Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng (Phần 2)

Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu về văn hóa, tôn giáo, thương mại. Trong thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru từ những năm 1945-1954 tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mai sau. Ngày 07-01-1972, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ quyết định nâng quan hệ ngoại giao từ cấp Tổng lãnh sự lên cấp Đại sứ, kể từ đó ngoại giao hai nước có những bước tiến quan trọng.

02:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng

ThTrần Thị Thúy*
Nguyễn Văn Vỹ**

(Tiếp theo phần 1)

Xu thế và triển vọng

Trong quan hệ với Ấn Độ, trước hết, cần khẳng định, hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có một quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và gần đây là quốc phòng - an ninh hết sức tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Những chuyến thăm cấp cao thường xuyên đã giúp hai nước không ngừng củng cố và phát triển một mối quan hệ chính trị gắn bó và bền chặt. Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2003 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên đã không những trong khuôn khổ song phương, mà còn tích cực hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam-Nam, ASEM, APEC, các cơ chế hợp tác của ASEAN như ARF, Cấp cao Đông Á và hợp tác sông Hằng-sông Mê-kông. Việt Nam luôn khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng và ngược lại, Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Để góp phần cụ thể hoá và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác chính trị, kể từ năm 2003, hai nước đã thành lập cơ chế đối thoại chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Cơ chế này đã trở thành một kênh trao đổi thường xuyên và có hiệu quả giữa hai nước về các vấn đề chính trị quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Những chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của hai nước những năm gần đây đã đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới và sẽ tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế: Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng từ 2 tỷ USD năm 2009 lên 5,2 tỷ USD năm 2013 (tăng 2,6 lần). Trong 11 tháng năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 5,15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD tăng 4,5% và nhập khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong thời gian tới, hai bên đã thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác để khai thác tiềm năng và lợi thế của mỗi bên, tận dụng tối đa các cơ chế hợp tác song phương và đa phương sẵn có nhằm nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ hiện có 84 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 258 triệu USD. Đầu tư của Ấn Độ tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản và thực phẩm.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề về cung cấp thông tin, tiếp cận thị trường, hạn chế và xóa bỏ các rào cản thương mại. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hợp tác trong lĩnh dầu khí, năng lượng, dệt may.

Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, giáo dục, các mặt hàng nông, thủy sản sản, hàng may mặc là các sản phẩm, mặt hàng hứa hẹn nhiều triển vọng trong chiến lược hợp tác của Việt Nam và Ấn Độ.

Quan hệ hữu nghị Việt - Ấn đã và đang phát triển ngày càng có nhiều hoạt động thiết cụ thể, thiết thực đóng góp quan trọng vào tình đoàn kết hữu nghị giữa hai bên. Những năm gần đây, nhiều hoạt động phát triển mạnh mẽ, toàn diện với nhiều thành tựu quan trọng trong quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, là cơ sở nền tảng để hai nước tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam luôn mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hoá, khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo....đưa quan hệ hữu nghị hai quốc gia lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

* Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục