Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới (Phần 2)

Bài viết giới thiệu Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, bao gồm nguyên nhân hình thành Chính sách Hướng Đông; nội dung của Chính sách Hướng Đông và những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ khi Ấn Độ triển khai chính sách này.

02:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Những bước phát triển mới

ThS Đoàn Trung Dũng*

(Tiếp theo phần 1)

Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 10/2011, hai nước đã “nhất trí tăng cường mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và hợp tác phát triển nguồn nhân lực”[1]. Cũng trong chuyến thăm này, Việt Nam và Ấn Độ đã ký 6 văn bản hợp tác, bao gồm:

(1) Hiệp ước dẫn độ giữa Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

(2) Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ về Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ năm 2012;

(3) Thỏa thuận về Hợp tác giữa Petro Việt Nam và ONGC Videsh Limited trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt;

(4) Kế hoạch công tác giai đoạn 2011 - 2013 giữa Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trên lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục nông nghiệp và nghề cá;

(5) Chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa Ấn Độ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 -2014;

(6) Nghị định thư Hợp tác giữa Bộ Văn hóa Ấn Độ, Ủy ban Quan hệ văn hóa Ấn Độ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Hai bên có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực hợp tác và bảo đảm duy trì an ninh, ổn định trong khu vực thông qua việc cùng nhau ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn bản có tính chất cam kết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có khu vực Biển Đông.

Căn cứ vào luật pháp quốc tế, Ấn Độ khẳng định việc tiếp tục thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2011, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã tiếp tục khẳng định với người đồng cấp Việt Nam rằng, công ty ONGC của Ấn Độ sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở hai lô này và khẳng định rằng, việc Trung Quốc phản đối việc thăm dò của ONGC Videsh Ltd là “không có cơ sở pháp lý”[2].

Gần đây, trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí tiếp tục ủng hộ tự do đi lại ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp ở vùng biển này dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quan hệ chính trị - chiến lược giữa hai nước còn thể hiện ở các chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam của các tàu hải quân Ấn Độ. Kể từ năm 2000 cho đến nay đã có nhiều tàu hải quân của Ấn Độ cập các cảng và thành phố lớn của Việt Nam như: Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Về phần mình, kể từ năm 2008 cũng tham dự trong khuôn khổ các cuộc tập trận hai năm một lần có tên là MILAN ở vùng biển Ấn Độ Dương giữa hải quân Ấn Độ và hải quân một số nước khác như: Australia, Bangladesh, Philippin, Singapore, Thái Lan…

2.2. Trên lĩnh vực kinh tế

Quan hệ thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây có những tiến bộ đáng ghi nhận. Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ tăng từ 1,54 tỉ USD năm 2007 lên 22,75 tỉ USD năm 2010. Tỉ phần của Ấn Độ trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng từ 0,37% năm 2007 lên 1,37% năm 2010. Tỉ phần của Ấn Độ trong thương mại của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng từ 1,26% năm 2007 về 1,72% năm 2010. Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong trao đổi thương mại song phương với Ấn Độ đã giảm đáng kể, từ 1,1-1,18 tỉ USD năm 2007 xuống còn 770 triệu năm 2010.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể bỏ qua là dù tỉ phần thương mại của Ấn Độ trong tổng thương mại của Việt Nam là không lớn nhưng tỉ phần thương mại trong tổng thương mại của Ấn Độ còn nhỏ hơn rất nhiều, chỉ tăng từ 0,43% năm tài khóa 2006 - 2007 lên 0,6% năm tài khóa 2010 - 2011[3].

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn Độ ở Việt Nam, theo số liệu của Phòng Chính sách và Xúc tiến công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ, từ tháng 8 năm 1991 đến tháng 12 năm 2005, Việt Nam chỉ mới đầu tư khoảng 100 nghìn USD vào Ấn Độ. Cũng theo cơ quan này, từ tháng 8/1991 đến tháng 4/2001, tổng FDI của Việt Nam tại Ấn Độ là 130 nghìn USD[4].

Tính đến ngày 31/12/2010, Ấn Độ là nhà đầu tư lớn thứ 28 của Việt Nam với 50 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt 214 triệu USD[5]. Theo Vụ Châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công Thương Việt Nam), trong năm 2011, Ấn Độ đã có 9 dự án đầu tư mới tại Việt Nam với số vốn đăng ký 11,2 triệu USD. Một số dự án của Ấn Độ đi vào hoạt động năm 2011 là nhà máy cà phê hòa tan Ấn Độ tại Đắk Lăk, nhà máy chế tạo bột than đen tại Vũng Tàu, nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Tây Ninh… Ấn Độ đứng thứ 28/92 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 225 triệu USD[6].

2.3. Trên lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực

Hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt được những thành tựu lớn trong khuôn khổ của quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ cũng như trong khuôn khổ của các cam kết của Ấn Độ đối với các sáng kiến hội nhập ASEAN.

Việt Nam đã được hưởng lợi từ các chương trình học bổng của Ấn Độ như Chương trình Hợp tác kinh tế kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), Chương trình Học bổng văn hóa chung (GCSS), Chương trình Học bổng hợp tác Mekong - Sông Hằng (MGCSS), Chương trình Trao đổi văn hóa… Hằng năm Ấn Độ cấp cho Việt Nam 95 suất học bổng theo chương trình ITEC. Việt Nam mỗi năm cũng được Ấn Độ cấp 10 suất học bổng thuộc GCSS và khoảng 20 suất học bổng thuộc Chương trình Trao đổi văn hóa (CEP) của Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR)…

Với tư cách là đối tác đối thoại của ASEAN, Ấn Độ đã có những cam kết hỗ trợ nhất định đối với Kế hoạch công tác IAI. Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ nhất (2002) nhấn mạnh: “Ấn Độ thể hiện sự ủng hội IAI và cam kết nước này tham gia các dự án của IAI, đặc biệt là trong phát triển nguồn nhân lực (HRD) cũng như hỗ trợ các nước ASEAN mới”[7].

Với tư cách là thành viên của ASEAN (thuộc nhóm CLMV), Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ từ Ấn Độ trong khuôn khổ kế hoạch công tác IAI 1 và Kế hoạch công tác IAI 2, Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Việt Nam - Ấn Độ (VICELT) tại Đà Nẵng đã được khai trương vào tháng 2/2010. Trước đó, Trung tâm Phát triển doanh nhân Việt Nam - Ấn Độ (VIEDC) cũng đã được thành lập ở Hà Nội vào tháng 10 năm 2005. Ngày 16/9/2011, Trung tâm Nguồn lực chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông (ARC-ICT) Việt Nam - Ấn Độ đã được thành lập ở Hà Nội. Gần đây, Ấn Độ đã nhất trí hỗ trợ thành lập một Trung tâm Đào tạo tiếng Anh khác cho Việt Nam ở Học viện Ngoại giao.

Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ ngày càng xanh tươi, đơm hoa và kết trái. Mấy thập kỷ qua là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, toàn diện với nhiều thành tựu quan trọng trong mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây là cơ sở tốt để hai nước đưa quan hệ truyền thống tốt đẹp của mình lên một tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của hai nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngô Xuân Bình, Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cản hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.151.
  2. Department of Industria Policy & Promotion (Ministry of Commerce and Industry, India), Factsheet on Foreign Direct Investment, from August 1991 to April 2011, p.7.
  3. Lall Marie (2009), “India’s new forenign policy - the journey from moral non-alignment to the nuclear deal”, in The geopolitics of energy in South Asia, ISEAS Series on Energy, ISEAS, Singapore.
  4. Vụ Đông Nam Á - Nam Á Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, “Ấn Độ - một cường quốc mới nổi lên”, Ấn Độ và Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.31.
  5. Võ Xuân Vinh, “Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và vị thế của Việt Nam”, đăng trong Ấn Độ và Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.158.

[1] Joint Statement on the occation of the visit of the President of Vietnam, New Delhi, October, 12, 2011.

[2] “China object to oil hunt, India says back off”, Hindustan Times, September, 15, 2011, http://hindustantimes.com/China-object-to-oil-hunt-India-says-back-of/H1-Articlel-745854.aspx.

[3] Ngô Xuân Bình, Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.151.

[4] Department of Industry Policy & Promotion (Ministry of Commerce and Industry, India), Factsheet on Foreign Direct Investment, from August 1991 to April 2011, p.7.

[5] Bộ Công thương, “Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu” (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2010), http://tttm.vecita.gov.vn/dstk.aspx?NewID=404E&CateID=98, truy cập ngày 24/12/2011.

[6] Ấn Độ: Cánh cửa để hàng  Việt Nam vươn ra Nam Á, Vietnam, 19/12/2011, http://www.vietnamplus,vn/Home/An-Do-Canh-cua-de-Viet-Nam-vuon-ra-Nam-A/201112/118127.vnplus, cập nhật ngày 24/11/2011.

[7] Joint Statement of the First ASEAN-India Summit, Phnon Penth, 5 Nov 2002.

* Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục