Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)
ThS Trần Hùng Minh Phương*
Một lĩnh vực hợp tác khác giữa Việt Nam - Ấn Độ là phát triển lĩnh vực công nghệ nano. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nắm giữ một loạt các tài sản ngoài khơi, bao gồm các khu vực khai thác dầu và các đảo. Sự an toàn của các tài sản này cần được tăng cường bởi các hệ thống giám sát trên không tốt hơn; và về vấn đề này, các tổ chức khoa học và công nghệ Ấn Độ cùng với các trường đại học đã tự phát triển các nghiên cứu này, thực hiện các dự án nghiên cứu vệ tinh. Các vệ tinh này được sử dụng để lập bản đồ không gian địa lý cũng như thu thập dữ liệu môi trường và thăm dò biển. Bên cạnh đó còn có các hợp tác quốc phòng khác, Ấn Độ đã phát triển, một loại thủy phi cơ (loại Griffon) được Bộ Cảnh sát biển Ấn Độ sử dụng. Công nghệ này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Cảnh sát biển Việt Nam một cách đáng kể trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển[1]. Tuyên bố hợp tác chiến lược Việt Nam năm 2003 đã kêu gọi sự hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, tăng cường an ninh khu vực và chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán ma túy.
Trong chuyến thăm gần đây nhất của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 9 năm 2016, mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã được nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tăng cường trao đổi cấp cao đồng thời đẩy mạnh quan hệ giữa các đảng chính trị và các cơ quan lập pháp của cả hai
bên và duy trì các cơ chế hợp tác song phương, và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước. Năm 2017 được xem là “Năm hữu nghị”, trong đó đánh dấu sự hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Khoa học của Ấn Độ; việc phòng thủ và an ninh giữa hai quốc gia (về các vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chia sẻ thông tin cho nhau trong việc tuần tra khu vực); và các lĩnh vực như an ninh và thăm dò, sử dụng không gian bên ngoài cho các mục đích hòa bình đã được ký kết trong chuyến viếng thăm. Tháng 12 năm 2016, một thỏa thuận hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình giữa Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác hơn nữa trong năng lượng hạt nhân dân sự[2].
2.2. Hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hợp tác trong khu vực thì Việt Nam là trụ cột quan trọng của “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, một sự thay đổi chiến lược do Thủ tướng Modi công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 9 và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nay Pyi Taw vào năm 2014, để chủ động hơn và thực dụng hơn tiếp cận quan hệ của Ấn Độ với khu vực mở rộng ở Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Nó tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chống khủng bố và hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực và thúc đẩy hàng hải, phát triển nền kinh tế và an ninh dựa trên luật pháp quốc tế.
Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam, Ấn Độ còn đẩy mạnh mới quan hệ chiến lược với các quốc gia ASEAN thông qua các tổ chức khu vực và tiểu vùng như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) và Hợp tác Mekong Ganga (MGC) đã tạo thành công cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ ASEAN và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc xây dựng một khu vực yên bình và ổn định. Việt Nam đã nhất quán hỗ trợ và giúp tăng cường hợp tác thể chế giữa Ấn Độ và ASEAN. Việt Nam là điều phối viên ASEAN cho Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018, trong đó cả hai nước cần hợp tác chặt chẽ và thực hiện kịp thời các sáng kiến khác nhau và các dự án tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Từ kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2016-2020 được thông qua vào tháng 8 năm 2015 đã xác định các sáng kiến cụ thể và các lĩnh vực hợp tác dọc theo ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội của ASEAN. Ngoài việc khuyến khích thêm các hoạt động đối thoại và hợp tác xây dựng thông qua các cơ chế thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực; hợp tác chống khủng bố và các mối đe dọa phi truyền thống, hợp tác hàng hải, du lịch, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và khuyến khích quan hệ kinh doanh, đầu tư và tài chính, năng lượng bao gồm năng lượng mới và tái tạo và điện khí hóa nông thôn, thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, công nghệ thông tin, khai thác mỏ và quản lý tài nguyên thiên nhiên, y tế, giáo dục, văn hóa và trao đổi giữa người và người, và tạo thuận lợi liên quan như cấp visa nhập cảnh… Có 54 trên 130 các dự án đã được triển khai. Các dự án kết nối vật lý và kỹ thuật số thông tin. đường cao tốc, hợp tác khoa học công nghệ và các dự án xây dựng nguồn nhân lực, mà Ấn Độ công bố cho các nước ASEAN đã được giải quyết, tất cả nhằm mục đích mang lại sự hội nhập và thịnh vượng trong khu vực[3].
Hợp tác quốc phòng và an ninh Việt Nam - Ấn Độ đã nổi lên như một trụ cột quan trọng trong chiến lược hợp tác với nhau. Các lĩnh vực trọng tâm đã được xây dựng ở cấp cao, hàng năm đều có đối thoại cao cấp giữa hai bên, hợp tác dịch vụ, thăm tàu hải quân, đào tạo mở rộng và xây dựng năng lực, mua sắm trang thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ có liên quan và hợp tác tại các khu vực như ADMM-Plus, và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng.
Sau khi Bộ quốc phòng hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Tháng 11 năm 2009, các mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển đều đặn. “Tuyên bố chung về tầm nhìn năm 2015- 2020” có chữ ký của hai Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 5 năm 2015, đã vạch ra con đường cho hợp tác quốc phòng của Việt Nam và Ấn Độ. Hai bên thường xuyên giao lưu quốc phòng ở cấp cao, tăng cường thương mại quốc phòng, hợp tác trong sản xuất công nghệ và thiết bị quân sự mới, hợp tác và đào tạo hải quân lẫn nhau.
Hợp tác quốc phòng song phương đã nhận được một sự thúc đẩy lớn trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến thăm Việt Nam năm 2016. Thủ tướng Modi tái khẳng định sự quan tâm của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai bên. Ấn Độ mở rộng 500 triệu USD tín dụng cho Việt Nam thực hiện các dự án hợp tác quốc phòng. Đầu năm 2014, Ấn Độ đã ký thỏa thuận cho Việt Nam vay 100 triệu USD mua thiết bị phòng thủ. Thỏa thuận xây dựng và cung cấp 12 tàu tuần tra tốc độ cao ngoài khơi cũng đã được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam. Điều này, cùng với các lĩnh vực hợp tác mới như xây dựng công nghệ tên lửa và trạm hình ảnh vệ tinh, báo hiệu sự tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, Ấn Độ cũng đồng ý chuyển giao thiết bị, tài trợ phòng thí nghiệm chống tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi. Cả hai bên đều đồng ý sớm xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan An ninh Quốc gia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập cuộc đối thoại cấp Thứ trưởng và tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa thiên tai và thực hiện các chương trình đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực.
Hợp tác không gian giữa Ấn Độ - ASEAN đi một chặng đường dài trong việc tăng cường khả năng cho Việt Nam và các nước ASEAN trong viễn thám và giám sát ven biển với nhiều ứng dụng thương mại và khoa học, bao gồm cứu trợ và quản lý nhằm ngăn ngừa thảm họa khu vực. Hợp tác trong công nghệ quốc phòng và sản xuất giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ dẫn đầu để hợp tác khu vực hơn nữa trong lĩnh vực này[4].
2.3. Định hướng xây dựng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Về định hướng chiến lược, Ấn Độ triển khai các bước trong quan hệ chính trị ở Đông Nam Á kèm theo chính sách chiến lược khu vực. Từ năm 1994, Thủ tướng Ấn Độ Rao tuyên bố rằng: “Ấn Độ muốn trở thành một phần của khuôn khổ an ninh phát triển trong khu vực để thuyết phục những nghi ngờ về phát sinh từ tiềm lực quân sự của mình có thể đóng góp cho tòa nhà an ninh đã được chế tác bởi các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương”.[5] Ấn Độ đã có sự định hướng lại đáng kể ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vài năm vừa qua. Sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, sự rút lui của lực lượng Mỹ từ Afghanistan, sự nổi lên của tổ chức IS, sự khủng hoảng khủng bố và bạo lực chủng tộc trên toàn thế giới, sự hỗn loạn trong nền kinh tế do sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, sự kiện Brexit của Liên minh Châu Âu ... là một trong các thay đổi lớn đã tác động đến hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Việc tái cân bằng lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã tạo sự ổn định nhiều quốc gia về an ninh tổng thể trong giai đoạn hỗn loạn này, cả về kinh tế và quân sự. 60% tài sản của Mỹ dự kiến sẽ được triển khai lại cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2020[6]. (Xem tiếp phần 3)
[1] Dhrubajyoti Bhattacharjee. India and Vietnam: Long Lost Cousins? https://qrius.com/india-vietnam-long-lost-cousins/
[2] Piyush Srivastava, 2017. “India-Vietnam: Expanding Strategic Engagement in 21st Century”, ‘Vietnam-India: 45 years of Diplomatic Relations and 10 years of Strategic Partnership’, Hà Nội, p.4
[3] Piyush Srivastava. 2017. “India-Vietnam: Expanding Strategic Engagement in 21st Century”, ‘Vietnam-India: 45 years of Diplomatic Relations and 10 years of Strategic Partnership’, Hà Nội, p.6.
[4] Piyush Srivastava, 2017. “India-Vietnam: Expanding Strategic Engagement in 21st Century”, ‘Vietnam-India: 45 years of Diplomatic Relations and 10 years of Strategic Partnership’, Hà Nội, p.7.
[5] Sridharan, Kripa. 1996. The ASEAN Region in India’s Foreign Policy. Aldershot: Dartmouth Publishing, p.178.
[6] Vice Admiral Shekhar Sinha. 14/3/2017. India-Vietnam cooperation on defence and security.
https://salute.co.in/india-vietnam-cooperation-on-defence-and-security/
*ThS Trần Hùng Minh Phương, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội/ M.A. Tran Hung Minh Phuong, Uvernisity of Social Sciences and Humanities, Hanoi National University.
** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục