Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ từ khi nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện (Phần 1)

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ từ khi nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện (Phần 1)

03:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Hoàng Thị Bích Loan*

1. Thành tựu trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

1.1. Quan hệ thương mại

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển. Những năm gần đây, mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được triển khai, góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2017 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, khi hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược, 25 quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN,... Đây là những dấu son quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển bền vững và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Đồng thời, việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam năm 2016 là cột mốc quan trọng cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm, với kim ngạch thương mại song phương năm 2015 đạt tới 5,1 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ là hơn 2,6 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 2,74 tỷ USD năm 2010 lên 5,4 tỷ USD năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 2,7 tỷ USD, tăng 8,8% và nhập khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm 2015. Cán cân thương mại tiếp tục được thu hẹp theo hướng cân bằng hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về thời gian (Ấn Độ tính năm tài khóa từ ngày 1/4 và kết thúc vào 31/3 hàng năm), cũng như về phương pháp, giá thống kê, giao dịch qua nước thứ ba, cách thức phân loại hàng hóa…, hiện nay, số liệu thống kê giữa hai nước có sự chênh lệch lớn. Theo thống kê từ phía Ấn Độ, trong năm tài chính 2015 - 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,9 tỷ USD, trong đó, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt  2,6 tỷ USD [1].

Trong năm 2017, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 12 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới. Xét riêng trong châu Á, quốc gia này là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam; Tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2017 đạt khoảng 7,63 tỷ USD, tăng mạnh 40,5% so với kết quả thực hiện trong năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt gần 3,76 tỷ USD, tăng 39,7% so với năm 2016, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác thương mại trong năm 2017. Nhập khẩu các hàng hóa có xuất xứ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 3,87 tỷ USD, tăng 41,2% so với năm 2016, chiếm 1,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước trong năm 2017…[2]. Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ 5 tháng đầu năm 2018 đạt 2,75 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực, từ hàng nông sản, nguyên liệu phục vụ sản xuất sang hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, cao su, hóa chất, cà phê, hạt tiêu, sợi…Trong đó, nông sản là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, giá phù hợp; Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ trong những năm qua chủ yếu chú trọng vào các nhóm hàng máy móc phụ tùng và thiết bị điện tử. Trong đó, tính riêng trị giá xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2017 đã đạt 1,04 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Một số mặt hàng xuất khẩu chính khác bao gồm: Kim loại thường khác; Máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; Máy vi tính; Hóa chất… Ấn Độ là một trong những quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất, các mặt hàng nhập khẩu có sự đa dạng về chủng loại, ngành hàng và khá đồng đều về kim ngạch. Các mặt hàng nhập khẩu chính có xuất xứ từ Ấn Độ được các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu trong năm 2017 là: Sắt thép các loại đạt 811 triệu USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ quốc gia này; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 512 triệu USD, chiếm 13,2%; Hàng thủy sản đạt 357 triệu USD, chiếm 9,2%…[2].

Có thể thấy, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là các mặt hàng dùng làm nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh, không có mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cao cấp. Giá cả và chủng loại hàng hóa từ thị trường Ấn Độ đối với một số mặt hàng như đậu tương, ngô hạt, bông các loại, hóa chất, dược phẩm, chất dẻo,... có sức cạnh tranh hơn so với nhập khẩu từ các thị trường khác như thị trường châu Mỹ, châu Âu do quãng đường vận tải ngắn hơn nên tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển. Những số liệu trên cho thấy, Việt Nam - Ấn Độ đã trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của nhau, luôn được nuôi dưỡng trong sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, chắc chắn sẽ ngày càng thêm nhiều sinh lực để gắn kết sâu sắc, phát triển đi lên và sâu rộng hơn.

1.2. Quan hệ đầu tư

Việt Nam đang trở thành đích đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ. Hết năm 2015, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký 439 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 9/2016, Ấn Độ đã đầu tư thêm 85 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư lên 524 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, chế biến nông sản,…[3].

Đến hết tháng 11/2017, tổng vốn đăng ký đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 756 triệu USD, với 168 dự án đầu tư tại 24 tỉnh, thành phố, đứng thứ 28/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học,… Hợp tác dầu khí phát triển tốt; trong lĩnh vực điện, Tập đoàn TATA Ấn Độ đang triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (trị giá 1,8 tỷ USD), dự kiến hoàn thành năm 2022. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua dự án thành lập “Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam - Ấn Độ (VIEDC)” và Biên bản ghi nhớ về hợp tác doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ [4].

Ấn Độ hiện có 176 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 814 triệu USD, đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ. Đáng chú ý, trong lĩnh vực dầu khí, ngoài 3 lô dầu khí các doanh nghiệp Ấn Độ đang khai thác, mới đây Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu khí nữa trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đang ngày càng tăng, hiện ở mức hơn 1,2 tỷ USD và sẽ tăng gấp ba trong vài năm tới, khi một số dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng đi vào hoạt động hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất chè, cà phê,... Mới đây, Tập đoàn Tata Coffee Limited của Ấn Độ đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan sấy lạnh hiện đại tại Bình Dương với số vốn đầu tư lên tới 63 triệu USD[5].

2. Những hạn chế và rào cản trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ thì cũng còn tồn tại không ít những hạn chế, rào cản chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước, gây cản trở mối quan hệ hai nước, cụ thể:

Một là, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai bên, nhất là từ phía Việt Nam còn ít; các cơ chế hợp tác giữa hai bên chưa phù hợp, chưa có đủ điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế; Doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Có thể thấy, một trong những khó khăn từ phía doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ là khả năng hiểu biết thị trường Ấn Độ còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm nhiều đến thị trường Ấn Độ. Doanh nghiệp ít chủ động khảo sát thị trường và tham gia các triển lãm ngành hàng để tiếp cận khách hàng mà vẫn xuất khẩu qua trung gian. Hiểu biết về thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng, khả năng đàm phán giao dịch hợp đồng ngoại thương, nắm bắt phong tục tập quán kinh doanh còn hạn chế là những rào cản cơ bản để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và phát triển thị trường. Do vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Hai là, cơ cấu kinh tế của hai nước khá tương đồng nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm mỗi bên chưa cao; Những thế mạnh về sản phẩm của Ấn Độ, nhiều thứ cũng là thế mạnh của Việt Nam, tính bổ sung giữa hai nền kinh tế không nhiều. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và của Ấn Độ tại Việt Nam còn hạn chế so với sản phẩm của nhiều nước như Trung Quốc, ASEAN,… sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu; thực tiễn các vụ kiện chống bán phá giá diễn ra trong thời gian qua cho thấy, đây là rào cản lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam khi cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Như vậy, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ còn gặp rất nhiều trở ngại mà nếu Việt Nam không nhận thức đầy đủ và không có đối sách kịp thời thì những lợi ích trong mối quan hệ Việt - Ấn vẫn nghiêng về phía bạn.

Ba là, Ấn Độ thường áp dụng các biện pháp rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu, do vậy hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ấn Độ đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng sợi nhập khẩu trong đó có sợi vải của Việt Nam năm 2009. Không chỉ là nước sử dụng nhiều biện pháp phòng hộ thương mại, Ấn Độ còn là nước sử dụng nhiều nhất các biện pháp chống bán phá giá, với 656 vụ kiện bán phá giá, tiếp đến là Mỹ và EU. Hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. (Xem tiếp phần 2)


* Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục