Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 01 năm 1972 và tuy trải qua nhiều chính phủ thuộc các đảng khác nhau cầm quyền, nhưng Ấn Độ luôn duy trì quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam. Một trong những lĩnh vực đó là hợp tác quốc phòng.

02:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân*

Quan hệ quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực

 Trong thập niên qua, Ấn Độ và Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên trao đổi về các vấn đề chính trị - quân sự trong khu vực và những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Quan hệ hợp tác quốc phòng không dừng ở công tác đào tạo cán bộ quân sự, Ấn Độ còn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực nhạy cảm, như hợp tác tình báo, hợp tác nghiên cứu chiến lược..., thể hiện độ tin cậy chính trị cao.

Về hợp tác tình báo, Ấn Độ hợp tác sâu với Việt Nam ở các cấp chiến thuật, chiến dịch; về nguyên tắc, hai bên có thể trao đổi một số chuyên viên tình báo sang làm việc tại mỗi nước.

Về hợp tác nghiên cứu chiến lược, các cơ quan chức năng hợp tác trao đổi kết quả nghiên cứu chiến lược, đúc kết kinh nghiệm chiến đấu của quân đội hai nước, không tuyên truyền sản phẩm nghiên cứu, chỉ để phục vụ quân đội hai nước.

Hai bên mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng. Việt Nam sẽ sử dụng phần lớn gói tín dụng 100 triệu USD do Ấn Độ cho vay, để mua 5 tàu tuần dương, chống cướp biển cũng như những nhiệm vụ quốc phòng khác. Sau khi hợp đồng được ký kết, đây sẽ là đợt chuyển giao công nghệ quân sự quan trọng đầu tiên của Ấn Độ cho Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam có thể sẽ mua một số thiết bị trinh sát do Ấn Độ sản xuất như thiết bị bay không người lái hoặc tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.

Thể hiện rõ ràng trách nhiệm, lập trường ủng hộ Việt Nam về Biển Đông

Từ năm 2010, Ấn Độ tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất (năm 2010), Ấn Độ công khai khẳng định trách nhiệm của mình đối với an ninh khu vực châu Á – Thái Bình dương, nhấn mạnh yêu cầu giải quyết an ninh của các tuyến đường giao thông trên biển và nạn cướp biển. Những khẳng định trách nhiệm nói trên thể hiện sự quan tâm to lớn của Ấn Độ đối với vấn đề mà các nước trong khu vực trông đợi.

Trong Tuyên bố chung giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch Trương Tấn Sang nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 9-2014 cũng như Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 10-2014, hai nước đều nhất trí tự do hàng hải và hàng không là không thể ngăn cản, tất cả các bên nên kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kêu gọi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Cả hai tuyên bố ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) và kêu gọi hợp tác trong việc đảm bảo an ninh các tuyến đường biển và các hoạt động chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn.

Mặc dù bị sức ép, Ấn Độ vẫn kiên trì hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam, đưa tàu Hải quân đến thăm thiện chí và diễn tập cùng Hải quân Việt Nam. Dù không muốn bị lôi cuốn vào “trò chơi lớn” đang lộ rõ ở châu Á-Thái Bình dương, Ấn Độ khẳng định: tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế như Biển Đông.

Hiện Ấn Độ đã kết nối chặt chẽ với 24 nước từ bờ biển phía Đông châu Phi tới Biển Đông để trao đổi các thông tin dữ liệu tàu thuyền trong dự án nhận thức hàng hải quốc gia (NMDA) nhằm tăng cường an ninh để đối phó với các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống.

Một số điều rút ra từ quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ

(1) Ngay từ những năm 1950 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã thể hiện tầm tư duy chiến lược nhạy bén, sâu sắc về quan hệ với Việt Nam, trong đó có giao lưu tàu quân sự mặc dù chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này có thể thấy sự khéo léo của ngoại giao Ấn Độ không làm mất lòng hai nước lớn đứng đầu hai phe hồi ấy cũng như tìm cách duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian sau năm 1954 đến khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức tháng 1/1972 với Việt Nam.

Trải bao năm tháng, đổi thay thời cuộc từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến lược của Ấn Độ ngày càng rõ ràng, không xa rời mục tiêu: coi trọng quan hệ với Việt Nam. Khi thời cơ chín muồi, Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và thiết lập quan hệ quân sự.

Vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực thể hiện qua triển khai  chính sách “Hướng Đông”[1]. Ấn Độ luôn nhấn mạnh Việt Nam là trụ cột trong chính sách “Hướng Đông" và "Hành động hướng Đông". Đây chính là lợi ích của Ấn Độ khi phải đối diện với một cường quốc lớn khác ở châu Á có nhiều tham vọng về lãnh thổ, đã từng và có khả năng xung đột vũ trang trực tiếp với Ấn Độ.

 (2) Quan hệ hợp tác quốc phòng từng bước phát huy hiệu quả, ngày càng mở rộng, từ lĩnh vực đơn giản đến ngày càng nhạy cảm, thể hiện tin cậy lẫn nhau ngày càng sâu sắc, đưa quan hệ quốc phòng thực sự trở thành một trong những “trụ cột” của quan hệ đối tác chiến lược[2] giữa hai nước.

Hiệu lực thực tế của quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước thể hiện hiệu quả trong những năm gần đây, khi Việt Nam tiến hành “đa dạng hóa, đa phương hóa” các quan hệ đối ngoại quốc phòng.

(3) Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ, Ấn Độ - Việt Nam, về cơ bản là theo chiều Ấn Độ hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam là chính. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phát huy thế mạnh hiện có để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ.

Ấn Độ coi trọng, cơ bản đáp ứng tích cực các đề xuất của Việt Nam, thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng một cách thực chất có hiệu quả.

(4) Triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước là tươi sáng. Hai nước có những điểm đồng về chiến lược, có lợi ích tương đồng về đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông; hai nước không liên minh quân sự nên không đe dọa lợi ích của bất cứ nước thứ ba nào, ủng hộ và đấu tranh đòi tôn trọng luật pháp quốc tế... Các hành động của Ấn Độ (thúc đẩy quan hệ song phương, cung cấp tín dụng mua sắm trang bị cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và vai trò đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông) làm cho các nước hy vọng sẽ giảm bớt sự hung hăng của nước lớn khác đối với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm cách đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cũng như chính trị toàn cầu, mong muốn trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ ngày càng chú trọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, trong đó có quan hệ hợp tác quốc phòng, với Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến và tăng cường hơn nữa hợp tác với Ấn Độ./.


* Viện Chiến lược quốc phòng - Bộ Quốc phòng.

[1] Đây là sáng kiến của Thủ tướng Narasimha Rao, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính sách “Hướng Đông” ra đời năm 1993, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (1993-2003) tập trung vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn 2 (từ 2003 trở đi), phát triển quan hệ với Đông Nam Á theo chiều sâu, từ đó mở rộng ra quan hệ với Đông Bắc Á.

[2] Xem tại http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/204343/an-do-giup-vn-hien-dai-hoa-quoc-phong.html, truy cập lúc 15.25 ngày 09/8/2015.

Nguồn:

Cùng chuyên mục