để thương mại song phương tiến xa hơn.
Kết nối hàng hải
Thỏa thuận vận tải biển giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được ký vào tháng 5/2013 và cuộc gặp đầu tiên của Ủy ban Liên lạc hàng hải diễn ra vào ngày 15/4/2016 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hàng hải Ấn Độ (MIS 2016) tại Mumbai. Trong suốt cuộc họp, hai bên đã nhất trí rằng, Tập đoàn Vận tải Ấn Độ và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cần đối thoại nhằm tìm ra khả năng mở đường biển trực tiếp giữa hai nước và triển khai vận chuyển tàu côngtenơ. Kết nối đường biển kém hiệu quả làm tăng phí vận chuyển cũng như chi phí do thời gian vận chuyển dài hơn. Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ cần tập trung vào khía cạnh này nhằm tận dụng mức tăng trưởng cao của hai nền kinh tế.
Nhằm giảm bớt áp lực của việc giải quyết các tranh chấp thương mại, hai bên cần đề ra một khung khổ hỗ trợ pháp lý nhằm giúp cộng đồng thương mại mỗi nước giải quyết được các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá và lừa đảo, v.v.
Đường bay thẳng
Hiệp định về dịch vụ hàng không giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ tháng 11/2013 và hai hãng hàng không Jet Airways và Vietnam Airlines cũng đã ký hợp đồng khai thác chung trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pranab Mukherjee tháng 9/2014. Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam tháng10/2014 cũng đã có tuyên bố chính thức. Tuy nhiên, cho tới nay, đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa được thiết lập. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần phải làm gì?
Đối với các hãng vận tải Ấn Độ, đường bay từ Kolkata/Delhi/Mumbai/Bodh Gaya tới Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh trở nên khả thi nhờ lượng khách du lịch đang tăng dần. Về phía Việt Nam, đặc biệt là Vietnam Airlines, đường bay từ Hà Nội tới New Delhi qua Myanmar dường như cũng có nhiều cơ hội hơn vì hãng này đang gặp thua lỗ trong việc duy trì đường bay thẳng từ Hà Nội đến Yangon. Rõ ràng là các hãng vận tải quốc gia nên tiến hành bay giữa các thủ đô hai nước nhằm thiết lập sự hiện diện và kết nối. Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đang có cơ hội thể hiện đúng nghĩa “Chính sách hành động phía Đông” để chứng tỏ khả năng đáp ứng các đòi hỏi của Việt Nam trong lĩnh vực này bằng cách chấp nhận một số điều kiện.
Cụ thể là, đường bay từ Hà Nội tới Yangon, mà hiện nay là chuyến bay hàng ngày, có thể mở rộng thêm sang Gaya hai hoặc ba chuyến một tuần, và tương tự với Kolkata vào các ngày còn lại. Nhờ vậy, du khách từ Việt Nam và Myanmar có thể đến Gaya một cách dễ dàng. Đồng thời, du khách Ấn Độ mong muốn thưởng ngoạn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước láng giềng Lào và Campuchia có thể tận dụng chiều bay ngược về Hà Nội từ Gaya / Kolkata. Kể từ khi Vietnam Airlines mở đường bay đến cả các nước láng giềng của hai nước, du khách Ấn Độ sẽ có cơ hội tới thăm tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ - Trung Quốc, cho mục đích du lịch hoặc công tác. Vietnam Airlines có thể nới lỏng một số nghĩa vụ tài chính ở Gaya và Kolkata trong hai hoặc ba năm cho đến khi bình ổn các yêu cầu về vận hành.
Nhận thấy khu vực tư nhân khá năng động trong lĩnh vực du lịch ở tất cả các quốc gia liên quan, khung khổ Hợp tác Mekong – sông Hằng có thể giúp lĩnh vực du lịch hợp tác với nhau. Họ có thể cùng nhau triển khai những biện pháp cả gói hấp dẫn về mặt tài chính cho mọi thành viên, tức là khách du lịch sẽ sử dụng cả hai chiều. Một gói du lịch trong hai tuần dành cho du khách Ấn Độ có thể đi theo lộ trình Hà Nội – Đà Nẵng – Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh – Phnom Penh – Siem Reap – Viêngchăn – Luang Prabang – Hà Nội. Đây là một hành trình lý tưởng và có thể được hỗ trợ từ thông tin của các đại lý du lịch. Tiềm năng của lĩnh vực này thực sự rất lớn. Tương tự đối với du khách Việt Nam, chuyến du lịch đến các địa danh Phật giáo ở Ấn Độ, bắt đầu từ Gaya, có thể được thử nghiệm và sau đó mở rộng tới các di tích lịch sử ở phía Đông, trung tâm và phía Nam Ấn Độ. (Xem tiếp phần 3)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
* Cựu Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và cựu Thứ trưởng (phụ trách Phương Đông), Bộ Ngoại giao Ấn Độ; chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục