Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm đầu thế kỷ XXI (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm đầu thế kỷ XXI (Phần 2)

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI được thiết lập dựa trên cơ sở các tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Nghị định thư về hợp tác quốc phòng (năm 2000). Hợp tác an ninh giữa hai nước ngày càng được tăng cường và củng cố. Trong Tuyên bố chung tháng 5/2003 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí từng bước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, như đàm phán ký hiệp định song phương về chống tội phạm, kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế và những cơ chế ủng hộ khủng bố, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và việc buôn lậu vũ khí và ma túy.

02:21 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm  đầu thế kỷ XXI

Trung tướng, PGS, TS Hoàng Văn Đồng*

Ngày 25//5/2015, tại buổi tiếp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định: Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi và gắn bó của Việt Nam, vì vậy, trong chính sách hướng Đông của mình, Ấn Độ xác định Việt Nam là một trong những nước ưu tiên hàng đầu; Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên 5 lĩnh vực trụ cột, trong đó có quốc phòng nhằm đưa hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Thủ tướng N. Modi đặc biệt đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và khẳng định, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam ở những thời khắc khó khăn, đồng thời, coi trọng việc duy trì và không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống hữu nghị, có sự gắn bó lịch sử, hai bên chia sẻ rất nhiều lợi ích tương đồng. Trên nền tảng đó nhân dân và Quân đội Việt Nam hết sức trân trọng và sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và xây đắp mối quan hệ gắn bó này. Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Manohar Parrikar, hai Bộ trưởng nhất trí, trong thời gian tới hai bên sẽ tập trung vào trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm nhất là trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác đào tạo theo hướng chuyên ngành; hợp tác về công nghiệp quốc phòng; hợp tác trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp Qquốc. Ngay sau buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2015-2020" và chứng kiến lễ ký "Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung". Theo đó, hai bên sẽ thiết lập quan hệ phối hợp thông qua đường dây liên lạc trực tiếp bằng điện thoại, fax, thư điện tử nhằm nhanh chóng trao đổi thông tin, hợp tác với nhau 24/24 giờ trên các lĩnh vực an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển và phát triển hợp tác chung, cụ thể là: Trao đổi thông tin liên quan đến phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm trên biển như cướp biển, cướp có vũ trang, vận chuyển trái phép vũ khí, các chất gây nghiện, buôn lậu, nhập cư trái phép, mua bán người bằng đường biển; Trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm trên biển, bao gồm cả việc bắt giữ người có liên quan khi những người này đi vào hoặc đi qua các cảng của hai nước; Thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển phù hợp với khả năng của mỗi nước  có yêu cầu của nước kia; Trao đổi thông tin liên quan đến ô nhiễm môi trường biển; Trao đổi kinh nghiệm thực thi nhiệm vụ thông qua các khóa huấn luyện, hội thảo, tập huấn và các chương trình hoạt động chung; Trao đổi đoàn các cấp nhằm thúc đẩy sự hợp tác và vì sự phát triển hợp tác chung của hai lực lượng cũng như hai đất nước Việt Nam - Ấn Độ.

Như vậy, về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng thời gian qua có thể nhận xét như sau:

Thứ nhất, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước là cơ sở quan trọng tạo sự tin cậy cao để thúc đẩy quan hệ quốc phòng. Hai bên hiểu khá rõ về tiềm năng, thực lực và nhu cầu về quốc phòng của nhau. Đây là cơ sở rất quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên cơ sở cùng có lợi. Quan hệ quốc phòng song phương thực sự được thiết lập kể từ năm 2000 và không ngừng phát triển ổn định và vững chắc, đặc biệt từ năm 2007, sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ quốc phòng hai nước đạt được nhiều kết quả thực chất, hợp tác có đi có lại nhưng vẫn nghiêng về việc Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam. Kết quả là: Từ năm 2005 đến năm 2010, Ấn Độ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 150 tấn phụ tùng dùng cho tàu quân sự và các thiết khác trị giá 10,5 triệu USD, trong đó có thiết bị điện tử hàng không, hệ thống ra đa loại cải tiến và nhiều linh kiện chủ chốt sử dụng cho tàu và chiến hạm tên lửa do Liên Xô trước đây chế tạo4. Do hai nước đều sử dụng nhiều vũ khí của Liên Xô trước đây, nên lực lượng vũ trang hai nước có thể chia sẻ việc thao tác và duy tu các loại vũ khí này. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam xây dựng một trạm thu hình ảnh vệ tinh cho hải quân trị giá 5 triệu USD5. Tàu tuần tra biển hai nước đã thực hiện tuần tra chung, và hải quân hai bên đã tập trận chung năm 2007. Đầu năm 2010, Việt Nam cử đại diện tham gia diễn tập hải quân Milan-2010 do Ấn Độ tổ chức về chống khủng bố tại các khu vực duyên hải và hải đảo. Theo các Báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, từ năm 2000 đến năm 2015, các tàu quân sự của Ấn Độ tăng cường hiện diện tại vùng biển Việt Nam và ghé thăm đều đặn các cảng của Việt Nam. Ngoài ra, Ấn Độ tiếp tục trợ giúp kỹ thuật cho quốc phòng Việt Nam. Tháng 2/2011, không lực Ấn Độ đã tặng cho Bộ Tư lệnh Phòng quân, Không quân Việt Nam 20 máy tính để sử dụng điều hành. Việt Nam rất muốn mua của Ấn Độ tên lửa Prithvi (tầm bắn 250-300 km) và tên lửa Brah Mos (chống tàu rất hiện đại, sản xuất chung với Nga, bay nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh) nhưng do nhiều nguyên nhân cả về chiến lược và kỹ thuật, đến nay Ấn Độ vẫn từ chối mặc dù đã nhiều lần hứa hẹn từ năm 2000 đến năm 2004 (trong thời kỳ đảng BJP cầm quyền)6. Việt Nam cũng được cho là ký hợp đồng nhiều triệu USD để mua của Ấn Độ các tên lửa tầm bắn ngắn, ắc quy chuyên dụng, phim dùng cho không quân và lốp máy bay chiến đấu7. Ấn Độ cũng rất muốn được sử dụng cảng Cam Ranh của Việt Nam nhưng Việt Nam đã quyết định sử dụng cảng này vào mục đích dân sự8. Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae, từ năm 1992 đến tháng 3/2011, 165 cán bộ quốc phòng Việt Nam nhận được học bổng ITEC với chương trình đào tạo chủ yếu về an ninh và nghiên cứu chiến lược, quản lý quốc phòng, cơ khí hàng hải,v.v. và năm 2008, 02 sĩ quan cao cấp Ấn Độ sang Việt Nam học tại Học viện Quốc phòng và Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Thứ hai, Ấn Độ thúc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Việt Nam cũng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ để góp phần thực hiện chính sách cân bằng nước lớn, nâng cao năng lực quốc phòng và tăng cường xu thế đa phương hóa trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc gia tăng mạnh các hoạt động khẳng định chủ quyền tại Biển Đông từ năm 2007 đến nay cũng là yếu tố thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ.

Thứ ba, hai bên duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng (trung bình 2 năm/lần), nhiều đoàn các cấp và cơ chế đối thoại an ninh. Lĩnh vực hợp tác khá đa dạng, từ các vấn đề an ninh chiến lược đến việc hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ thông tin, đào tạo, tác chiến trên thực địa. Đối tượng hợp tác là toàn diện cả về hải quân, lục quân và không quân, nhưng tập trung chủ yếu về hải quân vì đây là thế mạnh của Ấn Độ.

Thứ tư, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, có mục tiêu chung về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đều phải đối diện nhiều thách thức giống nhau, cùng có tầm nhìn chung về sự phát triển hợp tác quốc phòng. Quan hệ giữa hai nước đã được thử thách qua thời gian, với lợi ích chung, tin cậy lẫn nhau và hợp tác nhiều mặt. Sự hợp tác đó sẽ góp phần vào giữ vững độc lập, chủ quyền, sự phát triển của mỗi nước, tăng cường quan hệ đoàn kết gắn bó, truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ, góp phần củng cố hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Hợp tác quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và Việt Nam sẽ làm hết sức mình để phát triển quan hệ quốc phòng cho xứng với tiềm năng của hai nước.

Thứ năm, tuy nhiên, quan hệ quốc phòng cũng có nhiều rào cản về khách quan và chủ quan, chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Xuất phát từ chính sách cân bằng đối với các nước lớn, Việt Nam có sự thận trọng khi thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, trong khi phía Ấn Độ chủ động hơn. Do đó, hai bên mới chỉ ký nghị định thư và biên bản ghi nhớ, chứ chưa ký hiệp định về hợp tác quốc phòng. Ngoài ra, khác với quan hệ quốc phòng Việt - Nga, Ấn Độ chưa phải là đối tác bán vũ khí tin cậy (những vũ khí mà Việt Nam cần thì Ấn Độ không bán hoặc đưa giá cao). Quan hệ quốc phòng chủ yếu chỉ giới hạn ở các vấn đề kỹ thuật, đào tạo và an ninh phi truyền thống, chưa hợp tác sâu vào các vấn đề thực chất trong quan hệ quốc phòng.

Hợp tác an ninh Việt Nam - Ấn Độ

Hợp tác an ninh giữa hai nước ngày càng được tăng cường và củng cố, thể hiện rõ nhất trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và giữa các cơ quan an ninh của hai nước. Trong Tuyên bố chung tháng 5/2003 nhân chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí từng bước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, như đàm phán ký hiệp định song phương về chống tội phạm, kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế và những cơ chế ủng hộ khủng bố, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và việc buôn lậu vũ khí và ma túy. (Xem tiếp phần 3)


* Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.

4 Website Nghiên cứu biển Đông (2010), Ấn Độ tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, ngày 13/10/2010, (http://nghiencuubiendong.vn)

5 Pankaj Kumar Jha (2011), India’s Defence Diplomacy in Southeast Asia, Journal of Defence Studies, Volume 5, No. 1, January 2011, p.57, (http://www.idsa.in).

6 Iskander Rehman (2009), Đối tác Việt - Ấn: Tiềm năng chưa mở, Bản tin đài BBC ngày 17/9/2009, (http://www.bbc.co.uk/vietnamese).

7 Pankaj Kumar Jha (2011), India’s Defence Diplomacy in Southeast Asia, Journal of Defence Studies, p.57

8Ian Storey & Carlyle A. Thayer (2001), Cam Ranh bay: Past imperfect, future conditional, http://findarticles.com/p/articles/mi_hb6479/is_3_23/ai_n28886554/

Nguồn:

Cùng chuyên mục