Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 2)
Quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời. Thời gian đã chứng minh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn có tình bạn tin cậy, thủy chung, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhau.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử
và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay
TS. Đỗ Xuân Tuất*
Nguyễn Duy Thái**
2. Việt Nam - Ấn Độ - sự phát triển quan hệ bền vững và đi vào chiều sâu
Trong giai đoạn từ 1959 - 1966, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có những nốt trầm do nhiều sức ép, sự phức tạp của tình hình thế giới khi Cuộc chiến tranh Trung - Ấn nổ ra năm 1962. Quan hệ giữa hai nước chỉ nồng ấm trở lại khi Thủ tướng Indira Gandhi công khai kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay hành động ném bom Hà Nội, Hải Phòng và đề ra sáu điểm để lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 6 năm 1966[1]. Ngày 7/1/1972, Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Đây là một điểm nhấn quan trọng đưa quan hệ song phương giữa hai nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử hai nước, Ấn Độ chấm dứt việc giữ quan hệ “cân bằng” giữa hai chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam, nghiêng hẳn về phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa “bất chấp sự phản ứng chỉ trích của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn[2]”.
Từ năm 1972 đến nay, hai nước Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ và sự hợp tác song phương ngày càng hiệu quả.
Năm 1975, Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, song thiệt hại do chiến tranh gây ra rất nặng nề. Chính phủ Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam chí tình chí nghĩa về vật chất lẫn tinh thần trong quá trình tái thiết đất nước.
Trong những năm 1975 -1985, cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi chính sách bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch. Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt. Trong giai đoạn cam go này, Ấn Độ vẫn dành sự ủng hộ quý báu đối với Việt Nam.
Năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, mở cửa và hội nhập quốc tế. Với chính sách đổi mới của Việt Nam (năm 1986), Chính sách hướng Đông của Ấn Độ (năm 1991) và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh (năm 1991), hai nước càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong chính sách ngoại giao và phát triển đất nước thời kỳ mới.
Đến tháng 5 năm 2003, hai bên ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước vào thế kỷ XXI. Sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, tháng 7 năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ nhằm đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới. Từ năm 2007 đến nay, quan hệ Việt - Ấn tiếp tục phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh với rất nhiều dự án hợp tác. Đến năm 2008, Ấn Độ đã trở thành một trong mười nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ liên tục gia tăng, năm 2010 đạt 2,75 tỷ USD[3], năm 2012 là 4 tỷ USD[4]. năm 2012 là 4 tỷ USD[4]. Dù bắt đầu muộn (năm 1972 mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao) do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan nhưng quan hệ Việt - Ấn sau hơn 40 năm thiết lập đã và đang đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân hai nước. Tại Hội nghị các trưởng nhiệm sở ngoại giao Ấn Độ trong khu vực tổ chức tại Hà Nội ngày 23/8/2014, với chủ đề thảo luận chính “những gì Ấn Độ có thể làm để trấn an các nước ASEAN trước sự bành trướng của Trung Quốc”[5],Nữ Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố: “đã đến lúc chuyển từ chính sách “Hướng Đông” sang chính sách “Hành động ở phương Đông”. Giờ là làm chứ không chỉ ngó nữa”[6]. Địa điểm họp Hội nghị Đại sứ Ấn Độ để phát động chính sách mới tất nhiên hàm ý một sự chọn lọc ý nghĩa. Để cụ thể hóa chính sách của mình, khi trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ vào ngày 27/10/2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi công khai nhấn mạnh: “hợp tác quân sự là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Ấn Độ”[7] và hứa rằng “sẽ nhanh chóng thực thi việc cho Việt Nam vay 100 triệu USD để mua tàu chiến mới của Ấn Độ”5
Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam liên tục phát triển, gắn bó sâu sắc, vì quan hệ này dựa trên tình cảm, sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác, phục vụ lợi ích của cả hai dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt - Ấn hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn nữa.
3. Việt Nam và Ấn Độ - sự xích lại gần nhau bởi những quan tâm chung trong giải quyết các vấn đề, lợi ích khu vực và quốc tế, nhất là vấn đề Biển Đông
Vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam trên tuyến đường biển quốc tế phù hợp với chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ.
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 trải dài từ Singapore đến eo biển Đài Loan. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singaporre, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông được nối thông với biển Hoa Đông của Trung Quốc và biển Nhật Bản (qua eo biển Đài Loan), thông với Thái Bình Dương qua Philippines và thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Xung quanh Biển Đông có rất nhiều vịnh quan trọng như vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, vịnh Subic, vịnh Manila với nhiều cảng nước sâu … Chính vì vậy, trong lịch sử cũng như hiện tại, Biển Đông là nơi nối liền của các luồng thương mại hàng hải và hàng không quốc tế. Trong số 10 tuyến đường hàng hải chính trên thế giới thì 5 tuyến đi qua khu vực Biển Đông. Trong đó 45%[8]tuyến thương mại quốc tế đi qua Biển Đông.
Không những thế, Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có giá trị kinh tế cao, nhất là dầu khí, đất hiếm và sinh vật biển. Về vị trí chiến lược, nếu đặt căn cứ quân sự hiện đại trên biển Đông sẽ kiểm soát được một địa bàn rộng lớn, gần như toàn bộ các tuyến thương mại trên biển trong khu vực Đông Nam Á, cũng như có thể kiểm soát toàn bộ các hoạt động quân sự trong khu vực. Chính những lợi ích to lớn trên đã kích thích thêm tham vọng địa chính trị của nhiều nước, làm cho Biển Đông nổi sóng trong thời gian qua. Với 3.260km đường bờ biển giáp với Biển Đông, chưa kể các đảo và quần đảo ta có thể thấy được tầm quan trọng trong vị trí chiến lược của Việt Nam. Để thiết lập căn cứ quân sự cần phải những quân cảng đủ chiều sâu, chiều rộng cho các chiếm hạm trú ẩn. Việt Nam có vịnh biển được cho là thuận lợi nhất trong khu vực Đông Nam Á để xây dựng quân cảng là vịnh Cam Ranh (Nha Trang).
Từ 2009 cho tới nay, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, trở nên căng thẳng do sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực cũ, muốn xây dựng một trật tự mới trong khu vực Đông Nam Á đã khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Các hành động này đã đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố Ứng xử của các bên về biển Đông (DOC) năm 2002 mà Trung Quốc đã tham gia. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và hợp tác, mà còn làm tổn hại đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của chính bản thân Trung Quốc. Phải chăng do khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á đã làm cho Trung Quốc có tham vọng tăng cường ảnh hưởng của mình để làm bá chủ khu vực phía Nam nước này. Sự bành trướng, gia tăng ảnh hưởng một cách thô bạo của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế và các cường quốc khác có chung lợi ích ở đây (Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ). Đối với các nước này, lợi ích của họ chỉ có thể được duy trì khi Biển Đông được giữ nguyên hiện trạng để thông thương, buôn bán được tự do; hoặc là phải hợp tác với nhau để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Ấn Độ cũng không giấu giếm sự quan tâm của mình đối với Biển Đông do nhu cầu mở rộng không gian hợp tác kinh tế và an ninh với các nước ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Hiện nay, có gần 50%[9]
hoạt động thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông. Việc Ấn Độ và nhiều nước khác quan tâm tới Biển Đông đã và đang làm chiến lược không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, Trung Quốc ra sức cản trở nhưng một Ấn Độ sắp trở thành cường quốc cũng cần cho mình một không gian phát triển.
Mọi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc hay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện tại đều bị chi phối bởi vấn đề biên giới chưa được giải quyết dứt điểm.
Việt Nam và Ấn Độ đều có những bất đồng lớn về lãnh thổ chưa thể giải quyết được với Trung Quốc. Nếu không có đủ sức mạnh để đáp trả những hành vi của Trung Quốc thì ngày càng bị lấn tới, những vùng đất bị Trung Quốc chiếm đóng khó có cơ hội đòi lại được. Bởi vậy, luôn đề phòng người bạn láng giềng Trung Quốc cũng là một điểm chung của cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Để kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ càng cần phải xích lại gần nhau hơn. So với quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nga thì quan hệ Việt - Ấn thực sự có rất nhiều điệu kiện thuận lợi để phát triển đến một tầm cao chưa từng có trong tương lai.
Trung Quốc từ lâu đã không giấu giếm dã tâm độc chiếm vùng Biển Đông Việt Nam (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc tiến hành bành trướng lãnh thổ ở vùng biển này theo cách “tằm ăn lá dâu”, tức là tiến hành từ từ, từng bước nhỏ một rồi chiếm luôn vùng đó. Các vương triều phong kiến Trung Hoa từng sử dụng kế sách này hàng nghìn năm xâm lấn cương vực của các nước láng giềng trên đất liền. Hiện nay, họ lại tiếp tục dùng kế sách tuy không mới nhưng rất thâm hiểm này trên Biển Đông, theo kiểu “không đánh mà thắng”. Điển hình là vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014. Để đáp trả lại hành động phi pháp này củaTrung Quốc, Việt Nam đã sử dụng những biện pháp vừa quyết liệt, vừa mềm mỏng và đạt được hiệu quả cao.
Về ngoại giao, Việt Nam luôn kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình cũng như cập nhật liên tục tình hình trên biển cho bạn bè quốc tế, để dư luận các nước hiểu rõ sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thông qua các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc, các tổ chức, diễn đàn quốc tế như tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 13, Đối thoại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Mỹ lần thứ 27, Hội nghị lần thứ 24 Các quốc gia thành viên UNCLOS. Những việc làm trên đã chứng minh Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng, hợp lý trên mặt trận ngoại giao. Dư luận quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt trước cách hành xử hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ đã lên án các hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh. Việt Nam đã khéo léo thu hút sự ủng hộ trực tiếp và gián tiếp của quốc tế để thực hiện quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. (Xem tiếp phần 3)
[1]Tridib Chakraborti (2003), Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5/2013, tr. 29.
Tin bài liên quan
Giấy mời viết bài và tham dự Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng”
Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo"
Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" (Phần 3)
Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" (Phần 2)
Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo" (Phần 1)
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 1)
Đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950 - 1964) (Phần 2)
Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần cuối)
Tin bài khác
Thời khắc Đài Loan của Ấn Độ
Hệ thống nội các ở Ấn Độ
Những nốt trầm trong chính trị Sri Lanka
Giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ: Ban nhạc Parinday biểu diễn tại Việt Nam
ASEAN - Ấn Độ đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực trước “những cơn gió ngược địa chính trị”
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ chúc mừng 75 năm Ngày Độc Lập của Cộng hòa Ấn Độ
Bất bình đẳng kỹ thuật số của Ấn Độ
Bất bình đẳng kỹ thuật số của Ấn Độ
Thị trường linh kiện chip Ấn Độ sẽ tăng lên 300 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2026
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục