Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới (Phần 1)

Bài viết giới thiệu Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, bao gồm nguyên nhân hình thành Chính sách Hướng Đông; nội dung của Chính sách Hướng Đông và những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ khi Ấn Độ triển khai chính sách này.

02:42 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới

ThS Đoàn Trung Dũng*

1. Sự xoay trục sang Hướng Đông của Ấn Độ từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ được đưa ra vào năm 1992, dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao, với chiến lược thắt chặt quan hệ kinh tế thương mại, tăng cường an ninh. Chính sách Hướng Đông hướng tới việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Ngoài ra, chính sách này còn tập trung vào hợp tác quân sự chiến lược với những quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Cùng với chính sách cải cách kinh tế, Chính sách Hướng Đông đã tạo nên một gương mặt mới cho Ấn Độ.

1.1. Nguyên nhân hình thành Chính sách Hướng Đông

Trong những năm trước 1990, Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai của châu Á, lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh hậu Chiến tranh Lạnh đã thực hiện chính sách không liên kết, hạn chế tham gia tổ chức chính trị, duy trì ổn định an ninh, chính trị. Nền kinh tế tự cung tự cấp đủ cho những nhu cầu cơ bản của quốc gia cùng với lịch sử từng là bán thuộc địa của thực dân Anh khiến đất nước này khép mình với phương Tây và đóng cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn có mối quan hệ tốt đẹp với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô. Nền kinh tế tự cung tự cấp cũng như Chính sách Không liên kết duy trì sự ổn định cho Ấn Độ cho tới những năm 1990. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX đánh dấu những thay đổi lịch sử khiến Ấn Độ không thể tiếp tục đóng cửa mà phải có những cải cách.

Nguyên nhân đầu tiên khiến Ấn Độ từ bỏ chính sách cũ là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Liên Xô được xem như là đối tác quan trọng của Ấn Độ về trao đổi vũ khí và Ấn Độ thiếu đi chỗ dựa vững chắc. Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với xu hướng toàn cầu hóa trên nhiều khu vực trên thế giới khiến Ấn Độ không thể duy trì tình trạng không liên kết. Xu thế toàn cầu hóa kéo các nước lại gần nhau và có nhiều hợp tác về kinh tế và chính trị. Ấn Độ không thể nào đứng ngoài vòng ảnh hưởng của xu thế này.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước khiến Ấn Độ nảy sinh những vấn đề kinh tế và xã hội. Nợ nước ngoài của Ấn Độ trong những năm tài khóa 1990 - 1991 lên tới 23%[1]. Ấn Độ mất đi chỗ dựa và gặp phải khó khăn do nền kinh tế gây ra. Trong khi Ấn Độ gặp phải những khó khăn trong và ngoài nước thì Trung Quốc, sau những cải cách kinh tế 1978, trở thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực.

Cần nói thêm rằng, Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia lớn trong khu vực và có tình trạng tranh chấp biên giới kéo dài, khó giải quyết. Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ cần có những cải cách để bắt kịp với sự phát triển của quốc gia này. Năm 1991, chính sách cải cách toàn diện nền kinh tế được đưa ra. Sau đó, Chính phủ Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông vào năm 1992 nhằm củng có quan hệ ngoại giao của Ấn Độ với các cường quốc láng giềng.

1.2. Nội dung Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ có thể được chia làm hai giai đoạn chính từ năm 1992 - 2002 và từ năm 2002 đến nay (2014). Trong giai đoạn đầu, trọng tâm của chính sách là thắt chặt quan hệ với ASEAN cùng với các nước thành viên trong tổ chức này với những hoạt động liên kết vốn đầu tư và hợp tác trong thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ.

Giai đoạn hai, chính sách này mở rộng ra các nước từ Australia tới khu vực Đông Á, bao gồm Đông Nam Á, Australia, New Zeland và các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương[2], với trọng tâm vẫn là ASEAN và Đông Nam Á. Giai đoạn này tập trung vào phát triển trao đổi thương mại và an ninh khu vực. Từ năm 2002 - 2003 đến năm 2008 - 2009, giá trị thương mại trao đổi giữa Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương đã tăng từ 27.463,06 triệu USD lên 142.792,37 triệu USD[3].

Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ có 4 mục tiêu chính, bao gồm cả cải cách nền kinh tế, duy trì sự phát triển nhanh, hòa nhập vào nền kinh tế trong khu vực và phát triển bền vững. Việc thắt chặt quan hệ kinh tế với Đông Á yêu cầu Ấn Độ phải nỗ lực trong cải cách nền kinh tế và hệ thống đầu tư. Ngoài ra, thông qua hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực Đông Á, Ấn Độ cũng kỳ vọng sẽ duy trì sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Mục tiêu thứ ba của Ấn Độ là theo đuổi nền kinh tế khu vực, theo lời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, “Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ cùng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế chính trong thế kỷ này”[4].

2. Quan hệ Việt Nam - Ấn độ: những bước phát triển mới

2.1. Trên lĩnh vực chính trị - chiến lược

Sau khi Việt Nam và Ấn Độ ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 7/2007, quan hệ chính trị chiến lược giữa hai bên đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc hiện thực hóa các vòng đối thoại chiến lược và sự ủng hộ của Ấn Độ đối với tự do hàng hải và cách tiếp cận tập thể trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là minh chứng rõ nét nhất.

Trong tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam  - Ấn Độ, hai nước “nhất trí tổ chức đối thoại chiến lược ở cấp Thứ trưởng ngoại giao”[5]. Kết quả là, ngày 15/10/2009, cuộc họp đối thoại chiến lược Việt Nam - Ấn Độ lần thứ nhất đã được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ. Cuộc đối thoại chiến lược thứ hai và tham vấn chính trị lần thứ năm Việt Nam  - Ấn Độ đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2011. Tại cuộc họp đối thoại thứ hai này, hai bên đã trao đổi các quan điểm liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Hai bên cũng thảo luận về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quân sự và an ninh, củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ[6]. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số ít các nước ở châu Á - Thái Bình Dương tổ chức đối thoại chiến lược với Ấn Độ[7](Còn tiếp)

* Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

[1] Vụ Đông Nam Á - Nam Á Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, “Ấn Độ - một cường quốc mới nổi lên”, Ấn Độ và Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, tr.31, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.

[2] Vụ Đông Nam Á - Nam Á Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, “Ấn Độ - một cường quốc mới nổi lên”, Ấn Độ và Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, tr.31, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.

[3] Võ Xuân Vinh, “Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và vị thế của Việt Nam”, đăng trong Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.158.

[4] M Singh, “PM’s address at the inauguration of New Capital Complex of Assam”, Dispur, 21 November 2004, http://pmindia.in/speech/content.asp?id=48.

[5] “Vietnam - India joint declaration on strategic partnership”, http://www.mofa.gov.vn/nr040807104143/nr040807105001/nr070709164916#IhrFZb14XT4F.

[6] “Vietnam, India hold second strategic dialogue”, 09/08/2011, http://news.gov.vn/Home/VN-India-hold-second-strategic-dialogue/20118/11290.vgp.

[7] “Ấn Độ tổ chức đối thoại chiến lược với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore”.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục