Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 4)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 4)

Quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời. Thời gian đã chứng minh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn có tình bạn tin cậy, thủy chung, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhau.

02:55 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử
và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay

TS. Đỗ Xuân Tuất*
Nguyễn Duy Thái**

(Tiếp theo phần 3)

Sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam là một biểu hiện quan trọng cho hướng đi quốc tế hóa của vấn đề Biển Đông, làm bất lợi cho phương châm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có những hành động thật thận trọng trong vấn đề này. Trong thời điểm tình hình quốc tế diễn ra rất phức tạp, Việt Nam khó có thể đòi hỏi gì hơn từ Ấn Độ, nhưng quả thực những người bạn Ấn Độ đã tiếp thêm sức mạnh không nhỏ cho Việt Nam, một đất nước yêu hòa bình đang phải đương đầu với chủ nghĩa bá quyền trong tranh chấp ở Biển Đông.

Hơn nữa, sự gia tăng vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông không chỉ để thắt chặt quan hệ với ASEAN và các nước thành viên (Việt Nam là một trong những đối tác được ưu tiên nhất và là cầu nối Ấn Độ với ASEAN), mà còn qua đó tăng cường quan hệ với Australia, các nước Đông Bắc Á, và xa hơn là Mỹ, sẽ giúp Ấn Độ giảm áp lực cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Nam Á. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang cố gắng trở thành cường quốc biển, và có thực lực khá mạnh về hải quân. Điều này cho phép Ấn Độ có khả năng trở thành đối tác tin cậy trong việc xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh trên biển với nhiều nước khác. Chính vì vậy, Ấn Độ, ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Australia, Mỹ, Nhật Bản, đã và đang mở rộng quan hệ toàn diện với ASEAN và các nước thành viên, trong đó đặc biệt là Việt Nam. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của “ASEAN và nhiều quốc gia khác về đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề biển Đông”[1].

Có thể nói, đây là một trong bước đi của chiến lược “hướng Đông” của Ấn Độ nhằm khẳng định vị thế cường quốc trong tương lại của mình ở châu Á trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc. Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ, Chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ và Chính sách Kim cương an ninh châu Á của Nhật Bản đã tạo cơ hội cho Ấn Độ, Mỹ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cộng tác chặt chẽ nhằm tăng cường các quan hệ trong khu vực để duy trì an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, ổn định trật tự ở biển. Ấn Độ đang trở thành đối thủ đáng gờm của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Hơn nửa tháng sau khi Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, ngày 5/8/2014, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình INS Shivalik đến thăm cảng Hải Phòng một lần nữa khẳng định sự nhất quán trong chiến lược hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ không bị gián đoạn trước bất kỳ sức ép nào. Quả thực, sau khi vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ lại ngày càng trở nên khăng khít hơn với hàng loạt những dự án hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, khai thác dầu khí, quốc phòng, an ninh.

The Times of India số ra ngày 28/10/ 2014 giật tít: “Ấn Độ phớt lờ cái búa rìu của Trung Quốc, đề xuất tăng cường quốc phòng cho Việt Nam”[2].

Những đề xuất này đang được cụ thể hóa bằng một số tàu tuần tiễu bán cho Việt Nam. Đó cũng là một bước “Hành động phía Đông” của người Ấn. Tờ India Times ngày 27/1/2015 nhận xét, nay là lúc Ấn Độ không cảm thấy bị trói tay khi hậu thuẫn việc tái cân bằng châu Á của Mỹ. Có thể thấy Cquyền ông Modi đang nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Yếu tố địa lý khiến Việt Nam luôn phải đối diện với những thách thức trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Trước một Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều lần, chính sách ngoại giao truyền thống của Việt Nam là hòa hiếu. Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích tối thượng, thiêng liêng, chúng ta sẵn sàng hi sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền dân tộc và không e ngại bất cừ kẻ thù nào kể cả Trung Quốc. Trong thời gian qua, mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng là rõ ràng với hàng loạt vụ việc như cắt cáp tàu Bình Minh 02, đưa giàn khoan 981 cùng lực lượng hộ tống vào vùng biển Việt Nam, xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo… cho thấy cường độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng, và chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng, xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, Việt Nam tiếp tục tranh thủ các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến lược của mình, góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Quan hệ Việt - Ấn đã và đang tiếp thêm sức mạnh, niềm tin một cách thiết thực nhất trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


[1]Trần Khánh (2012), Tranh chấp biển Đông nhìn từ góc độ địa chính trị, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2/2012.

[2]Danh Đức (2015), Ấn Độ và chính sách “Hành động ở phương Đông, Trang điện tử báo Tuổi trẻ, ngày 5/6/2015, http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150130/an-do-va-chinh-sach-hanh-dong-o-phuong-dong/705432.html

*Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
**Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn:

Cùng chuyên mục