Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ từ khi nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện (Phần 2)
PGS, TS Hoàng Thị Bích Loan*
Bốn là, những khó khăn mà các doanh nghiệp Ấn Độ đang gặp phải đó là vẫn là hành lang pháp lý còn nhiều điều chưa rõ ràng. Theo Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhưng vẫn có những lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên chưa phát huy được tiềm năng sẵn có.
Năm là, một trong những rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, thúc đẩy mối quan hệ đối tác là sự bất đồng về ngôn ngữ chưa được cải thiện, mà tại các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan…không gặp phải; đồng thời cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam tương đối nhỏ so với các nước khác trong khu vực.
Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý và khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng như sự trùng hợp về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu giữa hai nước, song với sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp; việc tạo điều kiện thuận lợi của chính phủ hai nước như tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại hay diễn đàn doanh nghiệp… sẽ là động lực mang ý nghĩa to lớn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn độ phát triển ngày càng sâu rộng và đi vào thực chất.
3. Một số khuyến nghị đẩy mạnh quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới; Nền tảng lâu đời của mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, chính sách hướng đông của Ấn Độ cũng như công cuộc đổi mới của Việt Nam là những yếu tố thuận lợi giúp mang lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên đã ký kết Chương trình Hành động nhằm triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện nhân dịp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ năm 2017. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa hai vị Thủ tướng sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Viên Chăn và Manila. Đây sẽ là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo nhìn lại toàn bộ các vấn đề của mối quan hệ song phương và tiếp tục đề ra lộ trình tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam đang là một trong những chương trình được Chính phủ hai nước quan tâm thúc đẩy trong giai đoạn 2016 -2020. Để đẩy mạnh quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế; Chủ động xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp từng bước phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế nhằm tạo hành lang pháp lý có hiệu lực, đảm bảo sự bình đẳng, an toàn cho mọi chủ thể hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Hoàn thiện pháp luật thương mại theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, tạo cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Hai là, đầu tư xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam; Đây là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, nhưng do xuất thô quá nhiều nên giá trị thu lại không cao; Và phải bán qua trung gian, nên chúng ta thường bị bị ép giá, nhất là khi xuất khẩu với số lượng lớn. Do vậy, để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam bằng cách nâng cao, cải tiến các tiêu chuẩn hàng nông sản nội địa. Các doanh nghiệp cần đầu tư, nghiên cứu tạo ra một số hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có thương hiệu Việt Nam, có sức cạnh tranh, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu doanh nghiệp là những vấn đề cần được quan tâm bởi những lợi ích đặc biệt mà nó mang lại. Để doanh nghiệp đứng vững trong cạnh tranh, mà cái đích cuối cùng của doanh nghiệp là phải làm thế nào để sản phẩm của mình bán được nhanh nhất, nhiều nhất thì cần phải nhận thức được ích lợi của thương hiệu như một công cụ hữu hiệu để củng cố vị trí và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và có những hướng ưu tiên cho việc xây dựng thương hiệu nhằm mang tới người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Ba là, chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thị trường; Để khai thác tốt hơn những lợi thế, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường nông sản Ấn Độ, nắm bắt kịp thời nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, đổi mới mẫu mã, bao bì, đưa ra chiến lược cạnh tranh về giá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi trồng, sản xuất nông lâm thủy sản, hệ thống phân phối, giao lưu hợp tác quốc tế, đặc biệt chú ý về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Ấn Độ. Mạnh dạn đưa hàng nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường Ấn Độ bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Để nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại thì chiến lược xây dựng hình ảnh và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam là cực kỳ cần thiết. Tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại trong việc cung cấp thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội việc làm, tư vấn pháp lý về các lĩnh vực liên quan đến thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm về các hàng hóa tổ chức tại Ấn Độ nhằm quảng bá, giới thiệu các mặt hàng của mình một cách sâu rộng hơn.
Bốn là, hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng liên kết và hiện đại. Cần phải chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông vận tải, đường cáp quang truyền dẫn, sân bay quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế, tiếp tục hiện đại hóa hệ thống sân bay, bến cảng, bưu chính viễn thông có tính khu vực và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng các phương thức phát triển hiện đại như thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế.
Năm là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ, nắm vững luật lệ, pháp luật và có năng lực đàm phán quốc tế, có đủ kinh nghiệm quản lý cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết luận
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện với nhiều thành tựu quan trọng; Là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, triển vọng tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới là hết sức to lớn. Với dân số trên 1,3 tỷ người, có sức mua lớn thì Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong những năm gần đây, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại được triển khai, góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng nồng ấm hơn khi có ngày càng nhiều các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Sự gặp gỡ nhau giữa chính sách hướng Đông của Ấn Độ và chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam khiến mối quan hệ hai bên trở nên phong phú hơn, thể hiện trên tất cả các phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế.
Để mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất, sâu sắc và hiệu quả hơn, trong đó trụ cột then chốt là mối quan hệ kinh tế, thương mại; cần có sự quan tâm thường xuyên của Lãnh đạo hai nước, cần phát triển những chương trình nghiên cứu và hợp tác cụ thể, tăng cường giao lưu cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan hữu quan nhằm trao đổi thông tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cần nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả hai bên; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, giới thiệu về bản thân mỗi bên. Tăng cường và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tham vấn giữa các cơ quan liên quan; trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: công nghệ thông tin, dệt may, da giày, năng lượng, năng lượng tái tạo, điện, các sản phẩm nông nghiệp như: chè, cà phê, tiêu…Đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Tài liệu tham khảo
1. Việt Nam - Ấn Độ: Thúc đẩy mối quan hệ thương mại; http://kinhtedothi.vn.
2. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng trưởng ngoạn mục; http://tapchitaichinh.vn.
3. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; http://soha.vn.
4. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hình mẫu của sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả; http://dangcongsan.vn
5. Viết tiếp chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; http://baoquocte.vn.
* Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục