Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 3)
Hai nước Việt Nam, Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời được khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu văn hóa, tôn giáo và thương mại. Sự thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2003 và quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 là những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Động lực bên trong nào đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI và quan hệ song phương trên lĩnh vực này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này tập trung làm rõ 3 vấn đề chính: chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam; quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong 2 thập niên đầu thế kỷ thứ XXI.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
TS. Nguyễn Quốc Dũng*
* Chính sách “Hướng Đông” và vị trí của Việt Nam trong chính sách đó
Theo tác giả Danielle Rajendram, Chính sách “Hướng Đông” được đề xướng dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao vào đầu những năm 1990s giữa thời điểm Ấn Độ đang trong tình trạng khó khăn cả về kinh tế và chính trị. Những căng thẳng địa chính trị đã dẫn tới Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế của Ấn Độ, gây ra sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng cân bằng thanh khoản vào giữa năm 1991. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy Ấn Độ tới chỗ phải tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế ở các khu vực động lực khác của châu Á.
Thêm vào đó, chính sách “Hướng Đông” còn được định hướng bởi 3 nhân tố đặc biệt. Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra khoảng trống kinh tế và chiến lược cho Ấn Độ, sự kết thúc của trật tự hai cực thời Chiến tranh Lạnh đã làm giảm đi sự phù hợp của lập trường không liên kết của Ấn Độ, sự mở cửa của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ vươn ra khu vực Đông Nam Á để tránh rơi vào vai trò thuộc cấp kinh tế và chính trị ở khu vực. Ngoài ra, chính mong muốn phát triển và ổn định các nhà nước non yếu ở khu vực phía Đông Bắc của Ấn Độ cũng là vấn đề trung tâm. Bốn quốc gia ở khu vực Đông Bắc có chung 1643 km đường biên giới trên đất liền với Myanmar và các quốc gia này đóng vai trò then chốt đối với sự kết nối trên đất liền với Đông Nam Á.
Những nhân tố này cùng với khủng hoảng Vùng Vịnh đặt ra yêu cầu cần phải đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng và đối tác kinh tế. Ấn Độ cần phải hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và biến động của các quốc gia láng giềng phía Đông đã khiến cho Đông Nam Á trở thành khu vực hấp dẫn đối với Ấn Độ[1]. Do đó, chính sách “Hướng Đông” ban đầu là nhằm vào mục đích thúc đẩy sự liên kết về kinh tế giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và các đối tác ASEAN đã tăng từ 7 tỷ USD (trong năm 2003-2004) lên 65 tỷ USD (trong năm 2013-2014)[2]. Nếu coi ASEAN như là một thực thể thì đây là đối tác thương mại thậm chí nổi trội hơn cả Trung Quốc.
Hai thập niên sau, sự hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Với phương châm ngoại giao phục vụ cho sự phát triển của Ấn Độ, châu Á với các động lực phát triển của nó đã trở thành ưu tiên chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Chính sách “Hướng Đông” lúc này thực hiện thêm sứ mệnh là tái kết nối Ấn Độ với châu Á như là một phần trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế của Ấn Độ. Năm 2003, trọng tâm về mặt địa lý được mở rộng ra bao gồm cả Australia và Đông Á, đồng thời, các vấn đề trong chính sách của Ấn Độ cũng được mở rộng không chỉ là kinh tế mà còn bao gồm các vấn đề an ninh. Chính sách “Hướng Đông”, do đó, đã phát triển thành chiến lược đa diện gồm nhiều cơ chế thể chế ở cấp độ đa phương và song phương, liên kết kinh tế, và hợp tác quốc phòng[3].
Ngoài ra, sự hợp tác của Ấn Độ với Đông và Đông Nam Á còn được phát triển theo khuynh hướng chiến lược. Việc Ấn Độ thực hiện chính sách “Hướng Đông” có liên quan tương đối mật thiết đến chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực trong đó có lợi ích của Ấn Độ đang đe dọa đến vị trí, vai trò và lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở khu vực. Thêm vào đó, sự bành trướng lợi ích của Trung Quốc cũng khiến cho các nước trong khu vực thêm e ngại và nghi ngờ thiện chí của Trung Quốc. Điều này đã đẩy các nước ở khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á và Nhật Bản, xích lại gần Ấn Độ tạo điều kiện giúp Ấn Độ hình thành một vành đai liên kết từ khu vực Đông Bắc Á đến Đông Nam Á và sau này mở rộng thêm cả với Australia. Vành đai này không nằm ngoài mục đích kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát những hành động hung hăng của Trung Quốc. Trong vành đai đó, ASEAN giữ vai trò trung tâm do vị trí địa chiến lược của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ năm 2014, khi Narendra Modi lên làm Thủ tướng, chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ có thêm động lực mới và được nâng lên thành “Chính sách hành động hướng Đông” - chính thức được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN tháng 11 năm 2014 tại Myanmar. Đây là thông điệp cho thấy, Ấn Độ đã sẵn sàng đóng vai trò chiến lược năng động hơn và nổi trội hơn, được minh chứng bằng sự tăng cường ngoại giao quốc phòng ở Đông và Đông Nam Á. Nhiều học giả cũng cho rằng, Ấn Độ đang nỗ lực để đóng vai trò người đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Nam Á[4].
Đối với ASEAN, Ấn Độ đã trở thành đối tác và là một bên đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 1995 và đến năm 2012 nâng lên thành đối tác chiến lược. Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ được tổ chức lần đầu tiên năm 2002 tại Phnom Penh. Ấn Độ và ASEAN cũng đã thiết lập được nhiều cơ chế đối thoại và hợp tác như: Hội nghị Cấp cao, Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (PMC+1), Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MCI), Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM), các Quan chức Kinh tế cao cấp (SEOM), Ủy ban Hợp tác chung (JCC) được tổ chức hàng năm. Ấn Độ tham gia tích cực vào Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ tháng 7/1996[5].
Năm 2009, Ấn Độ đã chính thức bổ nhiệm Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN. Theo đánh giá của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, việc Ấn Độ đặt phái đoàn ngoại giao riêng biệt bên cạnh ASEAN chính là lời cam kết mạnh mẽ hơn trong việc tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN[6]. Đánh giá về vị trí của ASEAN, Ngoại trưởng Ấn Độ, bà Sushma Swaraj khẳng định: “ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của New Delhi. Chúng tôi mong muốn đóng một vai trò chủ động hơn trong khu vực, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, an ninh và kết nối”[7].
Là một trong các đối tác của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, quan hệ với Việt Nam có lẽ là mối quan hệ chiến lược đặc biệt nhất của Ấn Độ. Theo sự phân tích của tác giả Danielle Rajendram, sự căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung cùng với ưu thế về vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Dương và Biển Đông đã làm cho Việt Nam trở thành đối tác tự nhiên của Ấn Độ để cân bằng Trung Quốc trong chính khu láng giềng của Ấn Độ[8]. Nhiều học giả cho rằng chính việc Trung Quốc ủng hộ Parkistan trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ đã đẩy Ấn Độ đến chỗ tìm kiếm sự cân bằng để chống lại Trung Quốc thông qua ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối với Ấn Độ, Việt Nam được coi như một đối tác chiến lược chủ chốt trong chính sách “Hướng Đông” ở khu vực Đông Nam Á và có vai trò cân bằng tiềm lực an ninh tại châu Á. Ngoài ra, Ấn Độ còn có vấn đề tranh chấp biên giới trên đất liền hết sức phức tạp với Trung Quốc và hiện nay hai bên vẫn còn xảy ra những vụ đụng độ ở khu vực biên giới. Trong khi đó tiềm lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc không ngừng được gia tăng cùng với mưu toan bành trướng lãnh thổ khiến cho Ấn Độ thêm lo ngại đối với những vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Ấn Độ hiện nay đang cố gắng trở thành một cường quốc biển, song điều này lại đang gặp trở ngại lớn từ phía Trung Quốc. Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển bằng cách đẩy mạnh chiến lược biển xa, hình thành chuỗi ngọc trai, mở rộng ảnh hưởng ra khắp các vùng biển từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Do đó, Việt Nam, với vị trí địa chiến lược ở khu vực Biển Đông, là mục tiêu hàng đầu Ấn Độ hướng đến để tăng cường sự hiện diện và mở rộng ảnh hưởng của mình ở Biển Đông và khu vực cũng như là để kiềm chế sự trỗi dậy và vươn ra hướng biển của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Việt Nam còn là một thành viên có vai trò quan trọng trong khối ASEAN. Do đó, trong tầm nhìn của Ấn Độ, Việt Nam với mối quan hệ truyền thống, hữu nghị sẽ là cầu nối giúp Ấn Độ thúc đẩy và mở rộng hợp tác, liên kết với ASEAN - trọng tâm của chính sách “Hướng Đông”.
Đánh giá về vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, Chủ tịch Ấn Độ - Pranab Mukherjee - trong một buổi phỏng vấn năm 2014, khẳng định: “Chúng tôi coi Việt Nam như một trụ cột quan trọng trong chính sách “Hướng Đông”. Việt Nam đã là đối tác chiến lược đối với Ấn Độ cả trong khối ASEAN và trong một khu vực rộng mở hơn”[9]. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 4)
* Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Danielle Rajendram. India’s new Asia-Pacific strategy: Modi acts East (Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới của Ấn Độ: Modi hành động phương Đông). Analysis. Lowy Institute for international policy. 2014. Tr. 2-3.
[2] Danielle Rajendram. 2014. Tài liệu đã dẫn. Tr. 3.
[3] Danielle Rajendram. 2014. Tài liệu đã dẫn. Tr. 3.
[4] David Bwester. India’s strategic partnership with Việt Nam: the search for a diamond on the South China Sea (Đối tác chiến lược Việt Nam của Ấn Độ: Sự tìm kiếm viên kim cương trên Biển Đông). Asian Security. Số 5(1). 2009. Tr. 24-44.
[5] Bộ Ngoại giao Việt Nam. Quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ. Truy cập ngày 19/5/2015 tại: http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr070521170205/nr131114153204/nr131114233212/ns131114233612/newsitem_print_preview
[6] Hằng Phạm. Ấn Độ: ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Thế giới và Việt Nam. Truy cập ngày 19/5/2015 tại: http://tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/4/92A65DF04E74E2CA/
[7] Hẳng Phạm. Như trên đã dẫn.
[8] Danielle Rajendram. 2014. Tài liệu đã dẫn. Tr. 8-9.
[9] Việt Nam News. 2014. India – Việt Nam relations are excellent: Indian Presedent (Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam rất tốt đẹp: Chủ tịch Ấn Độ). Truy cập ngày 19/5/2015 tại: http://vietnamnews.vn/politics-laws/260134/india-viet-nam-relations-are-excellent-indian-president.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục