Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 2)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 2)

03:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam

ThS Ngô Phương Anh*

* Đối với Trung Quốc

Trong lịch sử cũng như hiện tại, Đông Nam Á luôn là khu vực có ý nghĩa chiến lược, sách lược quan trọng đối với Trung Quốc. Với lợi thế là quốc gia láng giềng có lịch sử truyền thống lâu đời liên quan đến các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đang tích cực tận dụng thực lực kinh tế và uy tín chính trị trong việc mở rộng mối quan hệ trên tất cả các phương diện với ASEAN. Về mặt vị trí, hầu hết các đặc khu kinh tế, các thành phố, hải cảng và vùng đồng bằng giàu có của Trung Quốc đều tập trung ở phía đông nam, tiếp giáp các nước ASEAN. Ngoài ra, Đông Nam Á còn là nơi làm ăn và sinh sống của đông đảo Hoa Kiều, với hơn 22 triệu người. Đối với một số nước như Singapore, Malaysia, người Hoa đóng vai trò quan trọng về kinh tế thương mại, bất chấp thời gian hay sự thay đổi chế độ chính trị. Đây có thể coi là lợi thế tuyệt đối của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, một trong những hướng mở cửa quốc gia của Trung Quốc là khu vực Đông Nam Á, với mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế thương mại phát triển tại đây.

Quan hệ ASEAN - Trung Quốc bắt đầu khởi động từ năm 1991 qua việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc họp không chính thức với các nước ASEAN. Năm 1996, Trung Quốc trở thành một bên đối thoại đầy đủ của ASEAN. Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á, còn các nước ASEAN lại muốn mình trở thành một đối tác quan trọng và xâm nhập sâu rộng vào thị trường khổng lồ với hơn một tỷ dân của Trung Quốc. Hợp tác kinh tế - thương mại đã trở thành con đường thuận lợi để cả hai phía đạt được lợi ích của mình. Biên giới mềm (hàng hóa tiêu dùng và văn hóa tinh thần) của Trung Quốc trải dài khắp các nẻo đường của các quốc gia Đông Nam Á. Cùng với sức mạnh vật chất (sức cạnh tranh hàng hóa cao, vốn dự trữ ngoại tệ hàng nghìn tỷ USD), uy tín chính trị - ngoại giao của Trung Quốc cũng đang tăng lên nhanh chóng (luôn sẵn sàng viện trợ cho các nước khó khăn trong khu vực). Trong khi mậu dịch song phương của khu vực ASEAN với các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU giảm mạnh ở những năm cuối thập kỷ 90 thì quan hệ kinh tế - thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc lại tăng đều đặn và ổn định, nhất là sau khi Hồng Kông trở về Trung Quốc. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - ASEAN đã lần đầu tiên đột phá đạt hơn 400 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ[1]. Đến năm 2020, Trung Quốc trông đợi tăng lượng trao đổi thương mại với các nước thành viên ASEAN lên 2,5 lần - tức là đến 1 nghìn tỷ USD. Đó là tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình khi phát biểu tại Quốc hội Indonesia trong tháng 10-2013. ASEAN đã trở thành điểm đến đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc còn lập ra các quỹ đầu tư giá trị hàng chục tỷ USD dành cho các nước ASEAN vay với lãi suất ưu đãi nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đối với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS). Việc phát triển mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia Đông Nam Á giúp Trung Quốc tăng khả năng cạnh tranh với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và EU trong khu vực.

Có thể thấy, Đông Nam Á là điểm xoáy chiến lược, là trọng tâm đan xen, giao thoa quyền lợi cả trước mắt cũng như lâu dài không chỉ của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn của nhiều cường quốc lớn trên thế giới. Nhật Bản - Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi quốc gia lại có những mục tiêu và lợi ích riêng đối với Đông Nam Á. Tìm hiểu thực trạng quá trình cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng của các nước này nhằm củng cố mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, từ đó phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực châu Á sẽ mang đến cho người đọc cái nhìn toàn cảnh hơn đối với tiến trình phát triển của khu vực và thế giới.

2. Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược với Trung Quốc tại Đông Nam Á hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Sau những căng thẳng từ việc Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân năm 1998, quan hệ Nhật - Ấn trở nên sáng sủa hơn sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori tới Ấn Độ năm 2000 và trong chuyến thăm này hai nước đã nhất trí xây dựng quan hệ "đối tác toàn cầu trong thế kỷ XXI". Tháng 4-2005, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Jurichiro Koizumi đến Ấn Độ tạo cơ hội tốt đẹp cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước với việc ký kết "Tuyên bố chung đối tác Ấn Độ - Nhật Bản trong kỷ nguyên Châu Á mới: định hướng chiến lược của đối tác toàn cầu Ấn Độ - Nhật Bản". Tháng 12-2006, hai nước ký kết "Tuyên bố chung hướng tới đối tác chiến lược và toàn cầu Ấn Độ - Nhật Bản". Tháng 8-2007, hai bên tiếp tục ký "Tuyên bố chung về lộ trình cho những định hướng mới cho đối tác chiến lược và toàn cầu Ấn Độ và Nhật Bản". Tháng 10-2008, "Tuyên bố chung về nâng cấp đối tác chiến lược toàn cầu Ấn Độ và Nhật Bản" được ký kết đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ.

Ấn Độ là một cường quốc đang mạnh lên của khu vực và trên thế giới. Với hệ thống chính trị tương đối ổn định, số dân khổng lồ, một khả năng quân sự đáng kể, một nền kinh tế đang trỗi dậy, một tham vọng toàn cầu và hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại rộng mở, Ấn Độ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trước xu thế toàn cầu hóa trong bối cảnh cân bằng quyền lực tại Châu Á sẽ được định hình bằng các sự kiện ở rìa Ấn Độ Dương cũng như ở Đông Á, Nhật Bản càng muốn tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ nhằm thúc đẩy ổn định, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng, đảm bảo an ninh vận chuyển hàng hải từ châu Phi tới Trung Đông và Đông Á. Về phần mình, Ấn Độ cũng có nhiều hy vọng giành được sự tiếp cận với các nền tảng quốc phòng và công nghệ hiện đại của Nhật Bản trong việc kiểm soát hàng hải, phòng không, phản ứng tên lửa đạn đạo, vận chuyển và điều khiển thông tin liên lạc.

Về phía Ấn Độ, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, những thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực sau Chiến tranh Lạnh cùng với nhu cầu phát triển trong nước đã buộc nước này phải có những đột phá mới trong chính sách đối ngoại. Trước một thực tế rằng, hầu hết các cường quốc thương mại đều là thành viên của các khối khu vực mậu dịch có tầm cỡ như EU, NAFTA và ASEAN, Ấn Độ rất mong muốn phát triển khối mậu dịch khu vực song tiến trình diễn ra rất chậm ở Nam Á. Sự bất lực của SAARC[2] trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế nội khu vực đã khiến Ấn Độ phải hướng về phía Đông để đi tìm các cơ hội bạn hàng mới. Chính sách Hướng Đông là một nội dung cơ bản trong chiến lược ngoại giao mới của Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đứng đầu trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ là Nhật Bản và các nước ASEAN.

Ấn Độ và Nhật Bản còn có chung một mục tiêu chiến lược quan trọng khi cả hai nước đều đang rất muốn giành được ghế Ủy viên Thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hợp tác để thuyết phục những cường quốc đang nắm giữ quyền phủ quyết cho phép tiến hành cải tổ lại cơ chế an ninh quan trọng nhất thế giới này là vô cùng cần thiết. Không những thế, cả hai nước cần phải thuyết phục Trung Quốc rằng, hòa bình và ổn định tại Châu Á sẽ được đảm bảo tốt hơn nếu cả ba cường quốc Châu Á đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ và Nhật Bản có thể xây dựng một vành đai tiến bộ và thịnh vượng ở châu Á, tạo cơ sở cho việc phát triển một cộng đồng kinh tế châu Á. Quan hệ vững chắc giữa hai nước sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một châu Á mở cửa, góp phần tăng cường hòa bình và ổn định khu vực.

Tại Đông Á, cụ thể là Đông Nam Á, quan hệ hợp tác Nhật - Ấn cũng được thể hiện rõ nét, nhất là trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Cùng là thành viên của nhiều thể chế an ninh trong khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN - ARF, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á - EAS, diễn đàn ASEAN+1.v.v. Nhật Bản và Ấn Độ đã có nhiều hợp tác rất hiệu quả. Hai nước đã thực hiện tốt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, bảo vệ hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á, cùng mục tiêu chung “trở thành một cực đối trọng với Trung Quốc” nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này trong khu vực. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 11-13/12/2015 đã nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu Ấn Độ-Nhật Bản lên vị thế mới với sự tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đây là lần thứ tư Thủ tướng Abe gặp Thủ tướng Ấn Độ Modi trong chưa đầy một tháng, thể hiện sự coi trọng hợp tác song phương giữa hai nước. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Modi nêu rõ, chuyến thăm của Thủ tướng Abe đã góp phần thúc đẩy sự định hình về một thế kỷ châu Á trong giá trị và tầm nhìn quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản. Trong khi đó, Thủ tướng Abe khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới.

Trong Tuyên bố chung mang tên “Tầm nhìn Ấn Độ và Nhật Bản 2025: Mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới,” hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa hai nước trở thành một nền tảng rộng lớn, phản ánh sự hội tụ sâu rộng về các mục tiêu chính trị, kinh tế và chiến lược. Hai bên cũng cam kết nỗ lực thúc đẩy hình thành một trật tự khu vực hòa bình, cởi mở, công bằng và ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa; khẳng định tuân thủ các nguyên tắc nền tảng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và phát triển thương mại toàn cầu cũng như các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng và thương mại của thế giới, coi đây là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, góp phần duy trì và đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực. Hai bên cũng nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trong vùng biển quốc tế; đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác bảo vệ tài sản chung của toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải, trong không gian mạng thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn trực tiếp.

Theo các nhà phân tích, đương kim Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ có “tư tưởng dân tộc” giống nhau, đều có những “khúc mắc” với Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có mong muốn tăng cường quan hệ song phương nhằm hạn chế những hành động của Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia nhằm thực hiện chiến lược hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là điều kiện thuận lợi khiến Ấn Độ thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Điều này có thể nói “nhiều nước sẽ được lợi đơn lợi kép”. (Xem tiếp phần 3)


* Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] http://vietnamese.china.com/news/eastasia

[2] SAARC: Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á

Nguồn:

Cùng chuyên mục