Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 3)
Quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời. Thời gian đã chứng minh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn có tình bạn tin cậy, thủy chung, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhau.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử
và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay
TS. Đỗ Xuân Tuất*
Nguyễn Duy Thái**
Dư luận quốc tế đều quan tâm và quan ngại vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng thềm lục địa của Việt Nam sẽ làm căng thẳng trong khu vực gia tăng. Các nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines kịch liệt phản đối việc làm này của Trung Quốc và cho rằng, hành động đơn phương hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của khu vực. Thực tế trong thời gian diễn ra vụ giàn khoan 981, không có một cường quốc hay quốc gia nào ra mặt ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Mặt khác, phản đối Trung Quốc chính là ủng hộ Việt Nam, do đó, nhìn chung, thông qua các phát ngôn chính thức và những hành động của cộng đồng quốc tế đã “ngầm” ủng hộ cho lập trường của phía Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trước sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và những nguy cơ của nó, nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… đã và đang “ngầm” ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện.
Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, về phía Ấn Độ, ngày 9/5/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phát biểu: “Ấn Độ quan ngại với các diễn biến gần đây tại Biển Đông nơi tàu của Trung Quốc và Việt Nam xảy ra những va chạm căng thẳng, đồng thời khẳng định rằng, duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường bảo đảm an ninh ở các cửa ngõ thông thương trên biển”[1].
Như đã đề cập tới ở trên, phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/5/2014 về vụ việc giàn khoan 981 cho thấy sự quan ngại chung về các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, đề cập tới “tự do hàng hải”, “an ninh cho các cửa ngõ trên biển”, “lợi ích của cộng đồng quốc tế” và “luật pháp quốc tế” - đó chính là những tín hiệu phản đối sự bành trướng của chủ nghĩa bá quyền trên Biển Đông và thể hiện sự ủng hộ của Ấn Độ dành cho Việt Nam. Bên cạnh đó, một số phát ngôn không chính thức của quan chức, chính trị gia của Ấn Độ đã trực tiếp lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong một hội nghị bàn tròn ở Melbourne (Australia) diễn ra hôm 9/5/2014 do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức, Đại sứ Đặng Đình Quý đã “cáo buộc lực lượng hải quân Trung Quốc đứng sau những hành động ở Biển Đông dưới sự chỉ đạo của Chính quyền Trung Quốc”[2] và mong muốn Ấn Độ phát triển ngày một nhanh chóng để trở thành một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Đáp lại phát biểu của Đại sứ Việt Nam, ông Amitabh Matoo - Giám đốc Học viện Ấn Độ - Australia, đồng thời là cố vấn về chính sách đối ngoại và an ninh của Đảng Quốc đại cũng như Chính phủ Ấn Độ, đã kịch liệt chỉ trích hành động phi pháp của Trung Quốc là sự “hung hăng, hiếu chiến”, là “thiển cận và phản tác dụng”[3]
Ông Mattoo không phải là quan chức Ấn Độ duy nhất thẳng thừng lên án sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong một bài báo có nhan đề “Sự bành trướng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng” (Chinese expansionism continues unabated) được đăng trên tờ Times of India số ra ngày 7/5/2014, ông S.D. Pradhan đã chỉ trích:“chính sách bành trướng của Trung Quốc ra các khu vực xung quanh đang làm trầm trọng hơn những nguy cơ xảy ra xung đột ở biển Đông”[4]. Ông tiếp tục khẳng định:“những hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với Việt Nam là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm vào Nhật Bản và Ấn Độ” 3và do đó “Ấn Độ cần bắt tay cùng với Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Nga và Australia để gây sức ép buộc Bắc Kinh từ bỏ các chính sách hiếu chiến với các nước láng giềng. Các nước này nên chuẩn bị sẵn sàng để buộc Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả khi vi phạm luật pháp và các quy tắc quốc tế”4.
So với ông Mattoo thì ông Pradhan thậm chí còn có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn hơn trong giới an ninh, quốc phòng của Ấn Độ. Những phát ngôn của ông được coi như là “ý kiến của lực lượng an ninh quốc gia Ấn Độ” vì ông này từng giữ những vị trí quan trọng trong Chính phủ Ấn Độ như Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Phó cố vấn an ninh quốc gia và Chủ tịch Ban Cố vấn đặc biệt về tình báo.
Cũng trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, báo chí Ấn Độ liên tục có nhiều bài viết nhận định, bình luận về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, ủng hộ lập trường của phía Việt Nam. Báo The Indian Express đăng tải bài viết trong đó cảnh báo rằng, “Ấn Độ sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi liên quan của nước này tại Biển Đông”4. Báo chí Ấn Độ đã dùng những cụm từ “xâm phạm”, “vùng biển Việt Nam”, “mỏ dầu của Việt Nam” như một sự trực tiếp khẳng định sự ủng hộ quyền sở hữu hợp pháp của Việt Nam với khu vực đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Họ cũng cho biết, việc Ấn Độ tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam từng bị phía Trung Quốc cảnh báo trong quá khứ, nhưng Ấn Độ đã bỏ qua tất cả những cảnh báo đó để tiếp tục củng cố quan hệ với Việt Nam. Những khẳng định đó rõ ràng chỉ ra trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Ấn Độ phản đối Trung Quốc thực hiện những hành động phi pháp và đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.
Hơn nữa, ngay trong thời gian vụ giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông, ngày 7/5/2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) có những động thái cụ thể ủng hộ lập trường của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. “Một số nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ đã tỏ ra rất ngạc nhiên với những hành động xâm phạm của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam ngay sau khi ONGC quyết định tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam”, “cần phải nhắc lại rằng, Trung Quốc đã từng phản đối sự hiện diện của Ấn Độ tại những mỏ dầu của Việt Nam tại Biển Đông nhưng phía Delhi đã phớt lờ những cảnh báo đó và công ty OVL vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Việt Nam khi quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được củng cố”[5].
Càng đáng chú ý hơn khi chúng ta biết rằng, vào năm 2012, công ty dầu Videsh Ltd thuộc ONGC đã từ chối hợp tác khai thác với Trung Quốc tại lô dầu khí 128 tại Biển Đông thuộc vùng thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc trước đó ngang ngược tuyên bố chủ quyền của mình để ký thỏa thuận với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) về gia hạn thăm dò dầu khí ở cũng tại lô 128 thêm hai năm nữa bất chấp cảnh báo vô lý của Bắc Kinh khi cho rằng hành động đó xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Đây chính là hành động trực tiếp khẳng định Ấn Độ công nhận chủ quyền của Việt Nam tại lô 128 trên Biển Đông.
Trên thực tế, từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ đã hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông.
Trong khi tình hình ở Biển Đông diễn ra căng thẳng nhất vào tháng 6/2014, Công ty Videsh Ltd tiếp tục thông báo “sẽ gia hạn thăm dò dầu khí ở lô 128 thuộc bể Phú Khánh (thềm lục địa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) thêm 1-2 năm sau khi thời hạn kết thúc vào tháng 6 tới”[6].
Một thành viên trong Hội đồng Quản trị Công ty Videsh Ltd cho biết “quyết định gia hạn thăm dò vì mục đích thương mại và cả mục đích chiến lược”. Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi (Ấn Độ) Alka Acharya cũng nhận định Công ty Videsh gia hạn thăm dò ở lô 128 là quyết định “mang tính chiến lược vì nếu rút khỏi lô 128 sẽ tạo cảm giác Ấn Độ đang đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông”2.
Việc công ty Videsh Ltd của Ấn Độ tuyên bố tiếp tục gia hạn thăm dò dầu khí ngoài khơi vùng biển Việt Nam khi căng thẳng ngày càng gia tăng, chính là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam. Quyết định này, không chỉ nằm trong mục đích kinh tế mà chắc chắn công ty Videsh Ltd phải được sự hậu thuẫn của Chính phủ Ấn Độ trong chiến lược “Hành động phía Đông”. (Xem tiếp phần 4)
[1]PTI (2014), India Voices Concern Over Developments in South China Sea, The new India express, New delhi. India Voices Concern Over Developments in South China Sea
[2]Deepal Jayasekera (2014),India signals support for Vietnam in South China Sea dispute, The International Committee of the Fourth International (ICFI) website.https://www.wsws.org/
1Deepal Jayasekera(2014),India signals support for Vietnam in South China Sea dispute, The International Committee of the Fourth International (ICFI) website. https://www.wsws.org/
2,3,4S.D. Pradhan (2014), Chinese expansionism continues unabated, The times of India, số ra ngày 7/5/2014. http://blogs.timesofindia.indiatimes.com/ChanakyaCode/chinese-expansionism-continues-unabated/.
5Minh Thái (2014) (tổng hợp), Phớt Trung Quốc, Ấn Độ tăng hợp tác dầu khí với Việt Nam, Báo điện tử Đất Việt. http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phot-trung-quoc-an-do-tang-hop-tac-dau-khi-voi-vn-3040767
[5]Dipanjan Roy Chaudhury(2014),ONGC's presence in South China Sea: Beijing sets up oil rig to reinforce its territorial claims, The Economic Times, http://articles.economictimes.indiatimes.com/2014-05-07/news/49689745_1_petrovietnam-oil-blocks-south-china-sea
[6],2Minh Thái (2014) (tổng hợp), Phớt lờ Trung Quốc, Ấn Độ tăng hợp tác dầu khí với Việt Nam, Báo điện tử Đất Việt. http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phot-trung-quoc-an-do-tang-hop-tac-dau-khi-voi-vn-3040767
*Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
**Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục