Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó (Phần 3)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó (Phần 3)

Bài viết cho Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2015.

02:57 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Xem tiếp phần 2)

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và ý nghĩa của nó

TS Võ Xuân Vinh*

Trong khi Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông song phương với các nước liên quan thì Ấn Độ lại ủng hộ giải quyết vấn đề bằng cách tiếp cận đa phương. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình NDTV 24x7 vào ngày 23/11/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid cho hay, Ấn Độ chấp nhận nhiều hơn với cách tiếp cận đa phương[1].

Ấn Độ cũng đã khẳng định mạnh mẽ sự kiên quyết trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông. Khi được yêu cầu bình luận về những vụ xâm nhập của các đội quân Trung Quốc vào khu vực Ladakh và sự phản đối của Trung Quốc về các hoạt động thăm dò dầu mỏ của các công ty Ấn Độ ở Biển Đông, bên lề một sự kiện hải quân vào tháng 9/2011, Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng của Ấn Độ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, cũng giống như các nước khác muốn khẳng định các quyền của mình…. Là một nước, chúng tôi hiểu rất rõ các quyền và lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ”[2]. Quan ngại trước việc hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa nhanh chóng[3], Ấn Độ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình ở Biển Đông, thậm chí hải quân nước này còn đề cập tới khả năng điều tàu chiến đến vùng biển này để bảo vệ các lợi ích của quốc gia, cụ thể là các lô thăm dò do công ty ONGC Videsh thực hiện. Phát biểu tại cuộc họp báo vào đầu tháng 12/1012, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc D. K. Joshi đã khẳng định: “ONGC Videsh có ba lô thăm dò ở đó (Biển Đông). Chúng tôi sẽ được yêu cầu đến đó và chúng tôi đã chuẩn bị”[4]. Đô đốc D. K. Joshi cũng tiết lộ rằng, hải quân Ấn Độ đã có các cuộc diễn tập cho nhiệm vụ này. Người đứng đầu hải quân Ấn Độ cũng khẳng định lại quan điểm của nước này về phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, đó là “không chỉ chúng tôi mà tất cả mọi người đều có quan điểm cho rằng, các tranh chấp phải được giải quyết bởi các bên liên quan phù hợp với quy định quốc tế được ghi trong UNCLOS, đó là yêu cầu đầu tiên của chúng tôi”[5].

Có một điểm rất thú vị là, Thủ tướng Ấn Độ, trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2013, đã dùng thuật ngữ East Sea[6] một cách trực diện khi nói về Biển Đông. Kể từ năm 2011, thuật ngữ East Sea/South China Sea cũng được sử dụng thay cho thuật ngữ South China Sea trong các văn bản song phương Việt Nam - Ấn Độ[7].

Hợp tác quân sự

Hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực thành công nhất trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. Trong chuyến thăm tới Việt Nam của Thủ tướng N. Rao vào năm 1994, Việt Nam và Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng, và với sự kiện này, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. “Từ đó, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam đạn dược, chất nổ đẩy, lốp máy bay MiG, phụ tùng và ắc quy máy bay Silver Oxide”[8]. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes vào năm 2000, Ấn Độ đã ký với Việt Nam một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như đào tạo hải quân chung, tập trận chống cướp biển ở Biển Đông, đào tạo chiến tranh rừng rậm, đào tạo chống nổi loạn; đào tạo tại Ấn Độ cho phi công không quân Việt Nam; chương trình Ấn Độ sửa chữa máy bay chiến đấu MiG cho Việt Nam. Trong chuyến thăm tới Việt Nam năm 2007, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony đã thông báo rằng, Ấn Độ sẽ cung cấp 5.000 phụ tùng cho các tàu lớp Petya của Việt Nam. Ông cũng nói thêm rằng, Ấn Độ cũng sẽ cử một đội gồm 4 thành viên đến Việt Nam để giúp đào tạo cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào nửa đầu năm 2008. Hai nước cũng đã nhất trí tạo thuận lợi cho việc ký một MoU về hợp tác quốc phòng. Kết quả là, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tới Ấn Độ vào tháng 11/2009, hai bộ trưởng quốc phòng của hai nước đã ký MoU về hợp tác quốc phòng[9].

Quan hệ chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được nâng lên một bước khi Ấn Độ quyết định dành cho Việt Nam khoản tín dụng để mua các trang thiết bị quân sự của Ấn Độ và Ấn Độ bán cho Việt Nam những vũ khí chiến lược. Đầu năm 2015, cơ sở quốc phòng có trụ sở ở Kolkata - PSU Garden Reach Shipbuilders and Engineers Ltd (GRSE) - đã hoàn thành việc thiết kế một loạt các tàu tuần tra nhanh 140 tấn cho Hải quân Việt Nam. Khoản tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam là để mua số tàu này. Điều đáng nói ở đây là lần đầu tiên một cơ sở đóng tàu Ấn Độ được giao nhiệm vụ thiết kế và đóng tàu chiến do nước mua hàng thiết kế[10]. Tháng 10/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định rằng, các tàu hải quân kể trên sẽ sớm được giao cho Việt Nam[11]. Trước đó, vào tháng 9/2014, New Delhi lên tiếng xác nhận rằng, Ấn Độ đang tiến hành các cuộc đàm phán với Việt Nam về việc cung cấp cho Việt Nam các tên lửa BrahMos. Tên lửa Brahmos là sản phẩm phát triển chung giữa Ấn Độ và Nga nên quyết định bán loại tên lửa hành trình này cho Việt Nam yêu cầu phải có sự chấp thuận của cả hai Chính phủ Ấn Độ và Nga. Rất may là, Moscova đã lên tiếng (dù chưa chính thức) cho phép New Delhi cung cấp loại tên lửa này cho Việt Nam[12].

Ấn Độ cũng đã và đang giúp Việt Nam đào tạo quân nhân, đặc biệt là thủy thủ điều khiển tàu ngầm và phi công. Kể từ khi lực lượng hải quân Việt Nam triển khai các tàu ngầm hiện đại, bao gồm cả các tàu ngầm lớp Kilo, hải quân Ấn Độ đã bắt đầu đào tạo một lượng lớn thủy thủ vận hành tàu ngầm và chiến đấu dưới nước. Việc đào tạo “các hoạt động chiến đấu dưới nước toàn diện” cho các thủy thủ Việt Nam vẫn đang được tiến hành ở Trường tàu ngầm (INS Satavahana) của hải quân Ấn Độ ở Visakhapatnam[13]. Theo dự tính, trong năm 2015 này, Việt Nam sẽ có một đội 36 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 do Nga sản xuất và xem ra Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam đào tạo phi công điều khiển các loại chiến đấu cơ này, theo các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ[14].

Như vậy, qua nhiều thập kỷ hợp tác, quan hệ quốc phòng đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn thứ hai về trang thiết bị quân sự, vũ khí chiến lược cũng như đào tạo quân nhân cho Việt Nam, chỉ sau Liên bang Nga. (Xem tiếp phần 4)

* Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.


[1] Bhasin, Avtar Singh (2013), India’s Foreign Relations-2012 Documents, Geetika Publishers, New Delhi, pp.193-194.

[2] China may assert itself but India will protect its rights: Minister of State for Defence M M Pallam Raju, The Economic Times, Sep 16, 2011.

[3] We’ll send force to protect our interests in South China Sea, says Navy chief, The Hindu, December 3, 2012

[4] We’ll send force to protect our interests in South China Sea, says Navy chief, The Hindu, December 3, 2012

[5] We’ll send force to protect our interests in South China Sea, says Navy chief, The Hindu, December 3, 2012

[6] Prime Minister’s speech at the banquet hosted in the honour of the General Secretary of the Communist Party of Vietnam, November 20, 2013, http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/22511/Prime_Ministers_speech_at_the_banquet_hosted_in_the_honour_of_the_General_Secretary_of_the_Communist_Party_of_Vietnam

[7] See Joint Statement on the occasion of the visit of the President of Vietnam, October 12, 2011, http://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/5341/Joint_Statement_on_the_occasion_of_the_visit_of_the_President_of_Vietnam

[8] Nanda, Prakash (2003), Rediscovering Asia: Evolution of India’s Look East Policy, Lancer Publishers & Distributors, New Delhi, p. 389.

[9] Ministry of Foreign Affairs (Government of India), Annual Report 2009-2010, p.26.

[10] Siddiqui, Huma (2015), A milestone at Garden Reach; GRSE places India in warship exporters’ club, The Financial Express, January 13, 2015, http://www.financialexpress.com/article/economy/a-milestone-at-garden-reach-grse-places-india-in-warship-exporters-club/29712/

[11] Miglani, Sanjeev (2014), India to supply Vietnam with naval vessels amid China disputes, Reuters, Oct 28, 2014, http://in.reuters.com/article/2014/10/28/india-vietnam-idINKBN0IH0L020141028

[12] Bhaumik, Anirban (2014),  India plans to supply Vietnam BrahMos missiles, Deccan Herald, Sep 12, 2014, http://www.deccanherald.com/content/430576/india-plans-supply-vietnam-brahmos.html

[13] Ghosh, P K (2014), India’s Strategic Vietnam Defense Relations, The Diplomat, November 11, 2014, http://thediplomat.com/2014/11/indias-strategic-vietnam-defense-relations/

[14] Korablinov, Alexander (2014), India to train Vietnamese pilots to fly Sukhoi fighters, Russia and India Report, August 27, 2014, http://in.rbth.com/economics/2014/08/27/india_to_train_vietnamese_pilots_to_fly_sukhoi_fighters_37859.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục