Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 3)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam (Phần 3)

03:33 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Quan hệ “Ấn - Nhật” trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động tới Việt Nam

ThS Ngô Phương Anh*

Có thể thấy rằng cả Ấn Độ và Nhật Bản hiện có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Biển Đông do các hành động của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế. Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy, Trung Quốc muốn Biển Đông thành “cái hồ của Bắc Kinh” - một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Modi và Abe, họ đều không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, song qua những phát biểu của ông Modi, người ta có thể hiểu rằng ông đang ám chỉ Trung Quốc hiện nay với những động thái “quá lộ và hiếu chiến”. Do vậy, Thủ tướng Modi và Abe nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực. Hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng và kinh tế trong bối cảnh hai đối tác lớn tại khu vực Châu Á tiến tới xây dựng một đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Modi bàn về sự cần thiết đối với Ấn và Nhật thúc đẩy mối quan hệ đối tác gần gũi hơn vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á, và “tuyên chiến” với tư duy bành trướng. Đây được xem là sự ám chỉ tới Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với cả New Delhi và Tokyo.

Báo giới và truyền thông thì cho rằng, ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy, Modi đang “xích lại gần” Abe khi biết rằng Nhật Bản vốn là một đồng minh của Mỹ, đang nỗ lực “tập hợp” các quốc gia Châu Á, nhất là Đông Nam Á thành một “mặt trận thống nhất” trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Trong khi đó, Ấn Độ đã giữ vai trò trung tâm trong chiến lược của ông Abe về xây dựng các liên minh ngoại giao và quốc phòng mật thiết hơn với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Nhật đang nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí theo chủ trương của thủ tướng Abe và động thái này làm gia tăng kỳ vọng rằng Nhật sẽ sớm cung cấp máy bay quân sự cho Ấn Độ. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý làm việc nhiều hơn để khởi động các cuộc tham vấn “2+2” trong khuôn khổ an ninh giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng giữa hai nước. Ngoài ra, họ cũng nhất trí tiếp tục tập trận hải quân song phương thường xuyên bên cạnh cuộc tập trận ba bên với Mỹ. Với cách tiếp cận này, Chính quyền Modi và Abe có thể góp phần vào thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực; đồng thời, ngăn chặn tham vọng “bành trướng” của các nước lớn. Ngoài ra, cách tiếp cận trên cũng bổ sung cho phương châm “tạo ra một Châu Á mới” của Ấn Độ, tương ứng với việc đề cao những giá trị dân chủ của Thủ tướng Abe nhằm hướng tới một kênh hợp tác chiến lược mạnh mẽ Ấn - Nhật cả về kinh tế và quân sự. Nếu “Châu Á trở thành đầu tàu, nhà lãnh đạo trong thế kỷ XXI”, Nhật Bản - Ấn Độ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy khu vực tiến tới một con đường phát triển hòa bình, quyết định bởi cách hai nguyên thủ Narendra Modi và Shinzo Abe hợp tác với nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Modi và Abe chính là tình bạn lâu năm chứ không phải vừa bắt đầu. Tình cảm thắm thiết giữa hai nguyên thủ Ấn Độ và Nhật Bản đã khiến Trung Quốc tức giận, cáo buộc Tokyo đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Bản thân Trung Quốc đang cố “lấy lòng” Ấn Độ khi nhiều lần phát đi tuyên bố rằng, ông Modi là “chiến hữu” của Chủ tịch Tập và, vì lẽ đó, New Delhi là “hàng xóm thân thiện” chứ không phải “kẻ thù” của Bắc Kinh. Chủ tịch Tập đã phát hiện thấy “luồng gió mới” kể từ khi ông Narendra Modi trúng cử, và sẵn sàng hỗ trợ ông trong nỗ lực trẻ hóa Ấn Độ. Tuy nhiên có vẻ như hành trình chinh phục trái tim của Thủ tướng Modi còn khá gian nan khi ông Modi bộc lộ ngay tình cảm với Nhật Bản và người đứng đầu Chính phủ Shinzo Abe. Đặc biệt, điều khiến Trung Quốc không khỏi “nóng mặt” là việc Ấn Độ và Nhật Bản có thể hình thành một liên minh để ứng phó với quốc gia này.

Trong bối cảnh hiện tại, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có mong muốn tăng cường quan hệ song phương nhằm “hạn chế những hành động” của Trung Quốc. Năm 2015, Trung Quốc đã trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai sau Mỹ. Theo truyền thông Nhật Bản, mục đích tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là muốn mở rộng quân sự ra thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia lớn có những phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc trong vấn đề quân sự. Hơn nữa, trong những năm gần đây, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều gia tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc e ngại điều này sẽ tạo nên một “luận thuyết uy hiếp” đối với Trung Quốc, tạo nên sự kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á chống Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng đang tích cực hợp tác với Ấn Độ - mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ khi mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản trong nhiều năm qua luôn trong trạng thái đối đầu với Trung Quốc. Ấn Độ là một nước lớn, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ để bán tàu ngầm cho Ấn Độ, giúp Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc “cạnh tranh nước lớn”. Theo tờ Thời báo Ấn Độ, nếu kế hoạch mua bán tàu ngầm giữa hai nước thành công thì đây sẽ là “một đòn đau, một cơn ác mộng” đối với Trung Quốc. Rõ ràng, như phân tích ở trên, ngoài quan hệ hai nước Ấn Độ - Nhật Bản đơn thuần, việc hai nước tăng cường quan hệ thực chất ở lĩnh vực quốc phòng cũng nhằm đối phó với những tình huống khẩn cấp mang tính toàn cầu, hạn chế những hành động “đe dọa” từ bên ngoài đối với sự ổn định và an ninh của hai nước nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á nói chung. Trên thực tế, không một đối tác nào đóng vai trò quyết định trong cuộc chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ bằng Nhật Bản và không một thân hữu nào lại quan trọng hơn Nhật Bản trong việc biến giấc mơ kinh tế của Ấn Độ thành hiện thực. 

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc qua biên giới Himalaya và quần đảo Senkaku. Hai nhà lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, phản đối yêu sách đơn phương của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này. Từ đó, hai nhà lãnh đạo cùng nói đến tình hình biển Đông và đưa ra những kêu gọi sâu sắc nhất. Bởi vì, Biển Đông có yên ổn thì Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mới bình lặng để Ấn Độ và Nhật Bản cùng thịnh vượng với các nước trong khu vực. Chính quyền Narendra Modi không bao giờ muốn Trung Quốc kiểm soát các cửa ngõ vào Thái Bình Dương, vì điều này sẽ đe dọa trực tiếp sự tiếp cận của Ấn Độ với các đối tác và thị trường ở Đông Á. Thế nên, Thủ tướng Modi đã đưa ra cam kết hợp tác an ninh - tự do hàng hải trên các vùng biển trải dài từ Đông Phi đến Tây Thái Bình Dương. Trong đó, Tokyo là trung tâm của chiến lược này với vai trò đồng minh châu Á thân cận nhất của Washington - cũng chính là đối tác được ưa thích nhất của New Delhi. Từ đây, Ấn Độ và Nhật Bản nỗ lực xây dựng một liên minh hàng hải đối lập, chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển châu Á.

Thời gian gần đây, chính quyền Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để đối phó với ảnh hưởng và chiến lược cắt lát của Trung Quốc. Những cuộc gặp gỡ giữa Shinzo Abe và Narendra Modi không đơn giản chỉ là tìm cách khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại, nó còn báo trước một sự thay đổi ở châu Á, hình thành bởi sự cân bằng quyền lực được tạo ra từ các không gian chiến lược, bối cảnh chính trị cho các nước tự do phát triển. Tương lai quan hệ Ấn - Nhật có ý nghĩa rất lớn, Trung Quốc không thể thống trị châu Á một khi Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hướng tới mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện, ổn định hơn…

Như vậy, về cơ bản, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều hiểu rằng, ASEAN là trung tâm của cấu trúc an ninh đang nổi lên tại Đông Á, là cơ sở tốt nhất cho sự dung hòa các lợi ích khác nhau của những nước có vai trò chủ chốt trong khu vực. Các diễn đàn kinh tế và an ninh ở khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Thượng đỉnh Đông Á - EAS, Diễn đàn khu vực ARF... là các quá trình song song, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Việc các cường quốc khu vực liên kết với nhau qua các mối quan hệ hợp tác chiến lược và chia sẻ lợi ích chung đang ngày càng trở nên quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định tại thời điểm những chuyển dịch lớn về quyền lực chính trị và kinh tế đang làm gia tăng những thách thức an ninh Châu Á. Khi Châu Á đang trong quá trình chuyển giao, với nguy cơ tiềm ẩn về mất cân bằng quyền lực đang ngày càng lan rộng, Tokyo hơn lúc nào hết muốn liên kết chặt chẽ với Ấn Độ, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh và kinh tế, một mặt nhằm củng cố hơn vai trò và vị trí của nước này tại Đông Á và Đông Nam Á, mặt khác giúp Nhật Bản có thêm đồng minh trong chiến lược kiềm chế ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực. Về phía Ấn Độ, một Chính sách Hướng Đông hiệu quả sẽ trở thành "xa lộ" trực tiếp đưa nước này hội nhập với châu Á - Thái Bình Dương và tham gia chương trình "thế kỷ châu Á". Các mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ đòi hỏi những quan hệ lâu dài và tinh tế với Mỹ, một mối quan hệ kinh tế tốt với Đông Nam Á và sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với Nhật Bản. Mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản giúp gia tăng lợi ích tương hỗ, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò địa - chính trị của Ấn Độ tại Đông Nam Á. Có thể nói, quan hệ hợp tác cùng phát triển Nhật Bản - Ấn Độ không chỉ mang lại lợi ích cụ thể đối với mỗi quốc gia mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội cho sự ổn định và phát triển của Châu Á. Mối quan hệ này được dự đoán là sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, góp phần vào mục tiêu đảm bảo vững chắc hòa bình và an ninh trong toàn khu vực. (Xem tiếp phần 4)

* Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục